Sự thiếu hụt vận động và vai trò của thể dục trong rèn luyện sức khoẻ cho trẻ nhỏ

Ngày nay trẻ ở thành phố phần lớn bị thiếu hụt vận động hay vận động không đủ mức độ thích hợp cho lứa tuổi của mình

 Sự thiếu hụt vận động và vai trò của thể dục trong rèn luyện sức khoẻ cho trẻ nhỏ

Gần đây chúng ta hay nhắc đến sự thiếu hụt hay ít vận động của trẻ nhỏ. Những nghiên cứu cho thấy ảnh hưởng xấu của sự thiếu hụt vận động (vận động không đủ lượng, không đủ tích cực) đến toàn bộ các cơ quan và các hệ cơ quan trong cơ thể người, đặc biệt là hệ cơ xương, hệ tim mạch, hệ trao đổi chất và khả năng đề kháng của cơ thể.

Đối với trẻ nhỏ sự thiếu hụt vận động có ảnh hưởng nặng nề hơn. Bởi vì vận động là nhu cầu sinh lý của trẻ. Mức độ thoả mãn nhu cầu vận động  xác định sự lớn lên và phát triển của trẻ. Quá trình trao đổi chất, sự hình thành các cơ quan ở mọi giai đoạn phụ thuộc trực tiếp vào khối lượng và cường độ vận động của trẻ.

Ở mỗi lứa tuổi tồn tại một mức độ vận động thích hợp. Nếu không đạt được mức độ vận động này có nghĩa là thiếu hụt vận động sẽ dẫn đến chậm lớn, chậm phát triển. Cũng như giảm khả năng thích nghi của cơ thể.

Ngày nay trẻ ở thành phố phần lớn bị thiếu hụt vận động hay vận động không đủ mức độ thích hợp cho lứa tuổi của mình.

Sự thiếu hụt vận động ở trẻ nhỏ trước hết ảnh hưởng đến hệ cơ-xương, gây ra sự kém sức bền và khả năng làm việc của cơ thể, gây ra sự không cân xứng của cơ thể, cong vẹo cột sống, bàn chân bẹt… phá vỡ sự hài hoà trong khi vận động, giảm sự dẻo dai, khéo léo, linh hoạt. Trẻ ở trong tư thế tĩnh tại lâu ( ngồi xem vô tuyến, chơi điện tử…) sẽ gây căng thẳng cho một nhóm cơ bắp nào đó, dẫn đến mệt mỏi quá mức. ảnh hưởng xấu đến hệ thần kinh. Nếu sự thiếu hụt vận động kéo dài sẽ xuất hiện sự giảm sút rõ rệt khả năng chống lại các yếu tố ảnh hưởng của thời tiết, khí hậu, vi khuẩn, vi rút. Trẻ thiếu hụt vận động hay mắc bệnh truyền nhiễm gấp 3-5 lần trẻ khác.

Sự thiếu hụt vận động gây ra rối loạn trao đổi chất và dư thừa mỡ trong cơ thể – trẻ mắc bệnh béo phì. Những trẻ này rất dễ bị tổn thương nhất là những trẻ quá nặng.

Đối với trẻ ở lứa tuổi nhà trẻ, mẫu giáo để tránh sự thiếu hụt vận động thì mỗi ngày phải vận động tích cực trong khoảng một giờ. Thời gian vận động này có thể chia làm 2-3 lần đối vói trẻ dưới 3 tuổi.

Bằng cách nào tăng khối lượng vận động hằng ngày để đạt chuẩn vận động của lứa tuổi và tránh được ảnh hưởng xấu của sự thiếu hụt vận động cho trẻ? Cách tốt nhất là cho trẻ tập thể dục và trò chơi vận động. Kết quả của nhiều nghiên cứu trẻ vận động thường xuyên có sức khoẻ tốt, chất lượng các kỹ năng vận động tốt, trạng thái cảm xúc tốt và tăng sức đề kháng của cơ thể. Sau 1 tuổi trẻ trở nên tích cực vận động, mặc dùvận động của trẻ còn đơn điệu. Do đó không phải tất cả các cơ đều tham gia vào vận động mà chỉ có một nhóm cơ bắp nào đó. Vì thế vận động của trẻ chưa đủ và chưa đạt hiệu quả sinh lý. Ngoài ra nếu không hướng dẫn trẻ thực hiện đúng các vận động sẽ dẫn đến thói quen. Đó là nguyên nhân dẫn đến cơ thể phát triển lệch lạc, cong vẹo cột sống, gây khó khăn cho hoạt động của các cơ quan bên trong. Thực hiện không đúng các vận động đơn giản bây giờ sẽ khó đạt được kết quả tốt trong thể dục thể thao sau này. Bởi vậy ở lứa tuổi nhà trẻ, mẫu giáo cần phải tổ chức các giờ tập thể dục, trò chơi vận động cho trẻ một cách có hệ thống và có mục đích. Những giờ học vận động đúng thường xuyên có ý nghĩa giáo dục và phát triển sức khoẻ. Bởi vì ở lứa tuổi này cơ thể trẻ rất mềm dẻo. Bất kỳ một tác động dù nhỏ nhưng lặp đi lặp lai một cách có hệ thống sẽ dễ dàng để lại dấu ấn bền vững trong sự phát triển của trẻ.

Ngoài các giờ thể dục và trò chơi vận động ở trường mầm non, để tránh thiếu hụt vận động cần phải bổ sung các giờ tập luyện vận động ở gia đình. Các bài tập cho trẻ cần phải đa dạng, phù hợp với trẻ và nhằm mục đích hoàn thiện các vận động như đi , chạy, nhảy, bò, leo trèo, ném cũng như các bài tập thăng bằng, đề phòng bàn chân bẹt, rèn tư thế đúng… Các giờ tập luyện phải tổ chức vào thời gian cố định. Đối với trẻ dưới 2 tuổi thời gian tập có thể từ 8- 10 phút, trẻ 2-3 tuổi- 20 phút, trẻ trên 4 tuổi- 30-40 phút. Tăng lượng vận động đạt được không chỉ do tăng thời gian vận động mà còn do tăng số lần lặp lại và nhịp thực hiện bài tập. Để tránh mệt mỏi cho trẻ cần phải thay đổi thường xuyên tư thế ban đầu của bài tập (đứng, ngồi, nằm…) và các loại vận động khác nhau. Có thể sử dụng các dụng cụ như gậy, vòng, bóng, dây, bao cát… trong khi tập cho trẻ. Nên tập cho trẻ ở ngoài trời để trẻ được rèn luyện bằng các yế tố như nắng, nhiệt độ, không khí.

Một trong những phương tiện rèn luyện tốt cho trẻ là thường xuyên cho trẻ dạo chơi, tổ chức trò chơi vận động và tận dụng các điều kiện tự nhiên (như mô đất cho trẻ leo lên và nhảy từ trên xuống, rãnh nước cho trẻ nhảy qua…)

Việc tập luyện vận động thường xuyên và dần năng cao chất lượng vận động tạo điều kiện hoàn thiện chức năng của các cơ quan, sự chín muồi của cơ thể. Trẻ được vận động đầy đủ sẽ khoẻ mạnh, phát triển hài hoà, tăng sức đề kháng của cơ thể với các loại bệnh tật. Trẻ trở nên thông minh hơn, dễ dàng hoà nhập vào nhóm trẻ và tiếp thu các kỹ năng khó một cách dễ dàng.