Trinh tiết
Có vấn đề nào nhạy cảm hơn vấn đề ấy không? Chẳng những chạm vào vùng hoang tưởng sâu kín nhất trong đầu óc con người, nó còn là bãi chiến trường giữa hai quan niệm, giữa hai giá trị, hai phong hoá, hai cách sống…
Trinh tiết
Trinh tiết. Có vấn đề nào nhạy cảm hơn vấn đề ấy không? Chẳng những chạm vào vùng hoang tưởng sâu kín nhất trong đầu óc con người, nó còn là bãi chiến trường giữa hai quan niệm, giữa hai giá trị, hai phong hoá, hai cách sống… (*)
Dự toà nhiều, tôi thấy một trong những nguyên nhân dẫn đến ly hôn là hai chữ trinh tiết rất nhạy cảm này…
1. Chồng trạc 40 tuổi, vợ cũng độ chừng ấy. Họ ly hôn, con sẽ do vợ trực tiếp nuôi dưỡng, chồng có nghĩa vụ cấp dưỡng. Tuy nhiên về chia tài sản chung, chồng không đồng ý với bản án sơ thẩm xử chia đôi ngôi nhà 6x15m nên kháng cáo yêu cầu toà phúc thẩm xử theo hướng vợ chỉ nhận một phần giá trị, còn chồng ba phần bởi ông góp tiền bạc vào nhiều hơn và do vợ đòi ly hôn trước.
Trong phiên phúc thẩm cuối tháng 7 tại TAND TP.HCM, vợ trình bày sở dĩ bà đề nghị ly hôn vì suốt chín năm chung sống ông cứ đem quá khứ của bà ra dằn vặt dù trước khi cưới hỏi, bà đã tâm sự với ông rằng đã có giây phút yếu lòng không giữ được mình. Ông hứa sẽ không nhắc lại và cho rằng miễn khi nên duyên giai ngẫu thì sống với nhau có tình có nghĩa là được. Giờ bà phải nuôi con, vả lại quán cà phê mở tại nhà là thu nhập chính nên bà thấy bản án sơ thẩm như vậy là đúng.
Chồng cho rằng không phải mình bội ước mà tại vợ nói dối. Trước khi đến với ông, bà đã yêu nhiều người chứ không phải một và nghe nói hiện đang quen với một người đàn ông khác. Vả lại ông lái xe tải chở thuê rất vất vả, công sức bỏ vào nhiều hơn nên mới kháng cáo yêu cầu toà chia theo tỉ lệ như trên. Người vợ cự lại, cho rằng chồng vu khống và chẳng tốt lành gì, lăng nhăng hết người này đến người khác.
Cứ thế, chen trong những câu tranh luận là những lời nặng nề với nhau đến đỗi chủ toạ phải nhắc nhở các đương sự không được xúc phạm nhau. Toà bác kháng cáo giữ y án sơ thẩm. Phiên toà bế mạc, ra khỏi phòng xử chồng nói cố ý cho vợ nghe sẽ còn khiếu nại lên toà tối cao chứ không để “thằng” khác vô hưởng tài sản được…
2. Tôi gặp chị ở TAND quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ vào một ngày tháng 8 khi chị vừa làm xong thủ tục ly hôn với chồng. Chị tâm sự với tôi trong tột cùng nỗi đau. Mười một năm về trước khi còn là sinh viên, chị có một mối tình.
Ra trường, cả hai quyết định ở lại Cần Thơ lập nghiệp, nỗ lực kiếm tiền lo tương lai phía trước. Rồi trong một lần tình cảm ngất ngây, nghĩ trước sau gì cũng thành vợ chồng, họ đã mơ giấc mơ hoa bướm… Nhưng đau đớn thay, sau lần thăng hoa vượt ngưỡng đó, tình lại nhạt phai rồi lịm tắt.
Lúc chị đau khổ thì anh xuất hiện. Vốn là bạn học, ngày xưa anh cũng để ý chị nhưng thấy chị có bạn trai nên thôi. Giống như chim sợ cành cong, chị từ chối. Anh kiên trì đeo đuổi suốt hai năm đã khiến chị cảm động, yêu lúc nào không hay. Họ tổ chức lễ cưới, chị không kể cho anh nghe chuyện nhạy cảm đó bởi nghĩ tính anh phóng khoáng, vả lại chị nghĩ anh đã yêu thì sẽ hiểu và thông cảm cho mình.
Sau đêm hợp cẩn. Cũng người ấy thôi, nhưng không phải là người ấy nữa. Người ấy bây giờ là chồng với ánh mắt có pha chút nghi kỵ, hằn học, ghen tuông… Mỗi khi có rượu là chồng buông những lời bóng gió rồi dần theo thời gian nâng thành tiếng chì chiết, đay nghiến. Hết rượu, chồng xin lỗi. Chị khóc thầm nhiều đêm, sự hối hận cứ dâng lên ngập ngụa, trách mình giá như ngày xưa giữ cho mình, giữ cho chồng thì đâu đến đỗi.
Chị cố làm tròn thiên chức người vợ, đi làm về là vào bếp, chăm sóc, bù đắp cho anh cũng là để mình bớt sự ray rứt. Tuy nhiên khi rượu vào, cảnh tra tấn lại xuất hiện khiến chị mệt mỏi, kiệt sức. Chị yêu cầu ly hôn nhưng anh không chịu và năn nỉ. Biết chồng rất yêu mình nên mới hành động như vậy, nhưng yêu kiểu ấy bằng nghìn hại nhau.
Rồi chị mang thai. Khỏi nói hai người mừng vui đến cỡ nào. Tưởng rằng đứa con là niềm hạnh phúc giúp xoá hết những buồn đau trong đời sống vợ chồng nhưng nghiệt ngã thay, chị không giữ được đứa bé. Người chồng trở lại giống trước.
Trong một lần sặc sụa mùi bia, anh buông ra câu tàn độc: “Chắc xưa phá thai hoài nên giờ mới như vậy”. Đến đây đỉnh điểm của sự chịu đựng vỡ tung. Chị viết đơn ly hôn, anh lại năn nỉ nhưng chị cương quyết bởi nghĩ nếu mình còn là vợ sẽ tiếp tục bị giày vò, đày đoạ đời sống tinh thần đến chết…
3. Tôi rất thích cách giáo sư Cao Huy Thuần lý giải chữ trinh trong Thấy Phật, sau khi ông dẫn câu Kim Trọng nói với Thúy Kiều (Chữ trinh kia cũng có năm bảy đường) và câu Thúy Kiều nói cùng Kim Trọng sau 15 năm luân lạc (Chữ trinh còn một chút này): “Trinh tiết là món quà quý dù lần đầu hay lần cuối, dù nữ hay nam. Trinh tiết là biết quý mình và quý người. Quý mình thì không thể làm gì để mình có thể tự chê mình. Quý người thì không đem cái mình tự chê để tặng người”.
Cuộc sống hiện tại quan trọng hơn chuyện “còn” hay “mất” Bà Nguyễn Thị Cẩm Hồng – thẩm phán TAND quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ, nói khi xử ly hôn có nhiều người vợ tâm sự với bà rằng người đàn ông mà họ yêu thương, gọi là chồng đúng ra phải làm chỗ dựa cho vợ thì cứ như công tố viên, trong đầu lúc nào cũng ken đặc những câu kết tội về chuyện buồn trong quá khứ mà họ đang cố quên. Cách tra tấn tinh thần như vậy khiến người vợ bị tổn thương, mệt mỏi và đau đớn. Người chồng không chịu nghĩ khi người phụ nữ chọn mình là chồng, nghĩa là họ đã trao cả cuộc đời. Và điều quan trọng là sau khi cưới, người vợ đã làm tròn bổn phận vun đắp cho mái ấm gia đình. Đúng ra người chồng phải nhìn ra điều đó mà chung tay xây tổ ấm, đằng này cứ chăm bẳm chuyện “còn” hay “mất”. Thạc sĩ Phan Thị Mai – giảng viên chính bộ môn tâm lý học khoa sư phạm Trường đại học Cần Thơ – có lời khuyên: “Thường những thiếu nữ mới lớn choáng ngợp trước mối tình đầu nên lý trí không kiểm soát được tình cảm. Họ không lường được hậu quả sau này. Ngoài ra còn nhiều nguyên nhân khác, có thể là tai nạn hay bị cưỡng hiếp… Vì vậy người đàn ông đừng nghĩ mình là chồng rồi có quyền phán quyết. Đừng xem vợ là tội đồ. Quan trọng phải xem sau ngày cưới vợ mình là người như thế nào. Nếu cuộc sống vợ chồng bạn đang vui vẻ thì hãy tiếp tục hưởng thụ niềm vui ấy, tại sao lại huỷ hoại?”. |
(*) Trích trong Thấy Phật của tác giả Cao Huy Thuần – giáo sư đại học Pháp).