VN đưa ra 3 đề nghị tại Hội nghị cấp cao về HIV/AIDS ở LHQ

Trong cuộc chiến chống HIV/AIDS, Việt Nam cơ bản đã kiềm chế sự gia tăng số người nhiễm HIV/AIDS ở mức 0,26% tổng dân số. Số người tử vong liên quan đến căn bệnh thế kỷ đã giảm từ hơn 6.000 người/năm xuống 2.500 người/năm trong hai năm qua

 VN đưa ra 3 đề nghị tại Hội nghị cấp cao về HIV/AIDS ở LHQ

Sáng 9-6 (giờ Việt Nam), Hội nghị cấp cao về HIV/AIDS lần thứ 65 do Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc chủ trì đã chính thức khai mạc tại New York.

Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon nhấn mạnh hội nghị lần này là lời hiệu triệu thế giới cùng tăng cường hành động và đoàn kết chặt chẽ hơn trong vấn đề ngăn chặn và kiểm soát HIV/AIDS. Đây sẽ là con đường duy nhất thúc đẩy sự tiếp cận phổ cập các biện pháp ngăn chặn, điều trị và chăm sóc bệnh nhân HIV/AIDS tới năm 2015.

Trong lời khai mạc, Chủ tịch Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc Joseph Deiss nhấn mạnh thế giới đã tiến đến cột mốc quan trọng trong cuộc chiến chống căn bệnh thế kỷ. Hơn 30 năm qua đã có hơn 60 triệu người nhiễm HIV/AIDS, trong đó ít nhất 25 triệu người tử vong. Ông Deiss cho rằng đây chính là thời điểm tái khẳng định các cam kết thế giới cùng hành động và đẩy mạnh cuộc chiến chống HIV/AIDS.

Ông Deiss cho rằng tất cả thành viên của Liên Hiệp Quốc cần thông qua tuyên bố mới nhằm đảm bảo thành công trong cuộc chiến chống HIV/AIDS. Ông cũng kêu gọi mọi hành động trong cuộc chiến cam go này cần dựa trên quan hệ hợp tác rộng rãi, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các chính phủ, giữa khu vực tư nhân và xã hội để ứng phó với đại dịch thế kỷ hiệu quả hơn.

Đề cập những kết quả đạt được trong phòng chống HIV/AIDS, giám đốc chấp hành chương trình chung của Liên Hiệp Quốc về HIV/AIDS (UNAIDS), ông Michel Sidibé cho biết 20 nước trên thế giới đã tiếp cận phổ cập các dịch vụ ngăn chặn lây truyền virut HIV/AIDS từ mẹ sang con. Tỉ lệ nhiễm HIV/AIDS mới trên toàn cầu đã giảm 25% trong mười năm qua, số người tử vong vì HIV/AIDS giảm 20% trong năm năm qua và 6,6 triệu người ở các nước thu nhập thấp và trung bình được tiếp cận các liệu pháp điều trị HIV/AIDS.

Song ông Michel Sidibé cảnh báo cộng đồng quốc tế không được tự thoả mãn với những thành tích đã đạt được bởi vẫn có 34 triệu người trên toàn thế giới đang phải sống chung với HIV/AIDS và khoảng 9 triệu người ở các nước nghèo đang cần được điều trị căn bệnh này, con số cao nhất trong ba thập niên qua.

Phát biểu tại hội nghị, Phó thủ tướng Trương Vĩnh Trọng, trưởng đoàn đại biểu Việt Nam, đã đưa ra ba đề nghị nhằm tăng cường hiệu quả cuộc chiến chống HIV/AIDS.

Một là, cộng đồng quốc tế vẫn phải luôn cảnh giác đối với vấn đề HIV/AIDS và đảm bảo các nguồn lực cần thiết cho các phản ứng quốc gia và quốc tế về HIV/AIDS. Căn bệnh thế kỷ này hiện là thách thức lớn nhất đối với các nước nghèo đang phát triển, cho nên cộng đồng quốc tế cần chú ý đặc biệt và hỗ trợ các nỗ lực chống HIV/AIDS của những nước này.

Hai là, thực hiện các biện pháp ngăn chặn toàn diện bao gồm giáo dục, truyền thông, nâng cao nhận thức nhất là trong tầng lớp thanh niên. Các biện pháp nhằm giảm thiểu tổn hại, tư vấn và cải thiện năng lực chẩn đoán bệnh cũng có tầm quan trọng thiết yếu đối với việc thực hiện mục tiêu không còn người lây nhiễm HIV/AIDS mới.

Ba là, những người nhiễm HIV/AIDS cần được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc y tế tốt hơn, đặc biệt là thuốc ART và Methadone. Cần tạo điều kiện để sản xuất thuốc ART và Methadone giá rẻ thông qua chuyển giao công nghệ và tài trợ cho các nước đang phát triển, đồng thời triển khai các biện pháp phát hiện sớm và điều trị liên tục cho những người nhiễm HIV/AIDS.

TTXVN cho biết Việt Nam được cộng đồng quốc tế thừa nhận rộng rãi là đã hoàn thành trước thời hạn nhiều mục tiêu phát triển thiên niên kỷ trong lĩnh vực xoá đói giảm nghèo, phổ cập giáo dục, thúc đẩy bình đẳng giới và cải thiện sức khoẻ bà mẹ và trẻ em.

Trong cuộc chiến chống HIV/AIDS, Việt Nam cơ bản đã kiềm chế sự gia tăng số người nhiễm HIV/AIDS ở mức 0,26% tổng dân số. Số người tử vong liên quan đến căn bệnh thế kỷ đã giảm từ hơn 6.000 người/năm xuống 2.500 người/năm trong hai năm qua.