22/12/2024

Gia đình… không đầy đủ

Một gia đình có đầy đủ cha mẹ thường làm tốt chức năng giáo dục con cái hơn gia đình thiếu cha, vắng mẹ.

 

Gia đình… không đầy đủ

Một gia đình có đầy đủ cha mẹ thường làm tốt chức năng giáo dục con cái hơn gia đình thiếu cha, vắng mẹ.

Trong xã hội hiện đại, vì những lý do khác nhau nên loại hình gia đình không đầy đủ (chỉ có mẹ con hoặc cha con) đang có xu hướng gia tăng. Đó là các gia đình cha mẹ ly hôn (con ở với mẹ hoặc cha), làm mẹ đơn thân (người phụ nữ không hoặc không muốn kết hôn nhưng muốn làm mẹ)… Nhưng thực tế nhiều gia đình có đủ cha mẹ lại rơi vào tình huống vắng cha, thiếu mẹ.

Từ quan điểm của xã hội học gia đình, có thể phân chia loại hình “gia đình đầy đủ nhưng lại không đầy đủ” này theo ba dạng chủ yếu sau đây:

Với các em trai trong gia đình thiếu vắng cha, sẽ thiệt thòi trong quá trình hình thành và phát triển các phẩm chất nam tính, một số trường hợp các em trai trở nên yếu đuối, có xu hướng nữ tính. Với các em gái trong gia đình thiếu mẹ cũng sẽ gặp khó khăn khi tuổi dậy thì, và thường có tính cách mạnh mẽ do ảnh hưởng của cha vì thiếu bàn tay chăm sóc của người mẹ. Đó là chưa kể khi thiếu vắng hình mẫu người cha hay mẹ, các em tìm đến hình mẫu của những người bên ngoài gia đình, rủi ro cũng thật khó lường.

Gia đình có cha hoặc mẹ đi làm ăn xa: trước hết phải kể đến gia đình có người cha công tác xa nhà, chỉ sum họp gia đình vào những ngày nghỉ phép hằng năm. Bên cạnh đó, các luồng di cư từ nông thôn ra đô thị, các khu công nghiệp ngày một nhiều khiến gia đình thiếu vắng cha/mẹ hoặc cả hai ngày càng tăng. Với những gia đình trên, hầu hết phụ nữ đảm nhận vai trò của cả người chồng trong việc nuôi dưỡng và giáo dục con cái.

Bên cạnh sự vất vả, dù người phụ nữ có đảm đang đến mấy cũng không thể làm đầy đủ, làm tốt các chức năng gia đình và càng không thể thay thế vai trò của người chồng, người cha trong gia đình. Điều này càng khó khăn hơn với những trường hợp “gà trống nuôi con” khi vợ đi xuất khẩu lao động, ra đô thị kiếm sống. Dẫu có cố gắng bao nhiêu thì sự thiếu cha (hay mẹ) cũng khiến con cái chịu nhiều thiệt thòi, bởi như người ta đúc kết “một nhạc công không thể biểu diễn được bản giao hưởng”.

Gia đình cha mẹ ở nhà nhưng mải mê công việc nên sao lãng việc chăm sóc con cái, có thể xem đây là loại hình “gia đình thiếu vắng giả”. Những gia đình này cha mẹ mải mê làm ăn, lo theo đuổi công danh sự nghiệp, kinh tế thường khá giả, nên có quan niệm đáp ứng đầy đủ nhu cầu vật chất cho con cái. Họ ít hoặc không quan tâm đến suy nghĩ, tình cảm, tâm tư của con. Cách chăm sóc con cái theo tiêu chí kinh tế thường lợi bất cập hại, bởi lẽ điều kiện vật chất không thể thay thế tình cảm, tinh thần.

Gia đình có cha/mẹ xa lánh vai trò: một số gia đình cha mẹ không bận làm ăn hay mải mê với công danh sự nghiệp nhưng lại đam mê những sở thích riêng (như tập thể hình, chăm sóc sắc đẹp…) nên thường rơi vào tình huống “xa lánh vai trò làm cha, làm mẹ”.

Đã qua lâu rồi quan niệm nuôi con theo kiểu “trời sinh voi sinh cỏ”. Dù vì lý do gì cũng đừng để trẻ phải sống trong sự thiếu vắng tình cảm của cha mẹ. Bởi trẻ thiếu vắng sự quan tâm của cha hay mẹ, hoặc cả cha lẫn mẹ (dù có cha, mẹ ngay bên cạnh hay không) đều rất thiệt thòi.

PGS.TS HOÀNG BÁ THỊNH
(chủ nhiệm bộ môn giới và gia đình Trường ĐH KHXH&NV – ĐHQG Hà Nội)