“Cho con một phút bào chữa!”

Chỉ còn cách luôn nhắc nhớ mình để tránh những tổn thương, bởi bạn thấu hiểu hơn ai hết: rằng ba mẹ chỉ có một trên đời.

 “Cho con một phút bào chữa!”

Chẳng ít lần tôi dằn vặt tự hỏi: Tại sao mình có đủ kiên nhẫn làm tất cả mọi thứ cho con, thế mà lại không đủ kiên nhẫn dù chỉ năm phút để nghe mẹ nói chuyện.

Và chẳng ít lần không kiềm chế nổi, tôi đã để mình mắc cái tội “bất hiếu”: cãi mẹ, tỏ ra khó chịu khi mẹ nhớ nhớ quên quên, hoặc càm ràm khi mẹ làm gì đó chậm chạp… Nhưng nếu được, tôi sẽ không xin mẹ “tát con một cái cho hết tội” như bạn nào đó, mà sẽ chỉ cầu xin mẹ một lời: “Cho con một phút bào chữa!”. Để tôi có dù chỉ một phút, được phân bua ít nhiều về những hành động làm mẹ buồn lòng.

Mẹ và con

Nếu cha mẹ già đi…

Gần đây, nhiều diễn đàn lan truyền một lá thư có tựa đề “Hãy bao dung nếu bố mẹ già đi”, với phần mở đầu day dứt: Ngày bố mẹ già đi, con hãy cố gắng kiên nhẫn và hiểu giùm cho bố mẹ. Nếu như bố mẹ ăn uống rớt vung vãi… Nếu như bố mẹ gặp khó khăn ngay cả đến cái ăn cái mặc… xin con hãy bao dung!…

Bên cạnh những hiệu ứng xúc động của câu chuyện đem lại, lá thư cũng đặt ra một phản ứng khác: tại sao cha mẹ lại “xin con cái hãy bao dung!”, đã làm con thì phải yêu thương – hiếu kính cha mẹ. Và chuyện phụng dưỡng cha mẹ tuổi về chiều là một trong những cách biểu lộ đạo lý ấy, bởi “tròn chữ hiếu mới là đạo con”.

Tôi và những bạn bè của mình có đôi lần kể với nhau về chuyện vì sao giữa mình và ba mẹ không suy nghĩ cùng một hướng. Tại sao nhiều khi ba mẹ lấn quá sâu vào đời sống riêng của con cái và muốn con cái (cả dâu, rể) sống theo ý mình thì mới hài lòng?

Bạn tôi có lần thật sự stress khi bị mẹ giận chỉ vì bạn bỏ ngang một công việc “ngon lành”, ngồi nhà để nhận dự án cá nhân (nhiều người gọi là freelance); hay một bạn khác bị mẹ quở chỉ vì dám cao giọng cự nự với sếp, vì theo cụ “người ta trả lương cho mình thì phải biết điều chứ, nhiều lời chỉ chuốc vạ vào thân”…

Với những tâm sự được bày ra, hầu như ai cũng băn khoăn tại sao giữa những đứa con và ba mẹ vẫn có một bức tường cao ngút vô hình ngăn cách. Mỗi người sẽ phải tự hiểu và lý giải những lý do vì sao giữa mẹ và con gần gũi đến thế, thương xót nhau đến thế, mà hễ có chuyện lại giống như mỗi người đứng ở một bờ con sông, khắc khoải ngó mắt sang bên bờ kia, khắc khoải nỗi đau riêng mà không thể nào chạm vào nhau.

Từ nhỏ tôi đã quen tự lập và tự quyết định mọi thứ liên quan đến bản thân. Để ý thức và gìn giữ “nếp nhà”, tôi chẳng khi nào nguôi tự nhủ là sẽ không làm gì hư hỏng để mẹ phải buồn, phải khóc. Nhưng để sống cho tốt và để trưởng thành, tôi nghĩ mẹ khó lòng mà thấu cho hết tôi đang phải sống thế nào, đối diện với cái gì bên ngoài xã hội, gặp những ai, buồn thương, giận dữ mỗi lúc ra làm sao. Tôi chỉ dám đem những điều vui vẻ, những thành công, những câu chuyện đối nhân xử thế tràn đầy niềm vui nụ cười kể cho mẹ nghe. Để mẹ được an lòng giữa những năm tháng tuổi già, rằng con gái mẹ vẫn đang mạnh giỏi, đang vui tươi, đang gặp toàn những chuyện thuận lợi suôn sẻ. Còn bao nhiêu sóng gió, vất vả, băn khoăn, trăn trở và những quyết định dữ dội đều giữ lại cho riêng mình để mẹ đừng lo nghĩ, để mẹ khỏi buồn. Mỗi lúc về đến nhà tôi lại “dò” theo từng cử chỉ của mẹ, và mẹ cũng vậy – xét nét theo từng cử chỉ của con gái.

Lời nào là lời chung?

Cũng có đôi khi tôi liều mình thử “lấn sân”, lựa lời nói với mẹ về dự định của mình sắp tới, những thay đổi trong công việc nhưng thật sự “chẳng thể tìm ra được tiếng nói chung”. Mẹ không ủng hộ mọi sự thay đổi của tôi dù tôi đã đưa ra lời phân tích. Tôi hiểu ra với người lớn tuổi, những ước mơ, dự định và thay đổi của con cái thường viển vông, khó hiểu.

Nhiều lần tôi thiếu kiên nhẫn đến nỗi ngắt ngang câu chuyện kể về người hàng xóm nào đó mẹ gặp, chuyện mẹ la rầy sao tôi mua nhiều thứ linh tinh trong nhà mà không biết tiết kiệm. Tôi không chịu được mẹ bằng mọi cách giữ lại mọi thứ đồ đạc hư cũ trong khi nhà thì chật chội và cần dọn dẹp… Tôi gắt gỏng với mẹ vì mẹ để đồ dùng không đúng chỗ, rầy rà vì mẹ cư xử quá thật bụng, đôi lúc thành ra “mếch lòng” người xung quanh.

Nhưng thường, sau những phút bất đồng, sau những lời qua tiếng lại dù chẳng quá gay gắt với mẹ, hầu như tôi chỉ biết khóc lặng khi đoán chừng mẹ đã ngủ say. Khóc vì tủi thân, khóc vì mỏi mệt, và khóc vì thương mẹ quá. (Mà cũng chẳng dám khóc cho lớn tiếng vì sợ mẹ nghe thấy sẽ thức giấc thì sao?).

Làm sao tránh cho mẹ tổn thương khi tôi biết tuổi mẹ đã lớn, dễ mặc cảm và đổ vỡ. Tình thương yêu mẹ con là tình cảm tự nhiên nhất trên đời, hiểu vậy nhưng tôi nghĩ không có đứa con nào không rơi vào dăm ba tình cảnh khó xử, để rồi phải làm cha mẹ đau lòng. Với trường hợp của bản thân, tôi phải liên lục soi lại mình, liên tục nghiệm ra những cư xử thiếu mềm mỏng, nó giống như sự tỉnh ngộ để mình biết đúng biết sai, để học cách kiềm chế, để biết cách đối xử với “người quan trọng nhất và cũng mong manh nhất” trong cuộc sống của tôi!

Bạn có thể day dứt nhưng liệu bạn có dám khẳng định chắc nịch sẽ không phạm lỗi lần thứ nữa với ba mẹ đã già của mình? Cái vòng luẩn quẩn khó lòng cưỡng lại ấy người ta vẫn gọi là thứ “nợ đồng lần”, thứ nợ từ vô lượng kiếp, khi ai đó được định đoạt là cha mẹ của ta trong kiếp sống này?

Chỉ còn cách luôn nhắc nhớ mình để tránh những tổn thương, bởi bạn thấu hiểu hơn ai hết: rằng ba mẹ chỉ có một trên đời.