Tai nạn, trách nhiệm pháp lý và ý thức

Hãy làm mọi cách có thể để phòng ngừa tai nạn, và làm mọi điều có thể để giảm thiểu thiệt hại về vật chất và tinh thần cho các nạn nhân, trước khi tranh cãi hay phân xử về trách nhiệm hay lỗi thuộc về ai

 

Tai nạn, trách nhiệm pháp lý và ý thức

Một em bé đi học về gặp trời mưa, chạm vào cột điện bị điện giật chết. Một người đàn ông đi đường, bỗng dưng cáp điện thoại đứt, quấn vào xe làm ông té và tử vong. Có những người đàn ông, đàn bà, em bé, một hôm đi ra đường, hoàn toàn vô tư và vô tội, bỗng dưng không trở về nhà nữa mặc cho cha mẹ chờ, vợ đợi, con mong. Vì … tai nạn!

Hai chữ tai nạn dễ gợi lên suy nghĩ: đó là những “tai bay vạ gió”, là do xui xẻo và… không ai chịu trách nhiệm. Qua kinh nghiệm của nhiều nước, quy định rõ và xử lý nghiêm trách nhiệm là biện pháp đầu tiên để giảm thiểu tai nạn. Không ít lần khi xảy ra tai nạn, những người có liên quan cứ loay hoay trong việc kết luận “ai chịu trách nhiệm”. Vì sao như vậy?

Luật pháp bất cập

Phát huy ý thức công dân

Cũng còn một giải pháp phòng ngừa và khắc phục tai nạn rất hữu hiệu: đó là khuyến khích và tạo điều kiện phát huy ý thức công dân trong phòng tránh và khắc phục tai nạn cho mình và cho xã hội. Hàng triệu công dân là một lực lượng đông đảo, giàu sáng kiến, có mặt ở khắp mọi nơi, mọi lĩnh vực, nên dễ dàng và kịp thời phát hiện nguy cơ tai nạn, đề xuất giải pháp, tố cáo thủ phạm và góp phần khắc phục hậu quả của các loại tai nạn trong cuộc sống. Do đó, thật ngạc nhiên khi có người đề xuất cung cấp số điện thoại “đường dây nóng” để dân thông báo các sự cố đứt cáp điện hay viễn thông, thì có ý kiến của một quan chức trả lời: hết số!?

Nguyên nhân đầu tiên phải tìm trong hệ thống luật pháp. Có luật mà cứ loay hoay không biết ai chịu trách nhiệm mỗi khi xảy ra thiệt hại thì rõ ràng đang có sự bất cập của lập pháp, hành pháp hay tư pháp, hoặc cả ba. Ví dụ: khi làm luật, cơ quan lập pháp không cụ thể hoá được, bèn giao cho hành pháp; hành pháp, bằng các nghị định và thông tư, cũng không thể làm cho việc phân định trách nhiệm được cụ thể, rõ ràng, khiến cơ quan tư pháp lúng túng và việc điều tra, xét xử vì thế bị chậm trễ, thiếu chính xác, có vụ việc bế tắc nhiều năm.

Việc phân xử trách nhiệm không kịp thời, không tương xứng làm giảm thiểu tác dụng trừng trị, răn đe và giáo dục của pháp luật, làm những kẻ vi phạm bị “lờn thuốc”, thậm chí coi thường pháp luật. Những kẻ “vi phạm tiềm năng” thấy thế nên không việc gì phải cố gắng ngăn ngừa, chuyện xảy ra hẵng hay.

Tất nhiên, có một loại tai nạn mà không ai phải chịu trách nhiệm bởi các nguyên nhân “bất khả kháng” như thiên tai hay những rủi ro “không thể tiên lượng hay kiểm soát”. Nhưng thậm chí cũng có cách để giảm thiểu những tai nạn này.

Ngoài nguồn ngân sách Nhà nước, nhiều nước có hệ thống bảo hiểm mạnh với những quy định chặt chẽ, khôn ngoan, đứng ra khắc phục hậu quả kịp thời, nhưng cũng kiên quyết từ khước bồi hoàn, thậm chí truy cứu trách nhiệm những kẻ coi thường hay tắc trách đối với nguy cơ và hậu quả của tai nạn.

Pháp luật Việt Nam đã có một quy định khá tiến bộ trong việc đối phó với những tai nạn khó xác định trách nhiệm. Điều 623 của Bộ luật dân sự quy định: khi thiệt hại xảy ra do “nguồn nguy hiểm cao độ” gây ra thì chủ sở hữu của “nguồn nguy hiểm cao độ” phải bồi thường, cả khi không có lỗi, trừ phi thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại hay do nguyên nhân bất khả kháng, hoặc tình thế cấp thiết.

Rất tiếc là lẽ ra phải quy định những tiêu chí khách quan và cụ thể để xác định và vận dụng điều 623 vào những “nguồn nguy hiểm cao độ” phát sinh ngày càng nhiều trong xã hội, thì bộ luật lại chọn phương pháp liệt kê một vài nguồn, làm điều luật này trở nên lạc hậu so với nhu cầu và sự phát triển của cuộc sống.

Lương tâm và đạo đức vẫn quan trọng nhất

Trong sự cố tại Nhà máy điện hạt nhân Fukushima vừa qua, ông giám đốc Công ty Điện lực TEPCO đã cúi đầu xin lỗi nhân dân Nhật và bồi thường cho các nạn nhân, không đợi đến khi có kết luận chính thức của một cơ quan phán xử. Mặc dù ai cũng thấy rõ nguyên nhân đầu tiên của sự cố là thiên tai, nhưng người lãnh đạo TEPCO đã nhận trách nhiệm vì “đã đánh giá thấp tác động của sóng thần và động đất”.

Cách hành xử ấy ở một đất nước kinh tế thị trường phát triển gợi cho chúng ta rất nhiều suy nghĩ. Bởi cuối cùng, lương tâm và đạo đức của những người phụ trách các cơ sở hay lĩnh vực có thể phát sinh tai nạn vẫn là điều quan trọng nhất. Hãy làm mọi cách có thể để phòng ngừa tai nạn, và làm mọi điều có thể để giảm thiểu thiệt hại về vật chất và tinh thần cho các nạn nhân, trước khi tranh cãi hay phân xử về trách nhiệm hay lỗi thuộc về ai.

LS TRƯƠNG TRỌNG NGHĨA (Đại biểu HĐND TP.HCM)