23/01/2025

1.001 kiểu bòn rút bảo hiểm y tế

Chỉ riêng tháng 10-2010, giám định viên phát hiện phòng khám Hồng Châu 2 đề nghị thanh toán sai 42 trường hợp. Trong đó có 11 trường hợp đề nghị thanh toán tiền thuốc và cận lâm sàng nhưng thực tế không phát thuốc và làm cận lâm sàng cho bệnh nhân

1.001 kiểu bòn rút bảo hiểm y tế

Quỹ bảo hiểm y tế (BHYT) hiện vẫn bị một số cơ sở y tế, nhân viên bệnh viện coi là “chùm khế ngọt” để “trèo hái” mỗi ngày. Gần đây những vụ rút, xén quỹ BHYT lại rộ lên với nhiều kiểu khác nhau.

Ngày 14-6, anh Nguyễn Hoàng Nam (43 tuổi, H. Củ Chi, TP.HCM) đến khám bệnh diện BHYT tại phòng khám đa khoa Thiên Y (quốc lộ 22, thị trấn Củ Chi, H.Củ Chi). Bác sĩ chẩn đoán anh bị thoái hoá đa khớp, viêm thần kinh ngoại biên và kê toa sáu loại thuốc: Tatanol codein, Mobimed 7,5mg, Stefan, Synervit, Spirilix, Inome 20mg.

Đổi thuốc, gian lận tiền

Về nhà uống thuốc, anh Nam phát hiện thuốc được cấp khác với toa bác sĩ cho. Thuốc anh được cấp là Paracetamol codein, Mebilax 7,5mg, Glucosamin 500mg, Scanneuron-forte, Sulpiride stada 50mg và Cleazol 20. Tuy đổi thuốc nhưng nhân viên cấp thuốc không hề thông báo cho anh biết việc này.

Anh Nam cho biết do anh khám BHYT trái tuyến tại phòng khám Thiên Y nên anh phải đóng tiền khám 10.000 đồng, khi lãnh thuốc phải đồng chi trả 30%. Anh Nam đem số thuốc được cấp đến hỏi một nhà thuốc thì được báo giá khoảng 40.000 đồng. Còn nếu mua thuốc theo toa bác sĩ kê thì có giá hơn 100.000 đồng. Theo anh Nam, không chỉ mình anh mà nhiều bệnh nhân khác cũng bị đổi thuốc. Anh nghi ngờ phòng khám này đã bớt xén tiền thuốc của BHYT bằng cách cấp thuốc rẻ tiền nhưng tính với BHYT là loại thuốc (toa bác sĩ kê) đắt tiền hơn vì anh thấy người phát thuốc đóng dấu “đã thu tiền” trên toa bác sĩ kê và trên sổ khám bệnh của anh. Khi tính tiền cũng nhìn vào toa bác sĩ để tính chứ không phải theo thuốc được cấp.

Cấp thuốc nội, tính tiền thuốc ngoại!

Qua giám sát quỹ BHYT, tháng 3-2011 Bảo hiểm xã hội TP phát hiện trong quý 4-2010 phòng khám Hồng Châu 2 (quốc lộ 13, P.Hiệp Bình Chánh, Q.Thủ Đức) gian lận tiền thuốc của bệnh nhân BHYT. Bảo hiểm xã hội TP đã xuất toán hơn 62,2 triệu đồng mà phòng khám này đề nghị thanh toán sai quy định. Đồng thời cắt hợp đồng khám chữa bệnh BHYT với phòng khám Hồng Châu 2 từ ngày 1-4-2011.

Cụ thể, chỉ riêng tháng 10-2010, giám định viên phát hiện phòng khám Hồng Châu 2 đề nghị thanh toán sai 42 trường hợp. Trong đó có 11 trường hợp đề nghị thanh toán tiền thuốc và cận lâm sàng từ hàng trăm ngàn đồng đến gần 2 triệu đồng nhưng thực tế không phát thuốc và làm cận lâm sàng cho bệnh nhân.

Rất nhiều bệnh nhân khác bị tráo từ thuốc ngoại (bác sĩ kê toa) có giá tiền cao sang thuốc nội (thực tế được cấp) có giá tiền thấp nhưng phòng khám này vẫn đề nghị BHYT quyết toán theo giá thuốc ngoại mà bác sĩ kê toa. Một số trường hợp thực tế bệnh nhân không được cấp thuốc nhưng phòng khám vẫn đề nghị quyết toán tiền thuốc.

Bệnh nhân Hứa Văn Rưng (55 tuổi, H.Củ Chi) cho biết một số thuốc được phòng khám cấp đã bị đổi sang thuốc khác mà ông không biết. Theo ông Rưng, ngày 14-6 ông đến phòng khám Thiên Y khám bệnh và được bác sĩ chẩn đoán bị cao huyết áp vô căn, viêm dạ dày. Bác sĩ cho ông sáu loại thuốc: Dorover pluss, Betaloczok 50mg, Bisotab 5mg, Vaspycar MR, Inome 20mg, P-gel. Tuy nhiên, có một số loại đã thay bằng thuốc khác là Bisoprolol 5mg, Trimetazidine 35mg, Cleazol 20…

Qua xác minh chúng tôi thấy phiếu thanh toán tiền của phòng khám Thiên Y với Bảo hiểm xã hội TP là các thuốc anh Nam thực nhận có giá trị 42.870 đồng. Nếu cộng thêm 2.000 đồng công khám, anh Nam chỉ phải đồng chi trả 13.461 đồng. Tuy nhiên khi tính tiền thuốc đồng chi trả, nhân viên phòng khám Thiên Y đã gian lận tiền thuốc của anh Nam bằng cách nâng giá thuốc thực lên gần gấp ba lần giá thuốc thanh toán với BHYT. Vì vậy, anh Nam phải đồng chi trả 31.000 đồng.

Ví dụ như Paracetamol codein giá 760 đồng/viên thì bị tính thành 2.000 đồng/viên, Glucosamin 500mg giá 545 đồng/viên bị tính tiền thành 3.000 đồng/viên. Do đó toa thuốc có giá trị thực là 42.870 đồng đã bị biến thành 120.000 đồng. Tương tự, ông Hứa Văn Rưng cũng bị tính gian tiền thuốc đồng chi trả. Toa thuốc ông thực lãnh có giá trị 170.860 đồng, cộng 2.000 đồng công khám ông Rưng chỉ phải đồng chi trả 51.858 đồng.

Tuy nhiên, nhân viên nhà thuốc này đã tính tiền thuốc của ông Rưng thực lãnh lên 270.000 đồng và ông Rưng phải đồng chi trả 81.000 đồng. Cả hai phiếu thanh toán tiền mà phòng khám Thiên Y sẽ thanh toán với BHYT đều không có chữ ký xác nhận của bệnh nhân.

Ngày 16-6, trả lời Tuổi Trẻ về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Re – giám đốc phòng khám đa khoa Thiên Y – thừa nhận nhân viên của mình đã sai khi nâng giá thuốc cao hơn giá thực tế.

Tráo người, chi thấp đòi cao!

Trong khi đó, từ thông tin của Tuổi Trẻ, Bảo hiểm xã hội TP.HCM đã vào cuộc và phát hiện hai vụ việc gian lận tiền BHYT khác. Cụ thể, cuối tháng 5-2011 một bạn đọc cho biết bà Nguyễn Thị Kim Ngân – nhân viên thu viện phí của Bệnh viện Q.2 – tuy không bị bệnh nhưng đã cho em gái mượn thẻ BHYT để nằm viện.

Qua xác minh, giám định viên BHYT phát hiện từ ngày 14 đến 19-5 có bệnh nhân Nguyễn Thị Kim Ngân nằm viện với chẩn đoán sốt xuất huyết nhưng khi đối chiếu với bảng chấm công tại Bệnh viện Q.2 thì bà Ngân vẫn đi làm đầy đủ. Bà Ngân đã thừa nhận cho em gái mượn thẻ BHYT để nằm viện và quỹ BHYT đã phải chi trả cho em bà Ngân hơn 820.000 đồng.

Bảo hiểm xã hội TP đã tiến hành kiểm tra, thẩm định lại chi phí khám chữa bệnh của phòng khám Nét Vạn Phúc (280 Phú Thọ Hoà, P.Phú Thọ Hoà, Q.Tân Phú). Để làm rõ có hay không chuyện gian lận tiền xét nghiệm tại phòng khám này, tháng 4-2011 giám định viên BHYT đã đối chiếu sổ xét nghiệm, kết quả thực hiện xét nghiệm và phát hiện từ tháng 9-2009 đến ngày 18-8-2010 phòng khám này này đã gian lận tiền xét nghiệm của quỹ BHYT hơn 12 triệu đồng.

Đơn cử, tháng 5-2009 chi phí xét nghiệm thực làm cho bệnh nhân chỉ hết 12.710.000 đồng nhưng Nét Vạn Phúc đã đề nghị và được BHYT thanh toán 15.025.000 đồng (chênh lệch 2.315.000 đồng). Tháng 6-2009, chi phí xét nghiệm thực làm cho bệnh nhân hết 13.353.000 đồng nhưng phòng khám đã đề nghị và được BHYT thanh toán 17.051.000 đồng (chênh lệch 3.698.000 đồng)…

Ông Cao Văn Sang – Giám đốc Bảo hiểm Xã hội TP.HCM – cho biết năm 2010 Bảo hiểm xã hội TP đã phát hiện nhiều cơ sở y tế thực hiện không đúng các quy định về BHYT nên đã xuất toán, thu hồi cho quỹ BHYT gần 60 tỉ đồng.