24/01/2025

Cách dạy con

Nên tránh tình trạng dùng những từ ngữ khó nghe để dạy con, cũng như khi nóng giận dùng bất kỳ vật gì trong tầm tay để đánh con. Điều đó không dẫn đến kết quả tốt đẹp mà ngược lại sẽ khiến trẻ bị tổn thương cả thể xác lẫn tinh thần, đôi khi ảnh hưởng lâu dài về sau ở trẻ.

 Cách dạy con

Trẻ con, nhất là ở độ tuổi từ 7-9, lắm lúc khiến cho ba mẹ bực mình. Nhưng rầy la mãi đôi khi trở nên “bão hoà” vì trẻ chẳng thèm quan tâm đến những gì ba mẹ nói.

Trẻ con thì thường hay tinh nghịch, vô trật tự và cũng đôi khi ba mẹ chưa thực sự dạy con một cách khoa học. Vậy có bao giờ bạn tự hỏi đã dạy con đúng cách chưa?

La hét, đánh mắng không mang lại kết quả cao

Tuấn vốn là cậu bé tinh nghịch. Tuy mới 7 tuổi nhưng xem ra cậu không kém cỏi trong việc nghĩ ra nhiều trò quậy phá. Từ chỗ quậy phá trong nhà cho đến chuyện bày trò với lũ trẻ con trong xóm. Kết quả sau những lần nghịch ngợm ấy là cả thân mình và quần áo vấy bẩn.

Thế là trận “cuồng phong” của mẹ nổi lên. Sau một nhát roi bằng chổi lông gà, mẹ Tuấn tiếp tục la mắng con. Còn Tuấn đã quen với cảnh tượng này rồi nên cậu đứng trơ ra đó cho mẹ la mắng, không khóc, không chạy, cũng chẳng phản ứng.

Còn Toàn (8 tuổi) thì chỉ vì mải mê xem phim hoạt hình mà không chịu trông em, để em làm vỡ các lọ hoa, bị ba quất vào mông mấy roi. Ban đầu thằng bé khóc sướt mướt, nhưng về sau nó trở nên “lờn thuốc”, không còn biết sợ. Đánh nhẹ tay mãi Toàn không sợ, nặng tay hơn cũng chẳng ăn thua gì.

Có lần Toàn đùa giỡn với em quá trớn khiến nguyên chồng chén bị xô ngã xuống sàn nhà vỡ tan tành. Mẹ nóng giận, sẵn tiện lấy cây chổi quét nhà đánh vào chân khiến Toàn ngã quỵ. Vậy mà cu cậu vẫn không khóc, lặng lẽ đi nhặt từng mảnh sứ vỡ rồi cho vào sọt rác một cách ngoan ngoãn. Nhưng qua hôm sau, những trò chơi “nghịch như quỷ sứ” vẫn tiếp tục tái diễn. Thậm chí, khi đi sang nhà nội hoặc nhà ngoại chơi, Toàn vẫn “trổ tài” những trò phá phách của mình và còn khoe “thành tích” cho ông bà nghe.

Nên dạy con một cách khoa học

Trẻ nhỏ vốn hiếu động, tinh nghịch… vì thế ba mẹ không nên mệt mỏi với những trò phá phách của con. Bởi nếu trẻ thiếu những “triệu chứng” đó thì còn đáng lo hơn, biết đâu trẻ có thế mắc những chứng bệnh như tự kỷ, thiểu năng trí tuệ, trầm cảm… Chính vì vậy cha mẹ cần phải đưa ra những phương pháp tích cực để dạy dỗ con mình cho hợp tình hợp lý, uốn nắn trẻ vào những khuôn khổ lễ phép, ngoan ngoãn, tinh nghịch có chừng mực…

Làm được những điều này thật không đơn giản chút nào, nhưng nếu có quyết tâm chắc chắn sẽ được. Ba mẹ cần tham gia các khoá trao đổi kinh nghiệm nuôi dạy con ở các trung tâm, hay rút kinh nghiệm từ các bậc phụ huynh, từ sách báo, từ các diễn đàn làm cha mẹ…

Đặc biệt, gia đình nên kết hợp chặt chẽ với nhà trường (nếu trẻ ở độ tuổi đi học) để giáo dục con cái tốt hơn, vì nhà trường chính là môi trường tốt nhất để uốn trẻ thành một người chỉn chu về mọi mặt. Chưa kể khuynh hướng trẻ nhỏ thường sợ thầy cô ở trường hơn là bố mẹ ở nhà.

Nên tránh tình trạng dùng những từ ngữ khó nghe để dạy con, cũng như khi nóng giận dùng bất kỳ vật gì trong tầm tay để đánh con. Điều đó không dẫn đến kết quả tốt đẹp mà ngược lại sẽ khiến trẻ bị tổn thương cả thể xác lẫn tinh thần, đôi khi ảnh hưởng lâu dài về sau ở trẻ.