15/11/2024

Giận cá chém thớt: có ngày “cái thớt” biết giận

Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng những đứa trẻ có cha mẹ thực hiện tốt vai trò giáo dục cảm xúc sẽ hoà hợp với bạn bè, ít gặp rắc rối trong cuộc sống

 Giận cá chém thớt: có ngày “cái thớt” biết giận

SGTT.VN – Không vô cớ trút giận lên con, cư xử với trẻ bằng tất cả lòng kiên nhẫn và sự tôn trọng sẽ giúp trẻ học hỏi cách cư xử hợp lý, qua đó làm phong phú đời sống tình cảm của trẻ.

“Mẹ nào con nấy”

Đang bận nấu ăn dưới bếp, chị X. giật mình vì tiếng động lớn ở nhà trên, tiếng la khóc của cậu con trai bảy tuổi, tắt vội bếp chạy lên chị tá hoả với một bãi chiến trường các quân cờ lăn lóc, ly nước bị cậu bé quăng vỡ; vậy mà vẫn chưa hả dạ, cậu bé luôn miệng mắng chửi anh họ chỉ vì tội… chơi thắng mình. Trước thái độ hung hăng của cậu bé, người anh họ cùng tuổi chỉ còn nước rút lui tránh nạn. Rất buồn về thái độ của đứa con mới tí tuổi đầu mà đã biết “giận cá chém thớt”, chị bắt đầu nghĩ đến việc phải uốn nắn con nhưng thật khó điều chỉnh hành vi của con khi cu cậu phản ứng giống hệt ba nó: mỗi khi ông xã của chị có chuyện buồn bực ở cơ quan là về đến nhà la hét, có khi lôi thằng bé ra đánh tới tấp bởi những lý do rất vặt vãnh.

Gặp nhiều áp lực từ công việc đến gia đình, lại bị chồng và gia đình chồng ngược đãi, chị N. rất mệt mỏi và đau khổ, nhiều khi chỉ còn biết trút giận xuống con gái mình vì nó nhỏ nhất nhà. Không ngờ có những lần vô cớ bị mẹ trút giận xảy ra cách đây mười năm mà con bé vẫn nhớ như in, nên khi chị chia tay chồng, đứa con gái không chịu theo mẹ!

Kiềm chế cơn giận, dạy con lòng nhân

Con cái hay nhìn vào tấm gương cha mẹ để học hỏi và bắt chước. Tại sao từng là nạn nhân vô cớ với biết bao ấm ức trong lòng khi bị cha mẹ trút giận vào đầu, thế nhưng trong cuộc sống trẻ lại bắt chước và hành xử giống cha mẹ? Đó là do cơ chế tạo phản ứng dây chuyền lây lan và bù trừ cho những tổn thương tình cảm ở bản thân; ban đầu trẻ phản ứng để giải toả những bực bội, oan ức… nhưng lâu dần sẽ hình thành ở trẻ những nét tính cách thô lỗ cộc cằn, dễ gây hấn. Với thói quen cư xử nóng tính, thiếu kiềm chế, trẻ sẽ gặp khó khăn trong quan hệ với bạn bè và những người xung quanh.

Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng những đứa trẻ có cha mẹ thực hiện tốt vai trò giáo dục cảm xúc sẽ hoà hợp với bạn bè, ít gặp rắc rối trong cuộc sống, sống thân thiện, hoà đồng, bên cạnh đó ý chí nghị lực của trẻ cũng vững vàng hơn khi đối diện với những khó khăn trở ngại hay những cú sốc trong cuộc sống.

Ngoài dạy con khả năng tự điều tiết cảm xúc tiêu cực, cũng cần giúp trẻ biết sử dụng ngôn ngữ để biểu đạt suy nghĩ và mong muốn của bản thân, để người khác hiểu mình tốt hơn, toàn diện và chính xác hơn.

Ngay từ khi trẻ còn rất nhỏ, nếu biết động viên khi trẻ ứng xử tốt, đồng thời nhận diện những phản ứng sai lệch của con mà có biện pháp giáo dục phù hợp, là cha mẹ đã dạy trẻ cư xử tinh tế với những xúc cảm của người khác, qua đó hình thành lòng nhân ái, sự bao dung và tinh thần trách nhiệm.