Nguy cơ lãng phí hơn 32.000 tỉ đồng

Được đầu tư hơn 32.000 tỉ đồng, đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 (gọi tắt là đề án 1956) triển khai ở 63 tỉnh thành. Sau hơn một năm, đã có hàng ngàn nông dân tham gia học nghề nhưng rất nhiều người sau đó chữ thầy lại trả cho thầy

 Nguy cơ lãng phí hơn 32.000 tỉ đồng

Được đầu tư hơn 32.000 tỉ đồng, đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 (gọi tắt là đề án 1956) triển khai ở 63 tỉnh thành. Sau hơn một năm, đã có hàng ngàn nông dân tham gia học nghề nhưng rất nhiều người sau đó chữ thầy lại trả cho thầy. Nguy cơ lãng phí 32.679 tỉ đồng đang hiển hiện.

Học nghề mới, làm nghề cũ

Tháng 12.2010, thôn Chúc Đồng 2, xã Thuỵ Hương, huyện Chương Mỹ (Hà Nội) được chọn thí điểm mở lớp học trồng rau an toàn gắn với giải quyết việc làm theo đề án 1956. Được nhà nước cho đi học miễn phí, ai trong xã cũng mừng. Mừng hơn là có hẳn một công ty đứng ra nhận bao tiêu sản phẩm sau khi học.

Nhưng đến Chúc Đồng những ngày đầu tháng 7, chúng tôi chỉ thấy những cánh đồng rau xác xơ, nhiều chân ruộng cỏ hoang mọc đầy. Một số hộ do tiếc đất, quay lại trồng ngô… Bà Nguyễn Thị Lý – thôn Chúc Đồng 2 – rầu rĩ: “Trước đây, mỗi ngày chạy chợ tôi cũng kiếm được từ 150.000 – 200.000 đồng. Khi xã mở lớp học hướng dẫn trồng rau an toàn, được học nghề miễn phí, lại có thêm tiền bồi dưỡng nên tôi cũng theo chị em trong thôn đi học. Cứ tưởng ở nhà trồng rau đỡ vất vả hơn chạy chợ, lại có thời gian chăm sóc con cháu, đâu ngờ, vụ rau lỗ nặng. Gần 2 sào rau trồng trong 3 tháng thu về 2,9 triệu đồng. Đến giờ công ty vẫn chưa trả hết”.

Cũng giống như những gì diễn ra ở Thuỵ Hương, người dân xã Mông Hoá (huyện Kỳ Sơn, Hoà Bình) chủ yếu sống nhờ trồng cây công nghiệp ngắn ngày theo mùa vụ. Lúc nông nhàn phải lo kiếm việc làm thêm để trang trải cuộc sống. Nghe đến chương trình học nghề miễn phí tại địa phương ai cũng khấp khởi mừng. Giảng viên đứng lớp là nghệ nhân làng nghề tăm hương nổi tiếng Quảng Phú Cầu (huyện Thanh Oai, Hà Nội). Tạm gác việc đồng áng, chị Nguyễn Thị Biện, xóm Dụ 6 (xã Mông Hoá, huyện Kỳ Sơn, Hoà Bình) miệt mài theo học nghề tăm hương. Gặp chúng tôi, chị Biện cho biết: “Sau gần 1 năm kể từ ngày bế giảng lớp học, tôi vẫn làm đồng áng là chính. Còn cái nghề đã học thì chẳng làm nên cơm cháo gì cả. Thỉnh thoảng tôi vẫn phải bám lấy nghề truyền thống của gia đình từ xưa đến nay là làm chổi chít. Lao động vất vả mà tiền công chẳng được bao nhiêu”.  Chị Biện nói thêm: “Làm tăm hương bây giờ không thể chẻ bằng tay, mua máy phải có vài chục triệu đồng. Vì vậy học xong người thì làm thuê cho xưởng chổi chít, người đi phụ hồ ở các xã bên…”. 60 học viên tham gia lớp học chưa có ai khởi đầu với nghề làm tăm hương.
                                 
Được tạo điều kiện đi học nghề theo nội dung đề án 1956 nhưng do thiếu vốn đầu tư để làm nghề nên ở nhiều nơi hiệu quả chương trình đào tạo mới chỉ dừng lại ở chỗ nông dân đi học chỉ để… biết nghề.

 

Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”

Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27.11.2009 đặt mục tiêu từ nay đến năm 2020 bình quân mỗi năm sẽ đào tạo cho hơn 1 triệu lao động nông thôn, xây dựng 500 chương trình dạy nghề nông nghiệp và nghề phi nông nghiệp cho nông dân.

Tổng kinh phí thực hiện đề án từ nguồn ngân sách dự kiến là 32.679 tỉ đồng. Trong số đó, kinh phí dạy nghề lao động nông thôn là 31.153 tỉ đồng, kinh phí đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức xã là 1.526 tỉ đồng.

 

Nằm trong số những địa phương được tỉnh Hoà Bình chọn triển khai thí điểm nội dung đề án 1956, năm 2010, xã Nhân Nghĩa, huyện Lạc Sơn đã tổ chức thành công 2 lớp dạy nghề trồng nấm rơm, chăn nuôi lợn. Thế nhưng, ông Bùi Văn Vưn, Chủ tịch UBND xã Nhân Nghĩa xác nhận, cho đến nay chưa có hộ gia đình nào có thể tổ chức sản xuất với hai nghề này.

Lý do đưa ra là xã miền núi còn khó khăn, lớp học lại chỉ dành ưu tiên cho những hộ trong diện nghèo và cận nghèo. Sau thời gian đào tạo, các hộ dân gặp rất nhiều khó khăn về vốn đầu tư mua cây, con giống. Theo bà con, lấy đâu ra vốn để mở rộng sản xuất. Rồi còn đầu ra nữa, ở đâu cũng học làm nấm rơm thì bán sản phẩm cho ai?

Tại Nghệ An, sau khi được rót vốn triển khai đề án 1956, đầu năm 2011, Trung tâm dạy nghề của huyện Thanh Chương (Nghệ An) cũng mở một lớp đào tạo cho 30 người dân thuộc diện nghèo và gia đình chính sách tại xã Thanh Lĩnh về nuôi lợn siêu nạc kiểu công nghiệp. Thế nhưng, theo ông Nguyễn Quang Mợi, Chủ tịch UBND xã Thanh Lĩnh, đến nay vẫn chưa có chuyển biến nhiều vì người dân không có vốn, không có nơi để xây chuồng trại mà chỉ loay hoay với dăm ba con nên hiệu quả không cao. Một số hộ mạnh dạn vay vốn nuôi số lượng lớn thì gây ô nhiễm môi trường, bị dân phản đối, trong khi địa phương lại không có đất xa khu dân cư cho người dân làm chuồng trại.          

Hiệu quả đào tạo thấp

Xác định nghề đào tạo chưa phù hợp với nhu cầu người học, điều kiện kinh tế, chương trình đào tạo quá rộng là nguyên nhân chính khiến đề án 1956 chưa phát huy hiệu quả.

Năm 2010, Trung tâm dạy nghề huyện Tân Kỳ, Nghệ An được nhận 1,5 tỉ đồng để mua sắm trang thiết bị phục vụ cho dạy nghề. 12 phòng học khang trang, một phòng máy may và một phòng thiết bị nghề cơ điện đã được trang bị. Thế nhưng đã một năm kể từ ngày khánh thành, các phòng học vẫn gần như còn để nguyên, bàn ghế phủ đầy bụi. Ngoài cổng trung tâm, tấm băng-rôn treo tuyển dụng các nghề: gò hàn, điện dân dụng, may công nghiệp… đã cũ nhưng không gây được sự chú ý nào với người dân. Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Giám đốc trung tâm, thừa nhận nếu mở các lớp chăn nuôi thú y thì người dân còn quan tâm, chứ mở các lớp gò hàn, điện dân dụng, may công nghiệp… rất khó thu hút học viên.

 

Đào tạo nghề cơ khí chưa thu hút được thanh niên ở các vùng nông thôn – Ảnh: Khánh Hoan

Hưng Hoà là xã ngoại thành của TP Vinh có hơn 90% hộ dân sống bằng nghề nông nghiệp và nuôi trồng thuỷ sản. Trong vòng 5 năm kể từ năm 2006, xã này đã có 4 dự án đào tạo nghề cho nông dân nhưng tất cả đều thất bại. Khởi đầu là lớp dạy nghề đan thảm và những sản phẩm mỹ nghệ làm từ cây cói, đay. Những người thực hiện dự án đào tạo nghề hy vọng từ làng nghề làm chiếu cói truyền thống đã có từ hàng trăm nay tại xã này, người dân sẽ có sản phẩm cao cấp hơn để nâng cao mức sống. Thế nhưng, chưa đầy hai tháng sau thì những hy vọng trên cũng tắt lụi khi sản phẩm làm ra không biết bán cho ai. Người dân nản lòng và bỏ cuộc.

Ông Phan Sĩ Dương, Phó giám đốc Sở LĐ-TB-XH tỉnh Nghệ An cho biết năm 2011, nguồn kinh phí để đào tạo nghề ngắn hạn (3 tháng) cho nông dân của tỉnh là hơn 49 tỉ đồng. Ông Dương thừa nhận việc đào tạo nghề cho nông dân chưa thật hiệu quả do “Đào tạo chưa gắn với thực tế, thiếu địa chỉ việc làm. Các trung tâm, cơ sở đào tạo chỉ chú trọng đến việc đào tạo nghề mà không tính đến việc tạo được việc làm lâu dài cho người dân”.

Nguyên nhân khiến việc thực hiện đề án không đạt hiệu quả được ông Nguyễn Quang Mợi, Chủ tịch UBND xã Thanh Lĩnh (huyện Thanh Chương, Nghệ An) đúc kết: “Nói cho đúng là đem con bỏ chợ, cái khó của nông dân không phải ở việc học nghề gì mà quan trọng là phải tạo được thị trường tiêu thụ sản phẩm cho họ. Làm mộc, mây tre đan là phù hợp với địa phương nhưng khi làm xong sản phẩm bán cho ai đó là điều dân cần nhất”.

Giống, chất lượng sản phẩm và cách tiêu thụ hàng hoá

“Trách nhiệm của những người ăn cơm nhà nước là phải giúp cho người dân đứng vững trên đôi chân của mình. Đó cũng chính là mục tiêu cơ bản của đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Đừng bao giờ lấy thành tích số liệu: có bao nhiêu nông dân có việc làm mà nên tập trung làm rõ có bao nhiêu nông dân “làm giàu” sau khi được đào tạo nghề. Có như vậy đề án mới phát triển bền vững. Dạy nghề, dạy kỹ thuật nhưng sản xuất ra một quả cam chua thì có bán được không? Vì vậy, đề án cũng nên quan tâm đến đầu tư vào giống, chất lượng sản phẩm và cách tiêu thụ hàng hoá nữa. Có như vậy mới thực sự là bền vững”.

Ông Nguyễn Ngọc Phi
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH

Phải phù hợp với cung cầu thị trường

“Để việc đào tạo ăn khớp với nhu cầu doanh nghiệp, cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là cơ quan chính quyền cấp huyện. Để làm sao đào tạo phải phù hợp với cung và cầu của thị trường. Mục tiêu của đề án là nông dân giàu lên từ học nghề, chứ không phải bao nhiêu người được đi học nghề”.

PGS-TS Cao Văn Sâm
Phó tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề – Bộ LĐ-TB-XH