24/01/2025

Vẫn còn bị trừng phạt thay vì giáo dục

Thanh thiếu niên hư, có những hành động bạo lực hoặc phạm tội, trước hết trách nhiệm thuộc về người lớn, gia đình và xã hội.

Vẫn còn bị trừng phạt thay vì giáo dục

Thanh thiếu niên hư, có những hành động bạo lực hoặc phạm tội, trước hết trách nhiệm thuộc về người lớn, gia đình và xã hội.

Theo quy định tại điều 69 Bộ luật hình sự, việc xử lý người chưa thành niên phạm tội chủ yếu nhằm giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh và trở thành công dân có ích cho xã hội.

Người chưa thành niên phạm tội có thể được miễn trách nhiệm hình sự, nếu người đó phạm tội ít nghiêm trọng hoặc tội nghiêm trọng, gây hại không lớn, có nhiều tình tiết giảm nhẹ và được gia đình hoặc cơ quan, tổ chức nhận giám sát, giáo dục.

Việc truy cứu trách nhiệm hình sự người chưa thành niên phạm tội và áp dụng hình phạt đối với họ chỉ được thực hiện trong trường hợp cần thiết. Hạn chế áp dụng hình phạt tù, kể cả khi đã cho hưởng án treo, mà áp dụng các hình phạt khác như cảnh cáo, cải tạo không giam giữ hoặc áp dụng các biện pháp tư pháp như giáo dục tại xã, phường, thị trấn hay đưa vào trường giáo dưỡng.

Quy định là vậy nhưng trên thực tế các cơ quan tiến hành tố tụng (công an, viện kiểm sát và toà án) ở nhiều nơi chưa thật sự quan tâm đến nguyên tắc xử lý người chưa thành niên phạm tội. Các toà án lại chủ yếu áp dụng hình phạt tù giam, có trường hợp còn xử nặng hơn cả người đã thành niên. Nguyên nhân chủ yếu là do có tâm lý trong đội ngũ thẩm phán “sợ” áp dụng hình phạt nhẹ đối với người chưa thành niên sẽ bị cấp phúc thẩm sửa án, còn nếu cho bị cáo được hưởng án treo thì lại “sợ” bị kiểm tra uốn nắn mất điểm thi đua hoặc bị “nghi ngờ” là có tiêu cực…

Hằng năm TAND tối cao đều tiến hành kiểm tra việc toà án các cấp cho bị cáo hưởng án treo (chiếm tỉ lệ khá cao) và kết luận đa số án treo là sai, lại càng làm tâm lý của thẩm phán đã “sợ” còn sợ thêm. Vấn đề ở đây không phải là tỉ lệ án treo cao hay thấp mà là việc cho bị cáo hưởng án treo có đúng hay không. Nếu tỉ lệ án treo càng cao và đúng thì đáng hoan nghênh lắm chứ, còn tỉ lệ tuy rất thấp nhưng cho treo sai thì phải uốn nắn.

Đối với người chưa thành niên phạm tội, tư tưởng chỉ đạo của Quốc hội cũng như của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao từ trước đến nay vẫn theo hướng “giáo dục là chính”. Qua kiểm tra, những trường hợp toà án cho hưởng án treo sai chỉ rơi vào bị cáo là người đã thành niên, nếu có trường hợp nào đối với người chưa thành niên thì cũng không đặt vấn đề xem xét lại theo trình tự giám đốc thẩm theo hướng áp dụng hình phạt tù giam.

Khi sửa đổi, bổ sung những vấn đề cấp thiết vào Bộ luật hình sự, Quốc hội cũng thấy việc áp dụng hình phạt đối với người chưa thành niên của các toà án là quá nghiêm khắc, nên đã bổ sung vào điều 69 Bộ luật hình sự một cụm từ: “Khi áp dụng hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội cần hạn chế áp dụng hình phạt tù”. Sau đó, TAND tối cao đã tổ chức các lớp tập huấn cho các thẩm phán toàn ngành, trong đó nhấn mạnh đến việc Quốc hội đã sửa đổi, bổ sung điều 69 về xử lý đối với người chưa thành niên phạm tội. Rất tiếc là đã không đạt được hiệu quả như mong muốn.

Để thi hành đúng điều 69 Bộ luật hình sự, đề nghị Hội đồng thẩm phán TAND tối cao hướng dẫn cụ thể những trường hợp nào toà án không được áp dụng hình phạt tù đối với người chưa thành niên phạm tội. Ví dụ: Đối với người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ áp dụng hình phạt tù trong trường hợp phạm tội rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng đã gây ra thiệt hại; đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi chỉ áp dụng hình phạt tù trong trường hợp phạm tội nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng đã gây ra thiệt hại… Riêng đối với thiệt hại về tài sản thì chỉ áp dụng hình phạt tù khi thiệt hại gây ra thuộc trường hợp đặc biệt nghiêm trọng… Có như vậy thì các thẩm phán khi xử lý người chưa thành niên mới vững tâm và không sợ bị “săm soi” nữa.

Rất tiếc cho đến nay, người chưa thành niên phạm tội rất ít được áp dụng các hình phạt không phải là hình phạt tù hay biện pháp tư pháp, mà nếu vụ án nào toà án có chiếu cố lắm cũng chỉ cho hưởng án treo. Nhận thức và áp dụng như vậy là chưa quán triệt đúng nguyên tắc xử lý đối với người chưa thành niên phạm tội quy định tại điều 69 Bộ luật hình sự mà Quốc hội đã sửa đổi, bổ sung.