Chính phủ, Thủ tướng nghiêm túc nhận trách nhiệm

Trong phiên làm việc chiều 21-3 của Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đọc báo cáo về nhiệm kỳ 2007-2011 của Chính phủ. Theo báo cáo, Chính phủ đã có sáu tiến bộ, kết quả lớn và cũng còn sáu hạn chế, yếu kém. Quy mô và tiềm lực nền kinh tế tăng lên Về thành tựu, Chính phủ và chính quyền các cấp đã tạo điều kiện, khuyến khích phát triển mạnh kinh tế dân doanh, đã đơn giản hóa thủ tục thành lập doanh nghiệp và tạo cơ sở pháp lý đảm bảo bình đẳng trong tiếp cận các nguồn lực.

Chính phủ, Thủ tướng nghiêm túc nhận trách nhiệm

 

Trong phiên làm việc chiều 21-3 của Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đọc báo cáo về nhiệm kỳ 2007-2011 của Chính phủ. Theo báo cáo, Chính phủ đã có sáu tiến bộ, kết quả lớn và cũng còn sáu hạn chế, yếu kém.

Quy mô và tiềm lực nền kinh tế tăng lên

Về thành tựu, Chính phủ và chính quyền các cấp đã tạo điều kiện, khuyến khích phát triển mạnh kinh tế dân doanh, đã đơn giản hóa thủ tục thành lập doanh nghiệp và tạo cơ sở pháp lý đảm bảo bình đẳng trong tiếp cận các nguồn lực.

Về quá trình đổi mới, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, báo cáo khẳng định đã cổ phần hóa và chuyển toàn bộ 1.200 doanh nghiệp nhà nước còn lại sang hoạt động theo Luật doanh nghiệp.

Chính phủ cũng đã quy định rõ hơn về hoạt động giám sát, kiểm tra, thanh tra và việc công khai kết quả hoạt động kinh doanh, thực hiện kiểm toán bắt buộc với doanh nghiệp nhà nước.

Một trong những tiến bộ, kết quả lớn được Chính phủ đưa ra trong nhiệm kỳ vừa qua là đã tập trung chỉ đạo ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, duy trì tăng trưởng và nâng cao hiệu quả của nền kinh tế.

Đặc biệt, theo báo cáo, dù bị tác động nặng nề của khủng hoảng tài chính và suy thoái toàn cầu nhưng trong giai đoạn 2006-2010, tăng trưởng của VN trung bình vẫn đạt khoảng 7%. GDP bình quân đầu người năm 2010 đạt 1.168 USD – vượt mục tiêu đề ra. Quy mô và tiềm lực nền kinh tế tăng lên…

Kết quả phát triển kinh tế – xã hội trong nhiệm kỳ, Chính phủ đánh giá thu nhập của dân cư đã tăng khoảng 35% so với năm 2006 (đã loại trừ yếu tố tăng giá).

Điều hành kinh tế vĩ mô còn yếu kém

Về những hạn chế, yếu kém, báo cáo tổng kết nhiệm kỳ của Chính phủ đã thẳng thắn nêu việc xây dựng pháp luật, thể chế còn bất cập, hiệu quả quản lý điều hành chưa cao, kinh tế phát triển chưa bền vững, một số vấn đề bức xúc giải quyết chậm, vệ sinh an toàn thực phẩm chưa được đảm bảo tốt, quản lý giá thuốc bất cập, xóa đói giảm nghèo chưa vững chắc. Lãnh đạo chỉ đạo cải cách hành chính, đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí chưa đạt yêu cầu, chưa khắc phục được nguyên nhân làm phát sinh tham nhũng, lãng phí, nhất là bất cập trong thể chế quản lý kinh tế, chính sách tiền lương. Trật tự an toàn xã hội cũng chuyển biến chậm…

Chính phủ cũng công nhận chưa có biện pháp thật kiên quyết và có hiệu quả để chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính.

Theo báo cáo của Chính phủ, từ năm 2006 – 2010 tỉ lệ hộ nghèo đã giảm từ 18,1% xuống còn 9,45%; đã có hơn 2 triệu sinh viên, học sinh học nghề được vay vốn ưu đãi với tổng số tiền hơn 26.000 tỉ; khoảng 900 bệnh viện đã và đang được đầu tư, nâng cấp theo các đề án của Chính phủ; chi ngân sách cho an sinh xã hội từ 39.000 tỉ năm 2006 đã tăng lên 77.000 tỉ năm 2010, tăng 98,8%.

Cũng tại phiên họp chiều qua, Chủ tịch nước, chánh án Tòa án nhân dân tối cao, viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đọc báo cáo tổng kết nhiệm kỳ.

Cụ thể, mặc dù có nêu trong phần thành tựu nhưng theo báo cáo của Chính phủ, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước còn chậm, chất lượng giám sát, kiểm tra, thanh tra của Nhà nước với tập đoàn, tổng công ty nhà nước chưa đạt yêu cầu, hiệu quả của doanh nghiệp nhà nước còn thấp.

Đáng lưu ý, Chính phủ thừa nhận việc quản lý điều hành kinh tế vĩ mô chưa thật hiệu quả, còn những hạn chế, yếu kém. Còn lúng túng trong bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Nhập siêu, bội chi ngân sách, lạm phát còn cao. Giải quyết mối quan hệ giữa ổn định kinh tế vĩ mô và tăng trưởng có lúc chưa thật phù hợp. Năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp, phát triển chưa bền vững.

Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chính phủ, Thủ tướng nghiêm túc nhận trách nhiệm về những hạn chế, đồng thời nêu ra bốn bài học kinh nghiệm và bốn kiến nghị với Quốc hội.

Trong bốn kiến nghị, đáng lưu ý, Thủ tướng đề nghị Quốc hội sớm nghiên cứu sửa Hiến pháp nhằm đảm bảo quyền dân chủ của dân, tăng pháp chế, kỷ cương, để từ đó sửa Luật tổ chức Chính phủ, đảm bảo cho Chính phủ thực hiện tốt vai trò là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất.

Chính phủ cũng đề nghị tiếp tục thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường và thí điểm để nhân dân bầu trực tiếp chủ tịch UBND xã để dân được phát huy quyền dân chủ trực tiếp…

CẦM VĂN KÌNH