14/11/2024

Xe cấp cứu “lụi”

Hiện một số doanh nghiệp, cá nhân có xe cứu thương đã ký hợp đồng với các bệnh viện để vận chuyển bệnh nhân.

 Xe cấp cứu “lụi”

Không được ngành y tế cho phép vận chuyển cấp cứu bệnh nhân, không có bác sĩ, y tá và thiếu trang thiết bị cấp cứu nhưng nhiều xe cấp cứu “lụi” của các công ty, thậm chí của các cá nhân vẫn công khai hoạt động mà không bị cơ quan chức năng nào sờ gáy.

 

20g30 ngày 30-5, một xe cấp cứu biển số 57L-9372 đỗ ngay trước khu cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM). Xe cấp cứu này có còi hụ, in dấu thập đỏ nhưng không ghi tên bệnh viện như những xe cấp cứu khác, người chuyển băng ca bệnh nhân xuống xe cũng không phải bác sĩ, y tá mà là tài xế kiêm nhân viên cấp cứu tên L..

Cấp cứu không bác sĩ

“Sở Y tế TP.HCM chưa cấp phép vận chuyển cấp cứu cho bất cứ cá nhân hay công ty nào”

Trang thiết bị của xe cấp cứu này chỉ có bình oxy và bóng bóp. Trong vai một người đang tìm xe để chuyển bệnh, chúng tôi hỏi: “Nếu bệnh nhân trở nặng thì sao?”. L. bảo anh sẽ hướng dẫn người nhà tự cho bệnh nhân thở oxy! Khi hỏi số điện thoại liên hệ, L. đưa cho chúng tôi một danh thiếp in tên doanh nghiệp tư nhân 229 chuyên cho thuê xe 4, 7, 12, 16 chỗ đời mới kiêm mua bán xe gắn máy và cầm đồ bình dân, địa chỉ khu phố 8, thị trấn Củ Chi, TP.HCM.

Hơn 3g sáng 2-5, chị T.N. ở đường Chu Mạnh Trinh, Q.1, TP.HCM điện thoại đến Bệnh viện Nguyễn Trãi gọi xe cấp cứu chở ba chị đang bất tỉnh vào bệnh viện. Ít phút sau, chị thấy một xe cấp cứu mang biển số TP nhưng không phải của Bệnh viện Nguyễn Trãi đến. Trên xe cấp cứu có một y tá đi cùng nhưng chỉ đứng nhìn chứ không làm những động tác sơ cứu như đo huyết áp, cho người bệnh uống thuốc hạ huyết áp… Từ nhà chị T. N. đến Bệnh viện Nguyễn Trãi chưa đến 5km nhưng chị phải thanh toán 600.000 đồng cho xe cấp cứu “lụi” này.

Qua nhiều đêm có mặt tại khoa cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy, chúng tôi ghi nhận có nhiều xe cấp cứu mang biển số trắng của TP.HCM, Bình Phước, Trà Vinh… chuyển bệnh nhân đến đây cấp cứu. Những xe này đều có còi hụ nhưng không ghi tên một bệnh viện nào, dù xe nào cũng in 1-2 số điện thoại di động.

Khi liên hệ, bác tài của những xe cấp cứu này cho biết luôn sẵn sàng chuyển bệnh nhân đi cấp cứu bất cứ lúc nào. Còn chuyện trên xe có y tá hay không do người thuê xe quyết định. Nếu muốn có y tá thì đóng thêm 200.000-300.000 đồng. Một tài xế còn tiết lộ khi nhận được yêu cầu có y tá từ phía người thuê xe, họ sẽ bố trí người ăn mặc thật giống y tá để người nhà bệnh nhân yên tâm.

Xài con dấu giả

Phiếu thu mà tài xế xe cấp cứu đưa cho chị T.N. có đóng mộc Bệnh viện Điều dưỡng phục hồi chức năng Q.8 với người lập phiếu tên Trần Quốc Duy. Chị T.N. không khỏi thắc mắc sao xe cấp cứu của bệnh viện công lại cấp cứu thiếu chuyên nghiệp và thu tiền cao đến vậy. Khi chúng tôi gọi điện đến bệnh viện này để tìm nhân viên Trần Quốc Duy thì nhân viên trực tổng đài của bệnh viện cho biết ở tổ công xa chỉ có nhân viên Trần Quốc Huy. Liên lạc với ông Trần Quốc Huy thì ông cho biết Trần Quốc Duy là em trai của ông, người đã đưa ba chị T.N. đi cấp cứu.

Ngày 31-5, bà Huỳnh Thị Quế Hương, phó giám đốc bệnh viện trên, khẳng định bệnh viện không có xe dịch vụ chuyển bệnh nhân đi cấp cứu và bệnh viện của bà chưa từng sử dụng dấu mộc nào như vậy. Cuối cùng ông Huy thừa nhận đó là dấu giả và anh em ông làm vậy để người bệnh có “niềm tin” hơn vào xe cấp cứu của ông.

Còn tại sao người bệnh chỉ gọi đến Bệnh viện Nguyễn Trãi nhưng anh em ông Huy lại biết để “điều” xe cấp cứu thì ông bảo đó là nhờ bảo vệ tay trong của ông T. ở Bệnh viện Nguyễn Trãi cho biết. Ông Huy có hai chiếc ôtô cứu thương biển số 51E-01944, 57M-3665 và ký hợp đồng với Bệnh viện Mỹ Thiện ở Q.11 để vận chuyển bệnh nhân. Tuy nhiên, hai xe cấp cứu “lụi” này luôn có mặt ở Bệnh viện Điều dưỡng để vận chuyển bệnh nhân cấp cứu cho những người bệnh ở bên ngoài.

Trong khi đó, xe cấp cứu biển số 57L-9372 thuộc chủ xe tên Quang được Bệnh viện Đa khoa Củ Chi ký hợp đồng. Tại sao xe cấp cứu thiếu thốn thiết bị cấp cứu mà bệnh viện vẫn ký hợp đồng? Ông Nguyễn Minh Thành, giám đốc Bệnh viện Đa khoa Củ Chi, cho biết sẽ nhắc nhở chủ xe bổ sung những trang thiết bị cấp cứu và cho biết nếu cần thiết bệnh viện sẽ cắt hợp đồng với doanh nghiệp tư nhân này. Ông Thành cho rằng Bệnh viện Đa khoa Củ Chi chỉ hợp đồng với doanh nghiệp này để vận chuyển những bệnh nhân nhẹ của bệnh viện nhưng họ vẫn nhận chuyển người bệnh ở ngoài bệnh viện.

Nguy hiểm cho người bệnh

Ông Lê Minh Hải, trưởng phòng quản lý dịch vụ y tế Sở Y tế TP.HCM, cho biết đến nay Sở Y tế chưa cấp phép vận chuyển cấp cứu cho bất cứ cá nhân hay công ty nào. Còn TS.BS Đỗ Quốc Huy, tổng thư ký Hội Hồi sức cấp cứu TP.HCM – phó giám đốc Bệnh viện cấp cứu Trưng Vương TP.HCM, cho biết dịch vụ vận chuyển cấp cứu ngoại viện là một nhu cầu có thật và rất lớn của xã hội, nhưng đến nay luật pháp nước ta chưa quy định rõ doanh nghiệp hoặc cá nhân có được vận chuyển cấp cứu hay không.

Ngay cả Luật khám chữa bệnh mới đây cũng không đề cập vấn đề này. Theo TS Huy, dịch vụ này cần được Nhà nước xã hội hóa để đáp ứng nhu cầu của người dân, nhưng phải được quản lý chặt chẽ về mặt chất lượng chứ hiện nay loại hình này đang bị thả nổi.

Để có thể vận chuyển cấp cứu an toàn cho người bệnh, các xe cấp cứu phải đáp ứng đủ hai điều kiện: phương tiện vận chuyển cấp cứu chuyên dụng (có trang bị hệ thống đèn, còi cảnh báo ưu tiên), phải có nhân viên y tế đã được đào tạo và cấp chứng chỉ về cấp cứu với đầy đủ trang thiết bị và thuốc cấp cứu (máy thở, máy phá rung tim, bình oxy, dụng cụ cố định, thuốc…).

Hiện một số doanh nghiệp, cá nhân có xe cứu thương đã ký hợp đồng với các bệnh viện để vận chuyển bệnh nhân. Tuy nhiên, những xe này không được kiểm tra giám sát chất lượng thường xuyên do lực lượng thanh tra y tế quá mỏng nên gần như chưa để mắt đến loại hình dịch vụ này.

Hằng ngày có nhiều người bệnh bị tai nạn hoặc bệnh cấp tính nặng được đưa tới bệnh viện bằng các xe cứu thương “lụi” kiểu này nên không được sơ cứu, vận chuyển và điều trị đúng cách, gây khó khăn trong điều trị bệnh nhân sau này, thậm chí khiến bệnh nhân tử vong trước khi đến được bệnh viện.