Ấn Độ tăng cường sức mạnh hải quân

Sau vụ khủng bố ở thành phố Mumbai khiến 168 người chết và các phần tử gây ra vụ khủng bố được xác định là di chuyển từ Pakistan bằng đường biển, Ấn Độ mới bắt đầu xem xét lại toàn bộ các chính sách bảo vệ vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) cũng như đường biển của mình.

 Ấn Độ tăng cường sức mạnh hải quân

Ấn Độ đang không ngừng tăng cường sức mạnh hải quân của mình, để từ đó vươn xa trên đại dương.

Ấn Độ là cường quốc hải quân lớn thứ 5 trên thế giới (chỉ sau Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh). Theo báo cáo an ninh ngày 9.9 của Jane’s (một tổ chức chuyên cung cấp các thông tin và phân tích về an ninh quốc phòng hàng đầu thế giới), lực lượng hiện có của hải quân nước này là 53.000 người; được trang bị 14 tàu ngầm, một tàu sân bay, 8 tàu khu trục, 11 tàu hộ vệ, 24 tàu hộ tống nhỏ, 20 tàu đổ bộ, 32 tàu tuần tra và một số lượng lớn tàu phá mìn, tàu thăm dò…

Bên cạnh hoạt động dưới nước, Hải quân Ấn Độ, tương tự như các lực lượng hải quân hiện đại khác, còn hoạt động… trên trời với khoảng 250 máy bay, trong đó có hơn 20 máy bay chiến đấu Mig 29, BAE Sea Harrier.

Kể từ năm 2008, sau vụ khủng bố ở thành phố Mumbai khiến 168 người chết và các phần tử gây ra vụ khủng bố được xác định là di chuyển từ Pakistan bằng đường biển, Ấn Độ mới bắt đầu xem xét lại toàn bộ các chính sách bảo vệ vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) cũng như đường biển của mình. Một lý do chính yếu khác để Ấn Độ mở rộng tham vọng phát triển lực lượng hải quân chính là nước này muốn tăng cường sự hiện diện của mình ở biển Đông.

Tháng 3.2010, Đô đốc Nirmal Kumar Verma, Tư lệnh Hải quân Ấn Độ, khẳng định: “Chúng tôi đang tiến hành mua thêm tàu ngầm, máy bay theo yêu cầu phát triển tương thích hiện nay. Chúng tôi đang đặt hàng 40 tàu chiến và tàu ngầm”. Trong một cuộc phỏng vấn khác với Jane’s vào tháng 7.2011, Đô đốc Verma cho biết thêm vào năm 2025, Ấn Độ sẽ vận hành 162 giàn khai thác dầu khí, 2 tàu sân bay, và nhiều tàu ngầm chạy bằng hạt nhân lẫn truyền thống. Đó là chưa tính đến một tổ hợp đầy uy lực của các máy bay trinh sát biển tầm xa và tầm trung, phi cơ không người lái, trực thăng tác chiến chống ngầm, cùng nhiều thiết bị tân tiến hiện đại khác phục vụ cho lực lượng hải quân.

Cải tổ và trỗi dậy

Hải quân Ấn Độ chia làm 3 đơn vị chính: Bộ Tư lệnh phía Tây, Bộ Tư lệnh phía Đông và Bộ Tư lệnh phía Nam, với trụ sở lần lượt đặt tại các thành phố Mumbai, Vizag (Vishakhapatnam), Kochi (Cochin). Tháng 3.2009, hải quân đảm nhận trách nhiệm chung an ninh hàng hải của nước này.

Hải quân Ấn Độ đang đẩy mạnh phát triển Bộ Tư lệnh Hải quân phía Đông bằng cách trang bị thêm nhiều tàu chiến, máy bay và phi cơ không người lái, trong đó có cả tàu hộ vệ tối tân do Ấn Độ sản xuất INS Shivalik. Tháng 4.2011, giới chức Ấn Độ cho hay Bộ Tư lệnh Hải quân phía Đông cũng sẽ tiếp nhận vào năm 2013 thêm 8 máy bay Boeing P-8I Poseidon có chức năng tác chiến chống ngầm. Nhiệm vụ trọng yếu của lực lượng này là tăng cường khả năng đối trọng lại sự hiện diện của Hải quân Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương.

Trong giai đoạn 2008 – 2013, Ấn Độ chi 40 tỉ USD để hiện đại hoá quốc phòng, phần lớn dành cho mua sắm các thiết bị cho lực lượng hải quân. Tiếp tục có đơn đặt hàng cho 7 chiếc tàu hộ vệ Project 17A. Yantar, một nhà máy ở Kaliningrad (Nga), cũng được Ấn Độ đặt hàng để đóng thêm ba tàu hộ vệ 1135.6 có tổng giá trị 1,56 tỉ USD. Lực lượng hải quân cũng đang tập trung phát triển đội tàu ngầm, trong đó có 4 tàu ngầm hạt nhân lớp Arihant được đóng ở trong nước dự định hạ thuỷ từ nay tới năm 2015. Chính phủ Ấn Độ cũng vừa chấp thuận cho hải quân mua thêm 8 tàu chiến khác.

Tàu sân bay INS Viraat, được mua lại từ Anh, hiện đã khá cũ và chỉ có thể hoạt động tối đa tới năm 2020. Thế nên, Ấn Độ sắp bổ sung tàu sân bay INS Vikramaditya hiện đại hơn và tải trọng lớn hơn vào năm 2012, được cải tiến từ tàu Đô đốc Gorshkov mua lại của Nga, có độ giãn nước 45.000 tấn, có thể mang 16 – 24 máy bay MiG-29K (hoặc chiến đấu cơ nội địa HAL Tejas) cùng 10 trực thăng. Khoảng trong năm 2015 – 2017, khi chiếc tàu sân bay thuộc lớp Vikrant – chiếc đầu tiên được thiết kế và đóng tại Ấn Độ, ra mắt thì quốc gia Nam Á này sẽ có 3 tàu sân bay, tương đương với việc thành lập 3 hạm đội có tàu sân bay.

Ấn Độ hiện sử dụng một hệ thống tên lửa, ngư lôi và các loại vũ khí khác được nhập khẩu chủ yếu từ Nga hoặc phát triển trong nước. Tên lửa hành trình BrahMos có tầm bắn gần 300 km – có thể phóng từ tàu ngầm, tàu mặt nước, giàn phóng trên bộ cũng như máy bay – hiện là loại tên lửa hành trình có tốc độ nhanh nhất thế giới (mach 3).

Kình địch trên biển

GS Carl Thayer của Học viện Quốc phòng Úc trong một so sánh giữa Ấn Độ và Trung Quốc, đã nói với Thanh Niên: xét về một vài phương diện nào đó, Hải quân Ấn Độ có sức mạnh vượt trội hơn Hải quân Trung Quốc. “Tuy vậy, cũng không nên so sánh tiềm lực hải quân của 2 nước mà không xem xét đến đâu có thể là nơi xảy ra xung đột. Mỗi nước có một địa điểm đắc địa cho riêng mình và hải quân nước nào hoạt động càng xa “sân nhà” thì càng bất lợi”, GS Thayer nói.

Ông Iskander Rehman, nghiên cứu sinh quốc tế của Viện Phân tích và nghiên cứu quốc phòng Ấn Độ, cũng cho rằng trong khi quá nhiều chú ý đang đổ dồn vào tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc, “sẽ còn rất lâu nữa Trung Quốc mới có thể triển khai toàn bộ các hạm đội của mình”.

Ông Rehman kết luận: “Trong vòng chưa đến một thập kỷ, cấu trúc của lực lượng Hải quân Ấn Độ đã có những thay đổi chấn động… Để lực lượng này tiếp tục thực thi hiệu quả cả quyền lực cứng và mềm của mình ở khu vực Ấn Độ Dương, các tư lệnh hải quân cần thể hiện được sự linh hoạt về chiến thuật nhằm tận dụng tối đa công dụng của các tàu sân bay. Chỉ bằng cách này hải quân Ấn Độ mới chứng tỏ được mình là một thế lực đáng gờm, cả trong thời chiến và thời bình trong thế kỷ 21”.