23/12/2024

Máy soi bá bệnh

Nhiều bệnh nhân ở các tỉnh miền Tây Nam bộ đang xôn xao về một phương pháp chẩn đoán mới “tầm soát chức năng cơ thể”. Nơi thực hiện phương pháp chẩn đoán mà nhiều người dân tìm đến là Trung tâm y khoa Hồng Lạc

 Máy soi bá bệnh

Nhiều bệnh nhân ở các tỉnh miền Tây Nam bộ đang xôn xao về một phương pháp chẩn đoán mới “tầm soát chức năng cơ thể”. Nơi thực hiện phương pháp chẩn đoán mà nhiều người dân tìm đến là Trung tâm y khoa Hồng Lạc.

Trung tâm y khoa (TTYK) Hồng Lạc với vẻ ngoài hoành tráng toạ lạc ở vị trí đắc địa (699 Trần Hưng Đạo, Q.5, TP.HCM) khiến người bệnh ở tỉnh lên cảm thấy tin tưởng…

5 phút… ra bệnh

Có lịch hẹn khám trước, 8g30 ngày 13-7 chúng tôi có mặt tại TTYK Hồng Lạc để “tầm soát chức năng cơ thể”. Lúc này đông nghẹt bệnh nhân, nhiều người mệt mỏi nằm la liệt trên sàn gác. Đa số bệnh nhân là người lớn tuổi từ các tỉnh miền Tây lên khám bệnh.

Một nhân viên mặc áo blouse trắng đeo bảng “kỹ thuật viên tầm soát” ngoài việc đo huyết áp cho bệnh nhân còn kiêm thu tiền khám bệnh. Thỉnh thoảng nhân viên này lại quay ra đọc to tên một lúc 5-6 người rồi nhắc “mọi người cởi áo khoác ra, cầm sẵn trên tay 250.000 đồng”.

Chị N.T.S. (28 tuổi, Hồng Ngự, Đồng Tháp) kể ở quê chị cứ hai tuần lại tổ chức một chuyến xe đi lên phòng khám này khám bệnh vì “phòng khám này có máy khám bệnh hay lắm. Chỉ cần đưa hai tay, hai chân lên máy là máy sẽ phát hiện mọi loại bệnh đang có trong cơ thể, bộ phận nào trong cơ thể cũng được máy soi thấy hết”…

Thẩm định, cấp phép đúng quy trình

Ngày 21-7, trao đổi với PV Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Minh Tuấn – vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và công trình y tế (Bộ Y tế) – cho biết theo hồ sơ nhập khẩu lưu tại vụ thì đây là thiết bị thăm dò chức năng tổng hợp E.S. Teck Complex do Mỹ sản xuất, được Bộ Y tế cấp phép nhập khẩu cuối năm 2009. Máy có chức năng hỗ trợ chẩn đoán, phối hợp với thiết bị chẩn đoán khác để chẩn đoán bệnh cho bệnh nhân.

Đơn vị xin nhập khẩu thiết bị là Công ty TNHH thương mại dịch vụ Sài Gòn Kim Khánh. Hồ sơ nhập khẩu của thiết bị đầy đủ các chứng chỉ về chất lượng như ISO 13485:2003; EC và giấy phép bán hàng của FDA. Tại thời điểm thẩm định cấp phép, hồ sơ giấy tờ xin nhập khẩu của Công ty Kim Khánh là đầy đủ và hợp lệ. Quy trình thẩm định cho phép nhập khẩu thiết bị này là chặt chẽ, đúng quy định của Bộ Y tế về nhập khẩu trang thiết bị y tế.

L.TH.H.

Khoảng 10g chúng tôi được gọi đến ngồi trên dãy ghế chờ trước phòng số 8, nơi đặt máy thăm dò chức năng. Trong phòng có hai bác sĩ là Nguyễn Văn Đức và Thái Thị Ngọc Hương cùng bốn, năm nhân viên khác. Tiếp tục chờ một lúc lâu chúng tôi mới được gọi vào máy đo ngồi.

Sau khi hướng dẫn ngồi thẳng, để tay chân đúng vị trí, hai kỹ thuật viên tầm soát nhanh chóng gắn điện cực vào ngón tay và đầu chúng tôi. Màn hình máy tính hiện các đường sóng như đo điện tâm đồ. Còn màn hình LCD lớn bên cạnh hiện ra những hình ảnh nhiều màu sắc mô phỏng toàn bộ cơ thể người hoặc não, tim, ổ bụng… Sau khi được máy đo, chúng tôi lại ra ngoài tiếp tục chờ.

Khoảng 20 phút sau, chúng tôi được gọi trở lại phòng tầm soát chức năng để bác sĩ Nguyễn Văn Đức chẩn đoán bệnh. Bác sĩ Đức chỉ máy tính và hỏi chúng tôi có đau dạ dày hoặc nhức đầu, đau thắt lưng không… Sau vài câu hỏi và đặt ống nghe qua quýt, bác sĩ Đức kết luận não của tôi ở tình trạng rất nghiêm trọng. Mở màn hình máy tính hiện hình ảnh 3D một bộ não người, bác sĩ Đức rê chuột vào phần màu đỏ và tuyên bố “não đỏ lòm hết trơn”.

Sau khi hỏi tôi có thức đêm không, có suy nghĩ nhiều không, bác sĩ kết luận: “Não em đang gặp bốn vấn đề: choáng váng, nhức đầu, mất ngủ, giảm trí nhớ, hay quên”. Bác sĩ Đức yêu cầu chúng tôi xét nghiệm thêm chức năng thận vì huyết áp cao đến 15/10. Tuy nhiên, kết quả xét nghiệm tại đây cho thấy các chỉ số đều trong giới hạn bình thường.

Một đồng nghiệp nữ của chúng tôi cũng được bác sĩ Đức hỏi có đau bao tử, nhức đầu, nặng ngực, đau lưng không… Sau khi nghe trả lời, bác sĩ Đức chỉ lên màn hình máy tính nói: “Bao tử hơi yếu, thỉnh thoảng đầy hơi, khó tiêu nhưng ít thôi. Gan có nhiễm mỡ. Tim tốt không sao. Có viêm xoang trán, viêm xoang bướm nhẹ nên thỉnh thoảng nhức đầu, choáng váng, mất ngủ, trí nhớ giảm! Phổi tốt không sao, có thoái hoá cột sống thắt lưng nhé…”!

Cả ba PV Tuổi Trẻ, người nào cũng được bác sĩ Đức chẩn đoán có bệnh, kê toa 6-7 loại thuốc, loại nào cũng uống mỗi ngày một viên và người nào cũng phải uống từ một tháng hoặc hơn một tháng. Mỗi toa thuốc có giá bán tại TTYK Hồng Lạc đều có giá khoảng 250.000 đồng.

Cùng ngày khám với chúng tôi, bà L.T.T. (Hồng Ngự, Đồng Tháp) ngồi than tiền xe đi về hết 220.000 đồng, tầm soát chức năng cơ thể hết 250.000 đồng, tiền “làm lưng” 50.000 đồng, tiền thuốc hơn 300.000 đồng. Cũng như chúng tôi, bà T. được bác sĩ Đức chẩn đoán mắc một loạt bệnh là viêm xoang, trào ngược thực quản, nhức đầu, chóng mặt, thoái hoá cột sống cổ…

Các bệnh nhân được phát khăn ướt để lau sạch trán, lòng bàn tay, lòng bàn chân trước khi vô phòng tầm soát chức năng – Ảnh: Thuận Thắng

Bộ Y tế cấp phép

Ngày 14-7, trả lời Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Minh Sơn – tổng giám đốc TTYK Hồng Lạc – khẳng định: “Đây là phương pháp chẩn đoán khoa học và máy này nhập từ Mỹ về, được Bộ Y tế cấp phép lưu hành cả nước. TTYK Hồng Lạc có tiến sĩ, bác sĩ đọc kết quả đàng hoàng, không có làm bậy”.

Ông Sơn còn nói Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cũng sử dụng máy này đã lâu (ngày 20-7, giám đốc Bệnh viện Bạch Mai là TS.BS Nguyễn Quốc Anh khẳng định với Tuổi Trẻ bệnh viện chưa từng sử dụng máy thăm dò chức năng tổng quát này). Ông Sơn khẳng định “thu 250.000 đồng là rẻ và mang tính từ thiện”.

Chúng tôi tìm được nơi bán máy tầm soát chức năng là Công ty TNHH thương mại dịch vụ Sài Gòn Kim Khánh (15 Võ Trường Toản, Q.Bình Thạnh, TP.HCM). Giám đốc công ty là ông Hoàng Minh Thắng báo giá bán máy 30.000 USD và đưa cho chúng tôi tờ rơi quảng cáo khổ A4, mặt ngoài là các hình ảnh của TTYK Hồng Lạc, mặt trong quảng cáo phương pháp tầm soát chức năng. Tờ rơi quảng cáo này được đưa qua TTYK Hồng Lạc để phát cho bệnh nhân.

Để làm tin, ông Thắng còn cho xem giấy phép nhập khẩu thiết bị do Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến ký ngày 26-11-2009 và giới thiệu trang web của công ty để chúng tôi tìm hiểu. Theo trang web này, máy tầm soát chức năng có tên E.S Teck Complex, được giới thiệu là máy hỗ trợ bác sĩ trong việc sàng lọc khám điều trị ban đầu để đưa ra hướng điều trị.

Không có cơ sở khoa học

Bác sĩ Phan Thanh Hải – giám đốc Trung tâm Chẩn đoán y khoa Medic (TP.HCM) – cho biết cách đây hai năm một công ty đến gặp ông đề nghị đặt máy tầm soát chức năng tại Medic nhưng ông từ chối.

“Tôi đã cho vài nhân viên làm thí nghiệm để đánh giá khả năng chẩn đoán, tầm soát bệnh của máy và kết quả không chính xác. Tôi thấy khám bệnh bằng cách này không có cơ sở khoa học nên từ chối” – bác sĩ Hải nói. Theo bác sĩ Hải, đến nay phương pháp này chưa được Cơ quan Quản lý thực phẩm, dược phẩm Mỹ (FDA) công nhận. Hội Chẩn đoán hình ảnh Việt Nam cũng không công nhận và không sử dụng máy này.

Bác sĩ Phạm Ngọc Hoa – chủ tịch Hội Chẩn đoán hình ảnh TP.HCM – nói cho đến nay trên thế giới chưa máy nào có thể chẩn đoán được nhiều bệnh cùng lúc như vậy. Bao giờ bác sĩ cũng phải khám, xét nghiệm máu, xét nghiệm nước tiểu, chụp X-quang, siêu âm… rồi mới tổng hợp kết quả để có kết luận bệnh gì.

Bác sĩ Võ Tấn Đức – trưởng bộ môn chẩn đoán hình ảnh Đại học Y dược TP.HCM – cũng khẳng định đến nay trong ngành chẩn đoán hình ảnh chưa có loại máy nào gọi là máy thăm dò chức năng tổng quát để phát hiện được các bệnh từ đầu tới chân như đơn vị bán máy quảng cáo.