23/11/2024

Chốn đoạ đày

Vì mức thu nhập từ tiền “boa” khá hấp dẫn (tính ra có thể trên 30 triệu đồng/tháng) nên nhiều cô gái quê đua nhau lên thành phố làm matxa kiếm tiền. Nhiều người nói biết mình là công cụ kiếm tiền cho chủ cơ sở nhưng vẫn cắn răng chịu đựng

Chốn đoạ đày

Ngày đầu tiên nhận việc tại cơ sở matxa TN, người quản lý tên Hùng đưa chúng tôi ra nhà sau bằng lối đi hẹp, sâu hun hút. Toàn bộ cơ sở matxa này được bao quanh bởi những bức tường xây kiên cố, phía trên cùng gắn rất nhiều lưới và thép gai.

Nuôi và… nhốt

Các cơ sở matxa lớn tại nội thành TP.HCM hầu như không giữ nhân viên ở lại. Mỗi ngày làm 12 tiếng, làm ngày nào được nhận tiền “boa” ngày đó. Nhưng với khu vực ngoại thành, một số cơ sở matxa ở Đồng Nai, Bình Dương… thì việc “nuôi, nhốt” các KTV matxa lại là quy định bắt buộc. Họ phải làm việc mỗi ngày 16-24 tiếng, thay nhau lau dọn vệ sinh, 1-2 tuần mới được nhận lại tiền “boa” một lần, chưa kể các khoản phạt, trừ khác nhau.

Căn phòng chật chội, tối tăm, rộng khoảng 30m2 vừa là bếp, là nhà ăn, nơi ngủ, sinh hoạt của gần 40 người là nhân viên cơ sở. Vài cô gái mặc đồng phục màu xanh đang cắm cúi ăn cơm chiều, vài khuôn mặt được tô vẽ kỹ càng liếc nhìn chúng tôi một cách hờ hững. Cạnh đó, chăn chiếu chất đống lộn xộn, hàng chục giỏ đựng xà bông, đồ tắm đặt san sát nhau.

Khi nhận việc, người quản lý cơ sở hứa kỹ thuật viên (KTV) tuy làm không lương vẫn được bao ăn ở, nhưng sau đó lại thu của các KTV mỗi tuần 100.000 đồng tiền ăn. Mỗi ngày được ăn hai bữa vào 9g sáng và 5g chiều. Trong một tuần chúng tôi có mặt tại đây chỉ được ăn cơm với canh và cá. Giờ ăn, các KTV ngao ngán lắc đầu: “Lại cá, ngày nào cũng cá”. Ngồi cạnh đó Nga, tổ trưởng, quắc mắt: “Than gì mà than, muốn ăn ngon thì gửi tiền mua mà ăn”.

Thực tế ai muốn ăn hoặc mua thêm gì thì gửi quản lý hoặc con dâu của bà chủ đi mua nhưng với giá trên trời, và phải trả tiền công mua một món 10.000-50.000 đồng tuỳ giá trị món đồ. Một KTV nói: “Nếu chị xin được ra ngoài nên mua hết những thứ cần thiết rồi để dùng dần, không thì gửi mua sẽ tốn kém lắm. Hôm nay em mới gửi quản lý mua cây son, ở ngoài bán 100.000 đồng nhưng em phải trả tới 150.000 đồng đấy”.

Hết giờ làm lúc 2g sáng, hơn 40 KTV chia nhau lau dọn chỗ ngủ và dọn dẹp phòng matxa. Loay hoay tới hơn 3g chúng tôi mới được quản lý phân chỗ ngủ. Vì quá đông người, thiếu chỗ nên nhiều KTV phải trải chiếu nằm dọc hành lang. Sau một ngày làm việc mệt mỏi, giấc ngủ đến với họ dường như cũng không mấy dễ dàng.

Tại cơ sở matxa B có đến 10 phòng matxa mà chỉ có bốn KTV nên bà chủ ép nhân viên phải làm việc 24/24 giờ. Bà chủ căn dặn: “Nếu công an có hỏi thì tụi em cứ nói tới làm ngày 8 tiếng rồi về nhé!”.

5g sáng, trong phòng matxa bốn KTV đang cật lực phục vụ khách. Ngoài cửa kính, hai người quản lý đứng búng tay lách tách. Đó là dấu hiệu quản lý báo đang có khách chờ ở ngoài, tranh thủ làm nhanh để lên “tua” khác. Thi mới vào “tua” được 15 phút đã matxa xong cho khách, lật đật trang điểm lại để chuẩn bị lên “tua” mới. Hơn một giờ, Thi chạy được ba “tua” và có gần 500.000 đồng tiền “boa”. “Chủ yếu giải quyết cho khách khoản sung sướng là xong, chịu nhục tí nhưng có nhiều tiền!” – Thi phân bua.

Tận thu

Đêm đầu tiên tôi đi làm, người quản lý cơ sở matxa L trên đường Sư Vạn Hạnh bắt tôi ký vào bản hợp đồng lao động có ghi “cơ sở phải trả lương cho KTV mỗi ngày 40.000 đồng”. Thế nhưng thực tế KTV tại đây không hề nhận được đồng lương nào, ngược lại họ phải đóng cho chủ vô số khoản tiền. Bà Thu cho biết: “Số lương ghi trên hợp đồng là ghi cho có để qua mặt công an chứ lương đâu ra. Chủ ở đây đã bỏ vốn liếng, tiền bạc mở cơ sở cho tụi em làm, tụi em kiếm được tiền thì phải nộp lại cho chủ”.

Tương tự, tại cơ sở matxa B khi nhận việc tôi được ký hợp đồng làm việc trong bảy ngày, ngày làm tám tiếng, lương 1,7 triệu đồng. Trên thực tế số lương này tôi không được nhận, ngược lại mỗi ngày phải đóng 40.000 đồng “tua” cho chủ. Tôi thắc mắc sao lại ký hợp đồng chỉ có bảy ngày, bà chủ giải thích: “Đây là cách để tránh khỏi phải đóng thuế”.

Vì mức thu nhập từ tiền “boa” khá hấp dẫn (tính ra có thể trên 30 triệu đồng/tháng) nên nhiều cô gái quê đua nhau lên thành phố làm matxa kiếm tiền. Nhiều người nói biết mình là công cụ kiếm tiền cho chủ cơ sở nhưng vẫn cắn răng chịu đựng.

Tại cơ sở matxa L mỗi ngày tôi phải làm ngày 12 giờ. Vì là KTV mới nên cuối ngày tôi phải nộp 50.000 đồng tiền “tua”, là nhân viên cũ mỗi tháng phải đóng 1 triệu. Ngoài ra còn nộp 400.000 đồng tiền giặt đồng phục, 300.000 đồng cho thu ngân, 600.000 đồng tiền mì (dù có ăn hay không cũng phải đóng). Mỗi ngày các KTV phải nộp lại 10% số tiền “boa” của khách cho chủ cơ sở. Tại cơ sở L mỗi tuần đều phát vé mời cho mọi người ở nơi công cộng. Ai nhận được vé mời thì mang vé tới cơ sở để matxa miễn phí (không phải mua vé, chỉ phải “boa” cho KTV). KTV nào không may làm cho khách có vé mời thì bị chủ cơ sở trừ 50.000 đồng (vào tiền “boa” của khách). Vì thế, nỗi ám ảnh lớn nhất của các KTV tại đây là vé mời.

Quản lý tại cơ sở matxa TN luôn nhắc nhở các KTV: “Ở đây đổi 10 KTV lấy 1 khách, thế nên các chị phải xem đó mà làm”. Khách ở đây muốn “làm trời làm đất” gì cũng được, nếu không vừa ý họ sẽ xù “boa”, mách quản lý, mắng vốn KTV… Vì vậy KTV phải biết nhẫn nhục, chịu đựng để khách vừa lòng nếu không muốn bị phạt.

Tất cả nội quy, hình phạt ở đây đều quy ra tiền. Mỗi tháng KTV chỉ được ra ngoài một lần (sáu giờ), về muộn một giờ bị phạt ít nhất 200.000 đồng, quên tắt quạt phạt 100.000 đồng, quên lau dọn phòng phạt 200.000 đồng, bị khách mắng phạt 1 triệu. KTV xin nghỉ làm phải đóng tiền thế chân 1,5 triệu đồng, mua 10 bộ đồng phục giá 2,6 triệu đồng nhưng nghỉ làm thì phải trả lại cho cơ sở, nếu quay lại làm phải mua đồng phục lần nữa.

Trang – KTV tại cơ sở TN – cho biết: “Bây giờ các quy định đã đỡ rồi, chứ hồi trước cô chủ còn khắt khe hơn nhiều. Bị giam trong này 24/24 giờ mà điện thoại cũng không cho dùng. Cách đây một năm nếu dùng điện thoại mà cô chủ phát hiện sẽ bị tịch thu, muốn lấy lại phải đóng phạt 1 triệu. Bị khách phàn nàn phải trực bán nước ở quầy thư giãn một tháng liền không lương”.

Mỗi tuần, các KTV được nhận “lương” một lần (thực chất đó là tiền “boa” của khách mà chủ cơ sở giữ lại), có khi hai tuần mới phát. Tháng này Vân, KTV tại cơ sở TP, Q.Thủ Đức, nhận “lương” của hai tuần được hơn 15 triệu đồng. Vân phải đóng 1,2 triệu tiền ăn và vệ sinh, đóng tiền phạt 2 triệu, đóng 10% cho cơ sở là 1,5 triệu đồng, trả tiền chị bếp, vài khoản nợ lặt vặt, chỉ còn lại hơn 9 triệu đồng. Cô xót xa: “Mọi người cứ nói làm nghề này kiếm được nhiều tiền, nhưng tiền kiếm dễ thì đi cũng dễ, đủ các khoản phải trừ, rồi mua sắm son phấn, tu sửa sắc đẹp nữa. Rốt cục chẳng còn lại bao nhiêu”.