“Đôi khi bạo lực gia đình là… cần thiết!”

Không ít chính quyền ở cơ sở, nơi gần người dân nhất, cho rằng chồng đánh vợ là chuyện bình thường, cần thiết để duy trì “trật tự gia đình”!

 Khảo sát trên 1.300 cán bộ xã phường:

“Đôi khi bạo lực gia đình là… cần thiết!”

Tháng 7-2011, một số vụ bạo lực gia đình đăng tải trên báo chí: chồng dùng búa đinh tra tấn vợ ở Hà Nội; chồng tưới xăng đốt vợ và ba con, làm một bé tử vong ở Đà Nẵng. Trước đó, ở Thanh Hoá, bố bé Vũ Quốc Linh vì giận vợ đã tưới xăng đốt chính con ruột.

Sao những câu chuyện bạo lực gia đình vẫn leo thang? Trong khi đó, kết quả cuộc khảo sát trên 1.300 cán bộ xã, phường do Viện Xã hội học (thuộc Học viện Chính trị – hành chính quốc gia Hồ Chí Minh) thực hiện gần đây cho thấy chính cán bộ ở xã, phường cũng chưa hiểu thế nào là bạo lực gia đình.

“Ai chẳng có lúc nóng nảy”!

Bà Võ Thị Hồng Loan, chủ nhiệm đề tài nghiên cứu hiểu biết về bạo lực gia đình ở cán bộ cấp cơ sở, thông báo những kết quả thật bất ngờ: 15% cán bộ nam và 14,5% cán bộ nữ tham gia nghiên cứu cho rằng chồng mắng chửi vợ không phải là bạo lực gia đình. Ở hành vi chồng đánh đập vợ, 10% cán bộ nam và 7% cán bộ nữ vẫn không cho đó là bạo lực gia đình.

Ở hành vi bố mẹ đánh đập con cái, 15% cán bộ nam và 9% cán bộ nữ không coi đó là bạo lực gia đình. Với hành vi ép buộc hôn nhân, tới 25% cán bộ nam và 20% cán bộ nữ hoàn toàn không coi đó là bạo lực gia đình. Thậm chí có đến 70,3% cán bộ nam và 80,3% cán bộ nữ được hỏi cho hay đôi khi để duy trì tôn ti trật tự trong gia đình, bạo lực gia đình là… cần thiết!

Theo bà Loan, điều bất ngờ là nhiều cán bộ trẻ được hỏi không cho chuyện bạo hành tình dục, chiến tranh lạnh… là bạo lực gia đình, gia đình xô xát là chuyện bình thường, chuyện riêng tư, ai chẳng có những lúc nóng nảy, trong khi đây là những hình thức bạo hành tinh thần, để lại những dấu ấn khó phai mờ vào tâm hồn con trẻ và các thành viên trong gia đình. “Trẻ em là con của các gia đình có bạo lực sau này có thể tái lập hành vi của bố mẹ, có thể tự ti, bị xa lánh hoặc ngại lập gia đình vì sợ lặp lại câu chuyện của bố mẹ”- bà Loan nhận định.

Thực tế nhiều vụ bạo lực gây chấn động dư luận lại bắt nguồn từ những lý do tưởng như vớ vẩn. Và nếu chính quyền cơ sở đủ mạnh, không coi bạo lực gia đình là chuyện riêng tư, có thể bạo lực sẽ giảm.

Chống bạo lực gia đình: mới dừng ở hô hào

Được thông qua vào kỳ họp cuối năm 2007, Luật phòng chống bạo lực gia đình được ban hành chính thức gần bốn năm. Tuy nhiên, theo đánh giá của nhóm nghiên cứu, nhận thức của cán bộ cấp cơ sở về bạo lực gia đình còn hạn chế. Thậm chí có thành viên nhóm nghiên cứu còn đánh giá phòng chống bạo lực gia đình ở cơ sở nặng về hình thức, mới dừng ở hô hào.

“Tôi đã phỏng vấn nhiều nạn nhân bạo lực gia đình. Có chị thấy ông chồng là sợ, vì ông ấy thường mua tạp chí và phim khiêu dâm về bắt xem và đòi áp dụng như phim. Dần dần chị thấy người chồng như bạo chúa, trở nên xa lạ khiến chị sợ hãi. Điều tra về bạo lực gia dình ở thành phố, tôi thấy tình hình cũng nghiêm trọng không kém nông thôn, hành vi bạo lực có phần tinh vi hơn”- bà Loan kể.

Theo nghiên cứu quốc gia lần đầu tiên về bạo lực gia đình công bố cuối năm 2010, cứ hai phụ nữ thì có một từng là nạn nhân của bạo lực gia đình. Nhưng TS Vũ Mạnh Lợi, Viện Xã hội học, Viện Khoa học xã hội VN, cho rằng thực tế số lượng nạn nhân bạo lực có thể còn cao hơn.

Nhiều chuyên gia cho rằng phòng chống bạo lực gia đình ở VN còn khó khăn do lúc nào người ta cũng tìm được lý do, kể cả lý do giải thích chuyện vì sao mình bị chồng đánh! Không ít chính quyền ở cơ sở, nơi gần người dân nhất, cho rằng chồng đánh vợ là chuyện bình thường, cần thiết để duy trì “trật tự gia đình”, điều đó khiến trong cuộc điều tra công bố cuối năm 2010, 70% người được hỏi biết Luật phòng chống bạo lực gia đình, nhưng khi bị bạo lực thì 80% không tìm đến chính quyền vì sợ không được giúp đỡ, trong khi nạn nhân của bạo hành gia đình rất cần sự đồng hành của chính quyền.