24/01/2025

Chế biến thực phẩm bằng dầu phế thải

Lô hàng chưa được làm thủ tục hải quan, chưa có bản công bố chất lượng sản phẩm và giấy chứng nhận đủ điều kiện ATVSTP nhưng Công ty TNHH CMT vẫn vận chuyển đưa ra thị trường tiêu thụ.

 Chế biến thực phẩm bằng dầu phế thải

Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (cơ quan đại diện phía Nam – C49B) vừa kết thúc chuyên án bóc gỡ các hoạt động mua bán, tái chế và tái sử dụng dầu thực vật đã qua sử dụng.

Chuyên án này được C49B lập từ năm 2010. Qua hơn một năm theo dõi, ban chuyên án đã xác định hàng loạt tổ chức, cá nhân trên địa bàn các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương và TP.HCM vi phạm các quy định của pháp luật về an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) và bảo vệ môi trường trong quá trình kinh doanh, tái chế, sử dụng dầu thực vật.

Xe dầu chui lọt…hải quan

Tháng 6-2010, Công ty TNHH CMT (trụ sở tại Q.Bình Thạnh, TP.HCM) nhập khẩu 1.800 tấn dầu thực vật từ Công ty Wilmar Trading (Malaysia), vận chuyển về cảng K10 Nhà Rồng – Khánh Hội, khai báo nhập để sản xuất xuất khẩu sang Campuchia. Lô hàng chưa được làm thủ tục hải quan, chưa có bản công bố chất lượng sản phẩm và giấy chứng nhận đủ điều kiện ATVSTP nhưng Công ty TNHH CMT vẫn vận chuyển đưa ra thị trường tiêu thụ.

Ngày 10-6-2010, khi C49B phát hiện, có 29 lượt xe bồn với gần 638 tấn dầu thực vật được chuyển ra khỏi cảng.

Do có dấu hiệu móc ngoặc giữa Công ty TNHH CMT với các công chức hải quan, C49B đã chuyển hồ sơ cho Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an (C46B) điều tra. Sau đó C46B kết luận giữa các công chức bộ phận giám sát cảng thuộc Chi cục hải quan cảng Sài Gòn khu vực II với Công ty TNHH CMT không có hành vi móc ngoặc buôn lậu, đưa nhận hối lộ nên thông báo để Cục Hải quan TP.HCM kiểm điểm trách nhiệm cán bộ.

Cục Hải quan TP.HCM ra quyết định xử phạt hành chính tổng cộng 20 triệu đồng và buộc Công ty TNHH CMT truy nộp 3,2 tỉ đồng, tương đương giá trị lượng dầu thực vật đưa ra tiêu thụ trái phép.

Từ lô hàng “lọt cửa” hải quan này, C49B mở rộng điều tra và phát hiện thêm ba doanh nghiệp kinh doanh dầu thực vật khác có hành vi vi phạm về ATVSTP và bảo vệ môi trường, gồm: doanh nghiệp tư nhân Thịnh Phát (P.16, Q.8, TP.HCM), Công ty TNHH sản xuất thương mại Thiên Lý Mã (P.Bình Hưng Hoà, Q.Bình Tân), Công ty TNHH hương liệu thực phẩm Đại Nam (P.Tân Thành, Q.Tân Phú). Kết quả phân tích các mẫu dầu thực vật của các doanh nghiệp có nhiều thành phần, chỉ tiêu vượt hàm lượng cho phép về ATVSTP.

Các “đầu nậu” mua bán

Chiên chuối sát chuồng heo

Khi kiểm tra các cơ sở Trần Thị Hoa, Vũ Thị Ánh Sáng, Trần Thị Hồng Thắm, Trần Thị Xuân Hương – chuyên chế biến hành phi, sa tế, nui chiên, chuối chiên tại xã Quang Trung, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai, C49B chứng kiến cảnh tượng nhếch nhác khi nhà xưởng ở đây tạm bợ.

Có cơ sở khu vực chế biến chuối chiên nằm sát bên dãy chuồng heo nặc mùi xú uế. Có cơ sở khi bị phát hiện đã đem các can dầu phế thải ra giấu ngoài vườn.

Sau khi bóc gỡ đường dây tiêu thụ dầu nhập khẩu không đúng thủ tục hải quan và không đảm bảo ATVSTP, tháng 3-2011 một mũi khác của chuyên án phối hợp với thanh tra Sở Y tế TP.HCM và Chi cục ATVSTP tỉnh Đồng Nai phanh phui hàng loạt vi phạm của các doanh nghiệp, hộ kinh doanh liên quan đến việc mua bán, tái chế, sử dụng dầu thực vật phế thải để chế biến thực phẩm.

Cụ thể, tại cơ sở mua bán, tái chế dầu thực vật do bà Nguyễn Thị Kim Hoa làm chủ ở xã Tân Thới Nhì, huyện Hóc Môn, C49B tìm thấy 34 phuy dầu phế thải đã được tái chế.

Bà Hoa khai nhận thường mua dầu phế thải nguồn gốc từ các công ty chế biến thực phẩm, nhà hàng qua một số đầu mối, trung bình 2-3 tấn mỗi tháng, với giá 7.000-10.000 đồng/kg rồi lắng lọc, bán lại cho những người có nhu cầu với giá 12.000-15.000 đồng/kg. Bà Hoa còn bán dầu cho ba công ty để xuất khẩu làm thức ăn gia súc, làm dầu bôi trơn và làm xà phòng với tổng khối lượng hơn 90 tấn.

Kiểm tra tại Công ty TNHH TM-DV Mai Trang (P.10, Q.Tân Bình), C49B phát hiện 156 can dầu thực vật phế thải cùng hai bồn inox bên trong chứa khoảng 7,6 tấn dầu thực vật phế thải. Đại diện công ty khai mua số dầu phế thải này từ các nhà hàng, công ty trên địa bàn TP.HCM (như Thiên Lộc, Nam Kha, Sóng Biển, Hoàng Long…) và một số người mua bán dạo với khối lượng 150-200kg/ngày, giá 6.000-7.000 đồng/kg và bán lại với giá 12.000 đồng/kg.

Theo thống kê, tổng số dầu phế thải công ty mua và bán ra thị trường (không rõ mục đích sử dụng) từ năm 2000 đến nay khoảng 540 tấn.

Kiểm tra tại Công ty TNHH Bạch Hồng Vân (P.Tân Biên, TP Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai), C49B cũng phát hiện trong kho còn chứa khoảng 13 tấn dầu đã qua sử dụng. Đối chiếu các chứng từ cho thấy công ty mua bán loại dầu này trong năm 2010 lên đến 30 tấn.

“Rất nhỏ so với thực tế”

Ban chuyên án lần theo các đường dây mua bán và tìm đến tận điểm đích là các cơ sở dùng dầu thực vật phế thải để chế biến thực phẩm.

Tại TP.HCM, C49B kiểm tra đồng loạt ba cơ sở chế biến hành phi trên địa bàn huyện Hóc Môn và huyện Củ Chi. Ông Lê Văn Trọng, chủ cơ sở chế biến hành phi tại xã Tân Thới Nhì (huyện Hóc Môn) khai nhận mua dầu từ doanh nghiệp tư nhân Thịnh Phát (Q.8) và cơ sở Sơn Diệu (P.2, Q.6) với tổng khối lượng hơn 675 tấn.

Bà Nguyễn Thị Hường, chủ cơ sở hành phi tại xã Tân Phú Trung (huyện Củ Chi), khai nhận mua dầu phế thải từ Công ty Mai Trang và Công ty TNHH TM-DV Hoàng Nga (Q.Tân Bình) tổng cộng khoảng 135 tấn. Dầu phế thải sau khi dùng chiên hành xong được bán trở ngược cho Công ty Mai Trang với giá 3.000 đồng/kg.

Trong khi đó chủ cơ sở Đặng Kim Thanh (cũng ở xã Tân Phú Trung, Củ Chi) khai nhận mua dầu phế thải từ một doanh nghiệp ở Q.12 (giao dịch qua điện thoại) mỗi tháng 30 can loại 25kg, với khối lượng tổng cộng khoảng 45 tấn. Dầu phế thải dùng xong cũng được bán lại cho Công ty Mai Trang.

Thượng tá Đặng Văn Tốt cho biết kết quả từ chuyên án cho thấy việc mua bán, tái chế và sử dụng dầu ăn phế thải vào mục đích chế biến thực phẩm đang diễn ra trên diện rộng và có chiều hướng ngày càng gia tăng, trong khi các cơ quan chức năng chưa kiểm soát được chất lượng, ATVSTP đối với các sản phẩm đầu ra.

Theo thống kê, chuyên án đã khảo sát 12 công ty, doanh nghiệp, phát hiện gần 2.000 tấn dầu phế thải được tiêu thụ trên thị trường để chế biến thực phẩm. “Đây chỉ là trong khuôn khổ chuyên án, tôi tin con số này rất nhỏ so với thực tế đang diễn ra” – ông Tốt nói.