Doanh nhân vừa làm giàu vừa chăm lo xã hội

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định doanh nghiệp, doanh nhân đóng vai trò hết sức quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Các cấp, các ngành phải đồng hành với doanh nghiệp, doanh nhân.

Doanh nhân vừa làm giàu vừa chăm lo xã hội

Làm việc tại Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) sáng 17-12, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định doanh nghiệp, doanh nhân đóng vai trò hết sức quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Các cấp, các ngành phải đồng hành với doanh nghiệp, doanh nhân.
Ông kể: “Năm 2008, nhân chuyến công tác sang Pháp và tham dự diễn đàn doanh nghiệp tại đây, có một doanh nhân nước ngoài hỏi tôi: là một nhà lãnh đạo chính trị, ông đối với doanh nghiệp, doanh nhân như thế nào? Tôi trả lời rằng các nhà lãnh đạo chính trị của VN luôn đồng hành với doanh nghiệp, doanh nhân”.
VN có trên 2 triệu doanh nhân
Tổng bí thư nêu bốn nhóm vấn đề đề nghị các đại biểu tham dự cùng thảo luận, đó là: Doanh nhân, anh là ai? Đến nay khái niệm doanh nhân có gì mới, có gì khác với thời bao cấp và khác với doanh nhân thế giới? Sự phát triển của đội ngũ doanh nhân trong thời gian qua nhanh hay chậm, bình thường hay có gì cần quan tâm? Từ thực tiễn hiện nay, cộng đồng doanh nghiệp thấy có thuận lợi, khó khăn và đề xuất gì? Vai trò, vị trí của VCCI?
Ông Vũ Tiến Lộc, chủ tịch VCCI, cho biết đến hết tháng 9-2011 cả nước có trên 600.000 doanh nghiệp đăng ký hoạt động theo Luật doanh nghiệp, hiện nay cả nước có trên 2 triệu doanh nhân. Khu vực doanh nghiệp đóng góp trên 70% nguồn thu ngân sách nhà nước, thu hút được 7,4 triệu lao động… Mặc dù vậy, việc phát triển doanh nghiệp và xây dựng đội ngũ doanh nhân ở VN vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của đất nước. Quy mô doanh nghiệp của các doanh nhân nước ta còn nhỏ bé, chỉ tương đương doanh nghiệp nhỏ và vừa, thậm chí là nhỏ và siêu nhỏ ở các nước phát triển. Chỉ có 9% số doanh nghiệp có trên 50 lao động và 2,68% doanh nghiệp có trên 200 lao động…
Ông Huỳnh Văn Minh, chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM, khẳng định nghị quyết về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân VN trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế (nghị quyết 09) do Bộ Chính trị vừa ban hành là một “luồng gió mới” và nói theo cách Nam bộ thì doanh nhân đọc nghị quyết này thấy “quá đã”.
Ông Minh kiến nghị việc sửa đổi Hiến pháp tới đây phải xác định đội ngũ doanh nhân có mặt chính thức trong hệ thống chính trị, coi doanh nhân là “người lính thời bình” đi đầu trong việc làm cho dân giàu, nước mạnh. “Một trong những vấn đề mấu chốt là cải cách thủ tục hành chính sao cho thông thoáng hơn nữa. Doanh nhân cần cái này hơn cần tiền” – ông Minh nói.
Bà Nguyễn Thị Nga, chủ tịch HĐQT Ngân hàng SeABank, đề cập vấn đề “doanh nghiệp ta khác thế nào với thế giới”. Bà cho rằng doanh nghiệp VN có đặc điểm là “chăm chỉ, sáng tạo và sức chịu đựng tốt nhất khu vực”.
Ông Huỳnh Văn Thòn, tổng giám đốc Công ty cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang, chia sẻ suy nghĩ của mình là doanh nhân có thể đi giày da, mặc áo vét… giống như doanh nhân thế giới, nhưng từ bản thân ông thấy rằng phong thái, phong cách, kỹ năng vẫn chưa thoát khỏi “anh hai lúa”.
Chưa nên có gói kích cầu
Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải cho rằng: “Cái doanh nghiệp, doanh nhân chúng ta khác là tham gia vào an sinh xã hội rất mạnh mẽ, thể hiện lòng yêu nước và sự trung thành với đất nước, dân tộc”.
Theo Phó thủ tướng, tồn tại của doanh nghiệp, doanh nhân VN hiện nay là hiệu quả và năng lực cạnh tranh thấp, năng suất lao động tăng chậm… Việc xây dựng văn hoá doanh nghiệp, tinh thần doanh nhân chưa đáp ứng yêu cầu, “số lượng doanh nghiệp áp dụng phương pháp quản trị hiện đại nhất thế giới còn đếm trên đầu ngón tay”.
Đề cập các giải pháp và phương hướng trong thời gian tới, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải khẳng định Chính phủ sẽ tiếp tục đẩy mạnh cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước, mở thêm thị trường và cơ hội cho doanh nghiệp, doanh nhân ngoài quốc doanh. Đối với kiến nghị mở rộng đối tượng doanh nghiệp được hưởng chính sách miễn thuế, giảm thuế, Phó thủ tướng nói Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo về việc này và mới chủ trì cuộc họp ngày
16-12 để xem xét các vấn đề cụ thể. Theo Phó thủ tướng, việc đề xuất có gói kích cầu lúc này chưa phù hợp với mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô. Ở đây cần đồng thuận mục tiêu chung, đưa lạm phát về một con số trong năm 2012, đây là lợi ích chung của người dân và cộng đồng doanh nghiệp.
Thay đổi nhận thức về doanh nhân
Phát biểu kết luận cuộc làm việc, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đề cập cách gọi “doanh nhân” và điểm lại Đại hội IX của Đảng chưa gọi là doanh nhân, lúc bấy giờ nói là “các nhà doanh nghiệp” và “các nhà doanh nghiệp” thì xếp sau công nhân, nông dân, trí thức, thanh niên, phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Hội Người cao tuổi… Đến Đại hội X, sau khi tổng kết 20 năm thực hiện đường lối đổi mới, trong văn kiện của Đảng đã ghi “doanh nhân”, lần này không phải xếp sau các tổ chức như trước mà chỉ xếp sau công nhân, nông dân, trí thức. Như vậy, nhận thức dần phát triển lên, thấy vai trò của doanh nhân. Đến Đại hội lần thứ XI của Đảng đã tiến thêm một bước, khẳng định: “Tạo điều kiện xây dựng, phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh”.
Tổng bí thư nhấn mạnh doanh nhân VN có nhiều điểm giống doanh nhân thế giới, cùng là người hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhưng với nền kinh tế thị trường định hướng XHCN thì chắc là phải có điểm khác. “Đây là doanh nhân VN, trong thời đại Hồ Chí Minh… có nghĩa là không phải chỉ vì lợi ích tối đa của mình. Tăng trưởng kinh tế phải đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội. Làm giàu chính đáng đi đôi với xoá đói giảm nghèo, chăm lo các vấn đề xã hội… Tôi rất tâm đắc với việc các doanh nhân hôm nay đã nhiều lần khẳng định tinh thần người lính Cụ Hồ trong hoạt động kinh tế” – Tổng bí thư nói.
“Rằng hay thì thật là hay, xem ra thực hiện còn gay trăm bề”
Đó là phát biểu của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng khi đề cập nghị quyết của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân VN trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế. Các đại biểu có mặt trong hội trường của VCCI đồng loạt vỗ tay.
Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Đảng ta có một nghị quyết của Bộ Chính trị về vấn đề này. Điều đáng mừng qua ý kiến của chính các doanh nhân, thấy rằng nghị quyết đã phản ánh đúng tâm tư, nguyện vọng của doanh nhân. Vấn đề quan trọng sắp tới là triển khai nghị quyết như thế nào.
Tổng bí thư đề nghị VCCI cũng như cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân nghiên cứu sâu, quán triệt nội dung của nghị quyết này cũng như các nghị quyết khác có liên quan của Đảng.