Khi cha mẹ trở thành “trẻ con”

Xã hội hiện đại với bộn bề lo toan khiến mối quan hệ giữa các thế hệ trong cùng mái nhà có thể trở nên mong manh. Nhiều chứng bệnh tưởng chừng vô hại ở người lớn tuổi theo đó cũng bị xem nhẹ

 Khi cha mẹ trở thành “trẻ con”

Xã hội hiện đại với bộn bề lo toan khiến mối quan hệ giữa các thế hệ trong cùng mái nhà có thể trở nên mong manh. Nhiều chứng bệnh tưởng chừng vô hại ở người lớn tuổi theo đó cũng bị xem nhẹ…

Chị T.Kim (ngụ quận Gò Vấp, TP.HCM) suýt đánh rơi cái muỗng đang đút cháo cho mẹ ruột khi nghe mẹ hỏi “cô là ai vậy?”. Nhưng chị nhanh chóng lấy lại tinh thần và tự nhủ chắc mẹ đang hờn mình vì vài năm chị mới về thăm bà một lần. Chỉ khi mẹ liên tục hỏi lại câu đó với ánh mắt ráo hoảnh, đầy ngơ ngác chị cảm thấy nỗi lo sợ dâng tràn.

Bệnh hay quên

Thông qua người thân chị mới biết triệu chứng lú lẫn, hay quên của mẹ đã xuất hiện âm ỉ vài năm qua. “Lúc thì bà bật lửa xong quên tắt, lúc thì đi ra đầu đường rồi chẳng thể tìm nổi đường về nhà… Tụi em định nói với chị vài lần nhưng nghĩ chuyện chưa nghiêm trọng nên thôi”, nghe đứa em bà con ở cùng quê nói, chị T.Kim thấy mặn đắng.

Anh H.Quân (một người Huế lập nghiệp ở Sài Gòn) lại rơi vào trường hợp khác. Mẹ anh đã quá tuổi thất thập nhưng gần đây thường có nhiều biểu hiện như trẻ nhỏ. Thích làm nũng, dễ cáu gắt, luôn đưa ra những đòi hỏi vô lý… Nhiều lần anh bận ngập đầu với các cuộc họp thì mẹ lại điện thoại, buộc anh phải ghé qua thăm nhà hoặc mua giùm bà một món đồ nào đó, nếu anh không đáp ứng được thì bà khóc lóc, chì chiết đủ điều. “Lắm lúc tôi nghĩ mình gần như phát điên lên bởi những yêu cầu vô cùng oái oăm từ mẹ. Tại sao bà lại trở nên như thế?”, câu hỏi đó cứ dai dẳng xuất hiện trong tâm trí anh suốt thời gian dài.

Trên tờ Dailymail hồi cuối tháng 3, bà Marianne Talbot (47 tuổi, giảng viên triết học tại ĐH Oxford, Anh) từng trải lòng về những ngày tháng đầy nỗi niềm khi phải sống cùng mẹ ruột bị mắc chứng Alzheimer (một loại bệnh gây mất trí nhớ phổ biến và có đặc điểm riêng biệt đối với từng cá nhân). “Dẫu căn bệnh ở bà được chẩn đoán từ bốn năm trước, nhưng tôi vẫn cảm thấy sốc và khóc rất nhiều những ngày đầu về sống chung với mẹ”, bà Marianne bộc bạch.

Bà Marianne cho biết trí nhớ của mẹ bà hiện tại chỉ kéo dài trong 3 giây. “Sau 3 giây đó mọi thứ lại trở về như ban đầu. Nhiều khi chỉ rảo bộ 10 phút tới trạm xe buýt, hai chúng tôi đã lặp đi lặp lại một câu nói tới… 20 lần”, bà Marianne nhớ lại.

Cha mẹ cũng cần một bờ vai

Tôi nghĩ chúng ta đừng nên quá lo lắng hoặc để ý nhiều tới những thay đổi về tâm lý của cha mẹ, hãy hiểu đó là một quy luật tất yếu của tự nhiên (sự xoay vòng của tuổi tác). Và cần tự nhủ rằng ngày xưa cha mẹ đã cực khổ nuôi mình thì bây giờ là lúc để báo hiếu, ngoài ra nên nhớ sau này tình trạng sức khoẻ của mình rồi cũng sẽ như vậy…

Tuy nhiên đôi khi chúng ta cũng phải biết cách chống đối một cách tế nhị nhưng cương quyết với những đòi hỏi quá đáng từ các bậc cha mẹ. Phản ứng này có thể chấp nhận được bởi lúc này họ như những đứa trẻ, càng nuông chiều thì mọi thứ càng trở nên xấu đi.

Thạc sĩ tâm lý 
NGUYỄN HỮU LONG

Sau khi nhận được sự tư vấn của các nhà tâm lý cũng như bác sĩ chuyên môn, anh H.Quân đã dành thời gian để trò chuyện và chăm sóc mẹ nhiều hơn. Những khi không có dịp bên cạnh bà thì anh gửi mấy đứa trẻ trong nhà qua để bà cháu có dịp thủ thỉ. Nếu không thể có mặt như bà yêu cầu, anh giải thích thật cặn kẽ để bà không phiền lòng hoặc tủi thân. Tiếp xúc với một số bậc cha mẹ trên, không khó nhận thấy điểm chung ở họ đều là sự cô đơn, thiếu thốn tình cảm lúc về chiều.

Bác N.Mai (mẹ anh H.Quân) rơm rớm nước mắt: “Tui cũng tự nhận ra mình đòi hỏi quá đáng đó chứ, nhưng chỉ có như vậy con mới chú ý, mới về bên cạnh tui thôi. Ông già mất rồi, giờ tui đâu còn ai trò chuyện nữa”. Bà nói tiếp: “Mấy lần trước tui nhớ nó, muốn gửi tặng gia đình nó cặp bánh chưng dịp tết. Nó hứa cho đã rồi sau đó lu bu nhiều việc quá nên lại quên qua lấy!”. Thấy mình ngày càng rời xa con, bà chọn cách “làm quá” mọi thứ chỉ để mong được con chú ý.

Còn ông Q.Bé (71 tuổi) khăng khăng cho là mình bị “giam cầm” giữa bốn bức tường bởi con cái đi biền biệt từ sáng sớm tới tối mịt. “Tụi nó cứ tưởng để tui sống sung sướng là tui sẽ vui… nhưng đâu biết tui chỉ thấy vui khi được làm việc đồng áng hoặc đút cơm cho cháu. Riết rồi tui sinh cáu gắt, dễ xúc động lúc nào không biết”, ông rít một hơi thuốc dài.

Chia sẻ với chúng tôi, thạc sĩ tâm lý Nguyễn Hữu Long (giảng viên Trường cao đẳng Sư phạm T.Ư – TP.HCM) cho biết hiện tượng cha mẹ từ độ tuổi 60 trở lên bị mắc chứng mất trí nhớ các loại là rất bình thường – thậm chí hiện nay do tác động của nhiều yếu tố mà chứng mất trí nhớ có thể rơi vào nhóm người trẻ hơn. “Triệu chứng là họ có thể dễ nói đó rồi lại quên liền đó, trở nên bướng, nhõng nhẽo hơn bình thường… Nói cách khác, dân tâm lý chúng tôi thường đùa rằng họ càng lớn càng trở nên giống trẻ con”, ông nhận định.

Ông thừa nhận việc con cái giúp đỡ, hỗ trợ cha mẹ trong thời đại hiện nay là khó hơn nhiều so với trước đây, bởi nhịp sống đầy áp lực, ai cũng căng thẳng với lịch làm việc của mình. Tuy nhiên, “cá nhân tôi tin rằng việc dành chút thời gian để quan tâm đến cha mẹ mình là không quá khó, nếu ai nói không thể thì quá ích kỷ. Bên cạnh đó, số lần gặp không nói lên được điều gì, quan trọng nhất là chất lượng buổi gặp đó có hay không”, ông chia sẻ.