14/11/2024

Viết lại lịch sử tiến hoá loài người

Phân tích cấu trúc xương tìm thấy ở Nam Phi cho thấy Australopithecus sediba là ứng viên sáng giá nhất cho tổ tiên của loài người, theo trưởng nhóm nghiên cứu Lee R. Berger của Đại học Witwatersrand.

 Viết lại lịch sử tiến hoá loài người

Mang đặc điểm cả người và khỉ, sinh vật bí ẩn cách đây 2 triệu năm đã bất ngờ cung cấp chứng cứ rõ ràng nhất về những sự chuyển biến đầu tiên của quá trình tiến hoá.

Phân tích cấu trúc xương tìm thấy ở Nam Phi cho thấy Australopithecus sediba là ứng viên sáng giá nhất cho tổ tiên của loài người, theo trưởng nhóm nghiên cứu Lee R. Berger  của Đại học Witwatersrand. Australopithecus có nghĩa là “khỉ phương nam” và thuộc về nhóm bao gồm cả hoá thạch nổi tiếng Lucy, trong khi sediba nghĩa là “nguồn gốc” theo tiếng bản địa Sotho của Nam Phi. Các hoá thạch, thuộc về một con đực từ 10 – 13 tuổi và con cái đã trưởng thành, cho thấy sự pha trộn đáng ngạc nhiên giữa người và khỉ ở các bộ phận như não, hông, ngón tay và tay. Phát hiện này có thể làm đảo lộn toàn bộ các lý thuyết về tiến hoá của loài người lâu nay.

Để xác định vị trí của Au. sediba trên cây phả hệ loài người, các chuyên gia đã dùng phương pháp uranium-chì và nghiên cứu từ trường. Kết quả là các hoá thạch trên có thể xấp xỉ 2 triệu năm tuổi (chính xác là 1.977.000 năm), xác lập kỷ lục về sự xuất hiện sớm nhất của một sinh vật giống người. Điều này cũng xếp Au.sediba cùng nhóm tuổi với các họ người thuộc loại cổ nhất như Homo habilis (người khéo léo) và Homo rudolfensis (người thông minh), vốn được cho là các tổ tiên tiềm năng của Homo erectus, (người đứng thẳng), có hậu duệ không tranh cãi là người hiện đại.

Hầu hết các đặc điểm của Au.sediba đều thể hiện sự pha trộn khéo léo giữa người và khỉ, cho thấy cuối cùng giới khoa học cũng có thể phát hiện được mối nối giữa Australopithecus và Homo (người). Chuyên gia Berger cho hay hoá thạch chứng tỏ não phát triển hết sức ấn tượng nhưng kích thước nhỏ, chỉ tương đương trái bưởi chùm. Khám phá mới về não của Au.sediba cũng đã phủ nhận lý thuyết lâu nay rằng não bộ dần dần lớn lên về kích thước cũng như độ phức tạp từ Australopithecus đến Homo. Thay vào đó, nhóm của ông Berger tìm thấy chứng cứ khẳng định một lý thuyết khác: não Australopithecus từ từ phức tạp hơn và sau đó bùng nổ về kích thước.

 
Bàn tay Au.sediba rất giống người – Ảnh: Science

Hoá thạch cũng cho thấy bàn tay đã trải qua quá trình tiến hoá với ngón cái dài như người, còn cái hông thì hết sức hiện đại. “Thật ngạc nhiên khi phát hiện một cái hông hiện đại như thế ở một sinh vật não nhỏ như vậy”, nhà nghiên cứu Job Kibii của Đại học Witwaterstrand nói. Trước nay các nhà khoa học thường quan niệm rằng xương chậu giống người đã được tiến hoá để phù hợp cho quá trình sinh sản những hậu duệ có não to. Còn ở loài Au.sediba, xương chậu to hơn có thể nhằm trợ giúp cho hoạt động đi lại của nữ giới. Tuy nhiên, hình dạng bàn chân, mắt cá lại chưa từng được phát hiện trên bất cứ họ người nào, và mang những đặc điểm pha trộn giữa khỉ và người. Điều này giúp chúng đi lại hiệu quả hơn, khi dây chằng lưu giữ năng lượng và trả lại cho bước tiếp theo.

Những đặc điểm tiến hoá độc nhất vô nhị trên cho thấy Au.sediba là ứng viên sáng giá nhất cho vị trí ông tổ của họ Homo. Dù vậy, cũng không bỏ qua khả năng chúng có thể là một nhánh phát triển độc lập đối với họ người.