Hy vọng giải cứu nợ châu Âu có thể tan vỡ

Reuters cho biết các bất đồng và chia rẽ trước cuộc họp đang có nguy cơ nhấn chìm hy vọng đối với cuộc họp lần này, bất chấp Pháp và Đức trấn an sẽ có một “giải pháp toàn diện” cho khủng hoảng nợ vào cuối tháng 10-2011.

 Hy vọng giải cứu nợ châu Âu có thể tan vỡ

Giới đầu tư theo dõi hội nghị khẩn cấp của các lãnh đạo châu Âu diễn ra tối 26-10 (theo giờ VN) trong nỗi lo sợ sẽ thất vọng một lần nữa do những bất đồng dai dẳng, trong lúc nguy cơ Ý rơi vào khủng hoảng ngày một tăng.

Cuộc họp bàn về khủng hoảng lần thứ 14 trong vòng 21 tháng qua tại Brussels, Bỉ diễn ra năm ngày sau cuộc gặp của các quan chức châu Âu cuối tuần trước. Reuters cho biết các bất đồng và chia rẽ trước cuộc họp đang có nguy cơ nhấn chìm hy vọng đối với cuộc họp lần này, bất chấp Pháp và Đức trấn an sẽ có một “giải pháp toàn diện” cho khủng hoảng nợ vào cuối tháng 10-2011. Thủ tướng Pháp François Fillon cho biết nếu hội nghị lần này thất bại, nó sẽ “biến châu Âu thành một xứ sở vô danh”.

Ý – vết xe đổ của Hy Lạp?

Tờ Handelsblatt của Đức mô tả cuộc họp ngày 26-10 là “ngày của những lời hứa lèo” khi các nhà lãnh đạo châu Âu phải cho ra một kế hoạch chắc chắn về tăng quỹ giải cứu châu Âu, bơm vốn vào các ngân hàng và quyết định xoá nợ cho Hy Lạp. Một số nguồn tin cho biết kết quả cuối cùng có thể phải chờ đến cuộc gặp tiếp theo của các bộ trưởng tài chính khối đồng euro và châu Âu vào ngày 7-11.

Số phận của Ý, quốc gia lớn thứ ba khu vực đồng euro, cũng trở thành mối lo ngại lớn. Trước cuộc gặp, Rome đã bị yêu cầu phải đưa ra kế hoạch hành động nhằm giảm khoản nợ công khổng lồ của nước này, điều mà Thủ tướng Berlusconi khó có thể đưa ra tại Brussels.

Ý hiện đang dựa vào các khoản thu mua trái phiếu chính phủ của Ngân hàng Trung ương châu Âu để duy trì lãi suất vay. Nước này dự kiến cần phát hành gần 840 tỉ USD trong vòng ba năm tới để cân bằng các khoản nợ đến hạn.

Đổi lại, các nhà lãnh đạo châu Âu yêu cầu Rome phải thực hiện các cải cách kinh tế, bao gồm việc cải cách hệ thống lương hưu, nâng tuổi nghỉ hưu lên 67 tuổi. Ý và Tây Ban Nha là hai nước đang có nguy cơ tiếp tục đi vào vết xe đổ của Hy Lạp.

Các nước mới nổi vào cuộc

China Daily ngày 26-10 đưa tin Trung Quốc và các nền kinh tế mới nổi khác đã thống nhất sẽ giúp đỡ các nước khủng hoảng bằng việc tham gia bơm tiền cho Quỹ Tiền tệ quốc tế, nhằm nâng cao tiếng nói của mình trên trường quốc tế. Thoả thuận này sẽ được trình trong văn bản cuối cùng hội nghị khẩn cấp của các nước châu Âu tại Brussels.

Theo AFP, các nước châu Âu trước đó đã cân nhắc việc nhờ đến sự trợ giúp của Trung Quốc, Brazil và các nước đang phát triển khác. Reuters cho biết lãnh đạo Quỹ bình ổn tài chính châu Âu Klaus Regling sẽ đến Trung Quốc vào ngày 27-10.

Cùng ngày Bắc Kinh cũng hối thúc các nước châu Âu giải quyết cuộc khủng hoảng một cách hiệu quả. Trung Quốc “hy vọng các biện pháp mà các nước châu Âu đạt được sẽ giúp đối phó với các vấn đề nợ và khôi phục niềm tin cũng như ổn định của châu Âu” – người phát ngôn Khương Du của Trung Quốc nói. Khoảng 25% trên tổng số 3.200 tỉ USD dự trữ ngoại tệ của Bắc Kinh là đầu tư vào các tài sản định giá theo đồng euro.