John Wood: Tôi thấy hạnh phúc hơn

Ðó là những câu chuyện đáng chia sẻ của John Wood khi ông quyết định rời Hãng Microsoft ở độ tuổi 35 một cách đầy bất ngờ và bắt tay vào thực hiện mục tiêu đem tri thức và sách tới cho trẻ em kém may mắn trên khắp thế giới.

 John Wood: Tôi thấy hạnh phúc hơn

Trở lại Việt Nam vào ngày 28-10 này, John Wood – người sáng lập tổ chức Room to read quen thuộc với nhiều trường học và trẻ em – còn được chào đón như một tác giả gợi nhiều cảm hứng khi cuốn hồi ký Rời Microsoft để thay đổi thế giới (NXB Trẻ) của ông vừa ra mắt độc giả VN.

Ðó là những câu chuyện đáng chia sẻ của John Wood khi ông quyết định rời Hãng Microsoft ở độ tuổi 35 một cách đầy bất ngờ và bắt tay vào thực hiện mục tiêu đem tri thức và sách tới cho trẻ em kém may mắn trên khắp thế giới. Tuổi Trẻ trao đổi với John Wood về cuốn sách đầy cảm hứng này:

* Một chủ đề của cuốn sách là “đem đến cho người khác cơ hội được sống tốt hơn”, và chúng ta cần quan tâm, tôn trọng, hỗ trợ quyền được học tập của người khác. Sự thành đạt sau này của trẻ em, thật không công bằng, đôi khi lại phụ thuộc nơi các em được sinh ra. Ông nghĩ gì về điều này?

– Ðây là một câu hỏi thú vị, vì chị đã nhắc tới có những đứa trẻ sinh ra nhầm chỗ, nhầm thời điểm và vì vậy chúng không có cơ hội học tập. Tôi cho rằng đây là một thất bại về mặt đạo đức của thế giới, và với Room to read (tổ chức phi chính phủ quốc tế hoạt động trong lĩnh vực hỗ trợ giáo dục cho trẻ em – PV), chúng tôi mong muốn thay đổi điều này trên quy mô rộng.

John Wood – Ảnh: Sergio Villareal

John Wood được thế giới tôn vinh và thừa nhận sự đóng góp của ông bằng nhiều giải thưởng như Nhà lãnh đạo trẻ toàn cầu của Diễn đàn kinh tế thế giới, và là một trong “Những anh hùng châu Á” do tạp chí Time bình chọn năm 2004. Ông sống và làm việc ở San Francisco, California.

Cuốn hồi ký của ông lần đầu tiên ra mắt ở Mỹ vào năm 2006 và hiện đã được tái bản lần 14. Cuốn sách đã được xuất bản ra 22 thứ tiếng, và độc giả tặng hàng chục triệu USD để Room to read mở rộng hoạt động. Cuốn sách thành công đến mức giờ đây John Wood đã quyết định viết phần tiếp theo, NXB Penguin sẽ chịu trách nhiệm xuất bản trong vòng một năm nữa.

 Tôi rất tự hào khi nói rằng trong mười năm qua, chúng tôi đã tiếp cận được 6 triệu trẻ em ở chín quốc gia, trong đó có Việt Nam. Mục tiêu là tặng các em món quà mà các em dùng cả đời: học vấn. Chúng tôi đã mở được hơn 1.500 trường học và 12.000 thư viện. Nhưng con đường đi vẫn còn rất dài, và một ngày nào đó chúng tôi mong muốn sẽ tiếp cận được 10 triệu trẻ em, rồi 20 triệu… Nhu cầu vẫn còn rất lớn và tham vọng của chúng tôi cũng vậy.

* Ông chọn cách phục vụ người mà ông nghĩ họ cần ông nhất: những đứa trẻ nghèo và kém may mắn. Nhưng như trong cuốn sách ông đề cập, con người chúng ta hay bị chi phối bởi cách mà chúng ta mong muốn xã hội nhìn nhận mình: chức vụ, mức lương, những tài sản ta sở hữu hay giai tầng xã hội…

– Cách tôi nhìn mọi việc rất đơn giản: hạnh phúc đến với bản thân từ quá trình trải nghiệm và hành động. Mỗi khi có một thư viện hay nhà trường mới được Room to read mở, tôi hạnh phúc hơn, vì điều đó có nghĩa là thế giới vừa trở nên tốt đẹp hơn cho vài trăm trẻ nhỏ. Mỗi khi tôi biết một bé gái trở thành người đầu tiên trong gia đình hoàn thành trung học cơ sở với sự hỗ trợ của Room to read, tôi thấy vui hơn, và nhắc tôi rằng những gì mình làm là lý do mình có mặt trên trái đất này.

Ðúng là tôi đã từ bỏ vị trí giám đốc phát triển kinh doanh của Microsoft tại Trung Quốc và nhiều người không hiểu vì sao tôi bỏ đi khoản lương hậu hĩnh và chức danh hoành tráng thế. Nhưng trong tim, tôi hiểu vì sao, và cha mẹ tôi hiểu và ủng hộ, như thế là đủ để tôi vượt qua quãng thời gian suy nghĩ trước khi quyết định. Giờ đây thế giới biết đến tôi như một người khác, người đã tự tạo ra mình bằng cách tập trung không phải vào “tôi sẽ đạt được gì”, mà tôi sẽ giúp người khác như thế nào để họ đạt được thành công.

* Ông dành một phần quan trọng trong cuốn sách nói về Nguyễn Thái Vũ – một cậu bé người Việt Nam khi đó đã khiến ông quyết định mở rộng hoạt động của Room to read từ Nepal sang Việt Nam. Nếu không phải là Vũ, liệu ông có chọn Việt Nam không?

– Vũ có ảnh hưởng lớn tới cuộc đời tôi. Khi tôi giúp em học tập bằng cách hỗ trợ khoản tiền học vi tính và cuối cùng vào đại học, em cũng đã giúp tôi học được nhiều điều. Từ ví dụ của em, tôi biết nhiều trẻ em ở Việt Nam mong muốn được đến trường, được cải thiện cuộc sống, được hoàn thành việc học và giúp đất nước phát triển. Buồn cười ở chỗ tôi chỉ có một bằng thạc sĩ, còn giờ Vũ có nhiều bằng hơn cả tôi! Vũ làm cho ngành đường sắt, trong lĩnh vực công nghệ thông tin, và con cái của Vũ đi học, có bằng khen. Ðó là ví dụ về sức mạnh của giáo dục trong việc thay đổi vận mệnh của con người. Tất cả chỉ mới xảy ra trong 14 năm qua.

* Có rất nhiều tư tưởng ông đề cập tới trong cuốn sách, như niềm tin trong hành động của mỗi người, như vị trí của chúng ta trong vũ trụ, ý nghĩa của hạnh phúc. Nếu có thể thêm điều gì đó nữa, ông sẽ bổ sung gì?

– Tôi rất tin rằng khi ta làm điều tốt cho người khác là ta đang làm điều tốt cho bản thân mình, vì đó mới là khởi nguồn của hạnh phúc. Ðôi khi chúng ta hạnh phúc hơn khi trao tặng cho người khác, hơn cả khi chúng ta thu nhặt vật chất cho mình. Ngày nay tôi làm việc nhiều hơn so với ngày xưa (kể cả thời ở Microsoft), tôi đi lại nhiều hơn (mỗi năm hơn 200 ngày rong ruổi trên đường). Nhưng tôi thấy hạnh phúc hơn. Tôi không sáng tạo bất kỳ tư tưởng nào cả, tôi chỉ làm theo những điều đã được chỉ dạy từ ngày xưa.

Chúng tôi còn rất nhiều việc phải làm, khi hàng chục triệu trẻ em vẫn chưa được đến trường, hàng trăm triệu người trên thế giới vẫn đang mù chữ. Bởi vậy, tôi không tự hài lòng với mình và vẫn mong muốn làm rất nhiều việc nữa.