Tìm hướng đi mới cho vấn đề biển Đông

Trong ngày thảo luận cuối cùng của hội thảo về an ninh biển Đông, các học giả đã đánh giá những khuôn khổ an ninh hiện tại và đưa ra các đề xuất mới

Tìm hướng đi mới cho vấn đề biển Đông

Trung tâm Leavey của ĐH Georgetown (Mỹ) là nơi kết thúc hội thảo về an ninh biển Đông. Trong ngày thảo luận cuối cùng này, các học giả đã đánh giá những khuôn khổ an ninh hiện tại và đưa ra các đề xuất mới.

Sự thay đổi của Trung Quốc, cả về sức mạnh và cách hành xử với các nước láng giềng, là điều dễ nhận thấy trong mấy năm gần đây.

GS Stein Tonnesson, Học viện Hoà bình Mỹ, chỉ ra thực tế là nửa đầu của những năm 2000 “Trung Quốc cư xử rất khác” với láng giềng so với năm năm gần đây nhất. Cái “rất khác” này được ông mô tả như sau: dù Bắc Kinh luôn tuyên bố “trỗi dậy trong hoà bình”, song trên thực tế Trung Quốc lại đẩy mạnh vũ trang và phát triển vũ khí tấn công cho lực lượng hải quân, đơn phương áp đặt lệnh cấm đánh bắt cá trên biển cũng như bắt giữ tàu thuyền ngư dân nước ngoài.

Một mặt Trung Quốc kêu gọi “gác lại tranh chấp để cùng khai thác”, nhưng mặt khác họ lại đe doạ, gây sức ép đối với các tập đoàn dầu mỏ thăm dò trên vùng đặc quyền kinh tế của các nước khác.

Trung Quốc không có cơ sở lịch sử

GS Ngô Vĩnh Long của ĐH Maine, người có nhiều năm nghiên cứu về Đông Á và Đông Nam Á, cho rằng: “Việt Nam phải làm rõ vấn đề. Hầu hết các chuyên gia ở đây vẫn chỉ sử dụng tài liệu từ năm 1945 đến nay. Người Pháp thời điểm lúc đó có nhiều vấn đề lịch sử họ không rõ. Tôi nghiên cứu nhiều bản đồ Trung Quốc thấy rõ cho tới tận thời Thanh, Trung Quốc chưa bao giờ có bản đồ nói về Trường Sa – Hoàng Sa. Ranh giới của họ chỉ đến đảo Hải Nam. Chúng ta cần tiếp tục nói mạnh những dẫn chứng lịch sử này. Nếu im lặng chúng ta sẽ mất”.

GS Marvin Ott của Trung tâm chính sách Woodrow Wilson lại mô tả một khía cạnh khác: “Trung Quốc luôn lớn tiếng nói Mỹ không được xâm phạm vào vùng chủ quyền không thể tranh cãi của Bắc Kinh. Cách tiếp cận này sẽ rất khó cho việc giải quyết tranh chấp… Sẽ không nước nào chấp nhận một mình Trung Quốc độc chiếm biển Đông”.

Trong khi đó, TS Đặng Đình Quý, giám đốc Học viện Ngoại giao Việt Nam, nói: “Chúng ta thấy rõ sự khác biệt giữa lời nói và việc làm của Trung Quốc. Ngay sau những tuyên bố hoà bình của bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc ở Shangri-La chỉ vài ngày, tàu Trung Quốc lại tiếp tục cắt cáp tàu Viking 2”.

Luật sư Nguyễn Duy Chiến của Học viện Ngoại giao Việt Nam lại lưu ý: “Để giải quyết mâu thuẫn cần phải dựa trên những mâu thuẫn thật chứ không thể tạo ra mâu thuẫn giả để gây căng thẳng. Một số nước cố tình ngụy tạo mâu thuẫn giả ở vùng biển của nước khác”.

Đúc kết lại vấn đề này, GS Stein Tonnesson nhấn mạnh: “Từ những căng thẳng này, giới lãnh đạo Trung Quốc có lẽ nên nhìn nhận lại và trở lại những chính sách trước đó”. Trên quan điểm của nhà sử học, GS Tonnesson cho rằng biển Đông thực tế không phải là trọng điểm chiến lược, bằng chứng là đế chế Anh và Mỹ vào thời kỳ đỉnh cao của mình họ chưa bao giờ xây dựng căn cứ ở đây. “Mọi người chỉ chú ý đến biển Đông kể từ khi xuất hiện khái niệm vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và chủ yếu là vì nguồn cá và dầu mỏ” – ông nói. EEZ chính thức xuất hiện kể từ sau Công ước của LHQ về luật biển năm 1982.

Về việc các nước ASEAN kêu gọi Mỹ can dự ở biển Đông, ông cho rằng “chuyện này hoàn toàn do lỗi của Trung Quốc, đặc biệt là do những hành vi của lực lượng hải giám nước này trong hai năm vừa rồi”. Về giải pháp, ông cho rằng các bên nên tiếp tục các cơ chế đối thoại của ASEAN và thúc đẩy ký kết những quy định mang tính ràng buộc ở biển Đông.

Hầu hết các học giả đều nhận định rằng cơ chế “khai thác chung” đã không phát huy tác dụng, bởi các bên không thống nhất với nhau trong việc xác định đâu là khu vực tranh chấp, đâu là khu vực không có tranh chấp. Chuyên gia của VN và Philippines có cách tiếp cận khá giống nhau về việc nên xác định đâu là vùng biển, đảo tranh chấp và đâu là những vùng không có tranh chấp để có thể tiến hành khai thác chung. Theo ông Đặng Đình Quý, cách phân loại này sẽ “tạo môi trường an toàn cho các công ty dầu mỏ” cũng như là “hợp tác về hàng hải và quân sự để xây dựng niềm tin”.

Ông Henry S.Bensurto, tổng thư ký Uỷ ban các vấn đề biển và đại dương thuộc Bộ Ngoại giao Philippines, cho biết nước này đang hoàn tất đề xuất về việc chia lô các khu biển để hình thành vùng biển hoà bình, hữu nghị. Theo phương án này, các vùng biển sẽ được chia ra làm các khu vực đang tranh chấp, khu vực chồng lấn có thể áp dụng “lưỡng chế độ” để cùng khai thác cũng như các khu vực không còn tranh chấp.

Ông Ernest Bower, giám đốc Chương trình Đông Nam Á của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và các vấn đề quốc tế (CSIS), trong lời kết luận gồm sáu điểm của mình có đề nghị các bên nên tăng cường tính minh bạch về chính sách cũng như sự chủ động, sáng tạo hơn của ASEAN về ngoại giao.

 

Bắc Kinh cần bỏ đi thái độ “kẻ cả”

Trên báo Hoa Nam Buổi Sáng (Hong Kong) số ra ngày 20-6, chuyên gia người Trung Quốc Vương Hướng Vĩ cảnh báo xung đột vũ trang trên biển Đông là điều không quốc gia nào trong khu vực mong muốn và sẽ dẫn đến những hậu quả mang tính thảm hoạ cho khu vực. Tác giả khuyến cáo giới lãnh đạo Bắc Kinh cần hiểu rõ tình trạng xấu đi trong quan hệ giữa Trung Quốc với các nước ASEAN. “Về lâu dài, Trung Quốc cần bỏ đi thái độ “kẻ cả” và nỗ lực thúc đẩy hợp tác an ninh với các nước Đông Nam Á”.

Trên báo Straits Times, GS Amitav Acharya thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (Singapore) cũng cho rằng nếu Trung Quốc tiếp tục chính sách gây hấn trên biển Đông thì “điều đó sẽ gây tổn thất quá lớn cho chính Trung Quốc, ngăn chặn sự tiếp cận của Trung Quốc đối với các tuyến hàng hải quan trọng ở Ấn Độ Dương và các nơi khác”. GS Acharya nhấn mạnh Trung Quốc cần nghiêm túc và sẵn sàng đối thoại với ASEAN. “Một cuộc đối thoại giữa Trung Quốc và ASEAN ở cấp ngoại trưởng sẽ là kịp thời và có hiệu quả” – ông nhấn mạnh.

HIẾU TRUNG