Ba Tráng – tỉ phú đất phèn

Biết nhìn xa trông rộng, khéo léo tính toán lại cần mẫn lao động nên chẳng mấy chốc ông Ba Tráng vượt qua khó khăn để trở thành tỷ phú

 Ba Tráng – tỉ phú đất phèn

Ngày đất nước thống nhất, Ba Tráng được gia đình cho 3ha đất ở vùng giáp biên giới Campuchia để khởi nghiệp. 35 năm sau, Ba Tráng có trong tay hơn 100ha đất cò bay thẳng cánh với rất nhiều máy móc hiện đại để làm ruộng…

Để có được ngày hôm nay, Ba Tráng – tên khai sinh là Trần Hùng Tráng – đã đổ mồ hôi sôi nước mắt vỡ từng tấc đất khai hoang vùng đất phèn Đồng Tháp Mười mấy chục năm qua. Có nhiều lúc trong tay Ba Tráng toàn giấy nợ chứ không phải là giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Khai hoang, vỡ… nợ

Đưa chúng tôi tham quan cánh đồng lúa xanh rì bạt ngàn ở xã Hưng Điền B, huyện Tân Hưng (Long An), Ba Tráng tâm sự: “Hơn 35 năm trước nơi này là cánh đồng hoang toàn cỏ năn, lác, muỗi, đỉa và rắn. Rất ít người sinh sống ở đây và đất đai nhiễm phèn không trồng cây gì được. Giờ nhớ lại tôi còn thấy sợ vì liều mạng dẫn vợ vào đây khai hoang”.

Chuyện là vào năm 1979, ngay sau chiến tranh biên giới Tây Nam kết thúc, Ba Tráng (lúc đó 24 tuổi) dù đã có 3 mẫu đất do cha mẹ để lại vẫn quyết định đưa vợ vào vùng Gò Chùa, Gò Pháo sát biên giới Campuchia để phát cỏ, đào kênh rửa phèn cải tạo đất hoang thành đất trồng lúa. “Lúc đó đâu có đường mà đi, vợ chồng tôi chỉ nhắm hướng đi đại. Khi chọn được nơi ưng ý thì dựng chòi che nắng, phát cỏ, đào kênh thôi”.

Vợ chồng Ba Tráng là một trong số ít người đầu tiên khai hoang Đồng Tháp Mười. Nhiều người biết chuyện cho rằng ông bị “hâm”. Bỏ ngoài tai mọi lời đàm tiếu, vợ chồng Ba Tráng vẫn kiên trì bám đất khai hoang, quyết tâm biến đất phèn thành vùng trồng lúa.

“Ba Tráng là một nông dân rất nổi tiếng ở vùng Đồng Tháp Mười. Ông là một nông dân có thái độ lao động cần mẫn ngay cả khi là tỉ phú. Đất nước đang cần nhiều nông dân như Ba Tráng”

Ông LÊ MINH ĐỨC 
(giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Long An)

Bà Ba Tráng góp chuyện: “Tính ổng là vậy đó, đã quyết định thì có trời mới cản được nên tôi phải đi theo ổng vô đây. Bỏ ổng đi một mình ở nhà tui không an tâm. Đi thì đi chứ nói thiệt là không nghĩ thành công lắm. Vả lại ở đây bom mìn thời chiến tranh còn sót lại rất nhiều. Nhắc tới còn nổi da gà”.

Vài năm sau, vợ chồng Ba Tráng đã khai khẩn thành công được 15ha đất. Đào kênh dẫn nước vào, nước phèn đỏ quạch từ ruộng chảy xuống, rút đi. Gieo sạ thử thì thấy lúa sống được nên vợ chồng ông tiếp tục mở rộng diện tích khai hoang.

Ba Tráng nhớ như in thời điểm năm 1986, vì đó là lần đầu tiên ông nghĩ ra nước cờ táo bạo của cuộc đời: làm ăn lớn như điền chủ. Ông mượn đất của một số người ở gần, cộng với đất của vợ chồng được 40ha. Cày trâu không xuể, ông đi hỏi mượn máy cày của một nông trường về làm đất trồng lúa. Thế nhưng khi 40ha lúa mới được chừng một tháng tuổi thì lũ sớm ập về.

Ba Tráng trắng tay. “Buồn thì buồn nhưng tôi rút ra được bài học đầu tiên khi trồng lúa trong vùng Đồng Tháp Mười này là phải canh lũ để né. Tính cho chính xác thời điểm lũ về để sạ lúa, làm sao phải thu hoạch xong hết thì lũ về rửa phèn cho đất” – Ba Tráng nói.

Tới vụ thứ hai, thứ ba, thứ tư Ba Tráng lại liên tục thất bại vì chuột rủ nhau về cắn sạch lúa trên đồng. Ba Tráng nhớ lại: “Năm 1988-1989 rất khủng khiếp với vợ chồng tôi. Lũ rồi chuột đã cướp đi tất cả tài sản và để lại cho vợ chồng tôi món nợ 21 chỉ vàng. Lúc đó tôi đã nghĩ đến chuyện rời bỏ Đồng Tháp Mười tìm nơi nào khác dễ làm ăn hơn để sống, nhưng nếu bỏ chạy thì hèn quá, người đời sẽ cười vào mặt mình nhiều hơn. Thế là ở lại nhưng trốn miết trong nhà, cũng là trốn nợ”.

Làm thuê kiểu Ba Tráng

Nhưng trốn nợ cũng chỉ trốn được vài ngày chứ có trốn được cả đời đâu. Nghĩ vậy nên vợ chồng lại động viên nhau nghĩ cách làm ăn trả nợ chứ không thể giựt nợ được. Hết vốn làm ăn, ông bảo vợ: “Tôi sẽ đi làm thuê”.

Bà Ba Tráng giật mình khi nghe ông nói điều này vì từ ngày lấy ông, bà chỉ nghe ông mơ ước làm chủ chứ chưa bao giờ nghe nói đi làm thuê. Nhưng đến nước này, hai vợ chồng phải chấp nhận làm thuê. Ba Tráng nói với vợ một cách bí hiểm: “Tôi đi làm thuê nhưng không giống người ta đâu, không đi cuốc đất, nhổ cỏ đâu mà bà lo. Làm thuê mà gần như làm chủ vậy đó”.

Một sáng, người ta thấy Ba Tráng ngồi trên chiếc máy cày mới cáu cạnh chạy về đậu chình ình trong sân nhà. Mọi người lại được dịp xỉa xói: “Nợ ngập đầu mà còn chơi ngông!”. Ba Tráng bảo rằng ông có người bạn thân bán máy cày. Biết ông đang khốn khó, người bạn đã ra tay giúp đỡ bằng cách bán thiếu để ông có phương tiện làm ăn kiếm tiền trả dần.

Có máy cày, Ba Tráng đi từng nhà thuyết phục người dân thuê mình cày ruộng. Mấy ngày sau, người ta thấy Ba Tráng đội nắng lái máy cày ngang dọc trên các cánh đồng cặp biên giới. Nhiều người thấy hiệu quả nên đặt hàng. Việc nhiều đến độ ông phải làm thâu đêm suốt sáng để kịp mùa vụ.

Công việc cày mướn của Ba Tráng phất lên đúng như những gì ông đã nghĩ trước khi quyết định mua thiếu chiếc máy cày. Lúc này phong trào khai hoang Đồng Tháp Mười sôi nổi hẳn vì người ta thấy rằng vùng đất phèn này có thể cải tạo được để trồng lúa.

Ba Tráng nhìn thấy được cơ hội làm ăn mới và đấu thầu làm hệ thống thuỷ lợi dẫn nước ngọt rửa phèn. Tới bây giờ, một số hệ thống thuỷ lợi ở vùng này vẫn do ông điều hành và phát huy tác dụng rất tốt. Thời gian đó cá trên đồng ruộng rất nhiều. Ông nhanh tay tham gia đấu thầu khai thác nguồn lợi cá tôm và thắng lớn.

Biết nhìn xa trông rộng, khéo léo tính toán lại cần mẫn lao động nên chẳng mấy chốc Ba Tráng vượt qua khó khăn. Chỉ hai năm sau ông đã trả hết nợ và có chút vốn liếng làm ăn. Sau vài mùa lũ, phèn trong đất giảm hẳn và có thêm phù sa bồi đắp nên lúa rất tốt. Nhiều vụ lúa liên tiếp Ba Tráng trúng mùa, lúa chất đầy nhà.

Mong nông dân ai cũng giàu

Những năm đầu thập niên 1990, đất đai ở vùng giáp biên giới vẫn còn hoang hoá khá nhiều. Có không ít người đến đây khai hoang nhưng không thành công. Ba Tráng đã bám trụ ở đây 15 năm rồi nên hiểu tiềm năng của đất. Mặc cho mọi người bỏ chạy, vợ chồng ông vẫn quyết bám trụ và ôm ấp giấc mơ làm chủ cánh đồng hoang rộng lớn này. Nỗ lực và thành quả lao động miệt mài của ông được đền đáp bằng diện tích đất trồng lúa lên tới 100ha trên vùng đất nổi tiếng hoang hoá này.

Trò chuyện với chúng tôi bên tách trà bốc khói khi hoàng hôn buông xuống, Ba Tráng nhẩm tính: mỗi vụ cần tới 40 tấn lúa giống và khoảng 1 tỉ đồng tiền phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, công chăm sóc… Để tận dụng hết giá trị đất đai mang lại, Ba Tráng còn trồng chuối, nuôi hàng ngàn con vịt, thậm chí đi cày thuê, thu hoạch lúa thuê bằng máy gặt đập liên hợp. Hỏi lợi nhuận, Ba Tráng cười tươi: “Bỏ ra 1 tỉ đồng thì đương nhiên phải thu lại nhiều hơn rồi phải không”.

Ba Tráng bảo ông luôn dạy các con mình phải biết yêu quý từng tấc đất mà cha mẹ đã đổ mồ hôi cải tạo để có ngày hôm nay. Cả ba người con trai của ông đều quyết định bám trụ lại vùng biên này cùng ông trồng lúa, trồng cây ăn trái, chăn nuôi với mong muốn trong tương lai trở thành tỉ phú như cha mình.

Dù đã trở thành tỉ phú, nhà cao cửa rộng nhưng Ba Tráng vẫn chưa thoả mãn. Ông muốn biến cánh đồng của mình thành nông trại sản xuất toàn bằng máy. Ông mua nhiều loại máy nông nghiệp có bán trên thị trường như máy cày, máy bơm nước, máy gặt đập liên hợp, máy sấy lúa. Để phun thuốc trừ sâu, ông nghiên cứu chế ra một cái máy riêng có hai cần phun với hệ thống lỗ phun dài 12m. Toàn bộ thân máy được hai bánh xe mỏng nâng qua khỏi ngọn lúa. Với chiếc máy độc đáo này, Ba Tráng có thể phun thuốc cho cả cánh đồng 100ha của mình trong một thời gian ngắn.

Nhiều người thấy vậy tới hỏi xin “công nghệ”, Ba Tráng vui vẻ hướng dẫn tận tình để họ có thể tự làm được. “Tôi muốn nhìn thấy nhiều người nông dân ở đây mau giàu lên để mua đất hình thành những nông trại lớn” – Ba Tráng ước mơ.

 

Ông chủ tỉ phú Ba Tráng cho vịt ăn, phụ với người làm thuê – Ảnh: Mễ Thuận

Tỉ phú và người chăn vịt

Hôm chúng tôi tìm đến nông trang Ba Tráng thì gặp lúc ông đang xách cà mèn cơm, cá kho đi bộ băng đồng đến chòi chăn vịt của cha con ông Hai. Đến khi hai cha con vào chòi ăn cơm, ông Ba Tráng thay phiên coi đàn vịt mấy ngàn con thì chúng tôi mới biết ông đem cơm cho hai cha con người chăn vịt. Ông Hai tâm sự: “Hai cha con tui làm thuê cho chú Ba Tráng nhưng ổng coi tui như người nhà, không có khoảng cách chủ tớ gì hết. Ổng thường đem cơm nước cho cha con tui ăn, lo lắng thuốc men cho tui khi bị bệnh. Ổng dù giàu có nhưng cái tình với dân nghèo vẫn tràn đầy”.