Quyền được trợ giúp
Câu chuyện một người đàn ông tóc bạc lê cái chân duy nhất qua mấy chục bậc cầu thang nộp đơn cho toà gieo vào lòng người một dấu lặng. Có thể ông phải gõ một cánh cửa khác để yêu cầu bảo vệ quyền được chia di sản thừa kế của ông. Nhưng ngay tại TAND quận 4 (TP.HCM) hôm ấy, một quyền đặc thù dành cho người khuyết tật là quyền được trợ giúp ông đã không được hưởng.
Quyền được trợ giúp
Câu chuyện một người đàn ông tóc bạc lê cái chân duy nhất qua mấy chục bậc cầu thang nộp đơn cho toà gieo vào lòng người một dấu lặng. Có thể ông phải gõ một cánh cửa khác để yêu cầu bảo vệ quyền được chia di sản thừa kế của ông. Nhưng ngay tại TAND quận 4 (TP.HCM) hôm ấy, một quyền đặc thù dành cho người khuyết tật là quyền được trợ giúp ông đã không được hưởng.
“Quyền được trợ giúp” ở đây không có nghĩa “an ủi” hay một ân huệ mà là quyền chính đáng của người khuyết tật. Công ước về quyền của người khuyết tật được Ðại hội đồng Liên Hiệp Quốc thông qua tại kỳ họp thứ 61 ngày 6-12-2006 xác định ngoài các quyền cơ bản bình đẳng như những công dân khác, người khuyết tật còn được hưởng những quyền đặc thù như được tạo điều kiện hỗ trợ trong việc tiếp cận các công trình công cộng, phương tiện giao thông công cộng, công nghệ thông tin, văn hoá, giải trí…
Và như một quy ước quốc tế bất thành văn, phím chữ F và phím chữ J trên bàn phím máy tính hay phím số 5 trên máy điện thoại di động đều phải có một dấu chấm nổi. Ðó là dấu hiệu trợ giúp người khiếm thị khi sử dụng máy tính, điện thoại.
Ngay ở Việt Nam, những quyền đặc thù của người khuyết tật từ lâu cũng đã được luật hoá trong pháp lệnh về người tàn tật năm 1998, gần đây nhất là trong Luật người khuyết tật vừa được Quốc hội thông qua và sẽ có hiệu lực từ ngày 1-1-2011.
Tổng kết việc thực hiện pháp lệnh người tàn tật, Bộ Lao động – thương binh và xã hội ghi nhận trong những năm qua các bộ ngành đã có cố gắng đảm bảo điều kiện tiếp cận công trình công cộng đối với người khuyết tật thông qua việc ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng, cải tạo, sửa chữa các công trình công cộng chưa phù hợp với người khuyết tật. Tuy nhiên, bộ cũng thừa nhận số lượng công trình công cộng đảm bảo điều kiện tiếp cận cho người khuyết tật còn rất ít, nhất là đối với các công trình giao thông, cơ quan hành chính nhà nước, bệnh viện, trường học…
Trước khi bấm nút thông qua Luật người khuyết tật, vấn đề khiến các đại biểu Quốc hội băn khoăn nhiều nhất là những vướng vấp trên con đường hội nhập cộng đồng của người khuyết tật. Chẳng hạn trong vấn đề giao thông, nhiều địa phương đã có hẳn quy định miễn phí tiền vé xe buýt cho người khuyết tật nhưng đó đây vẫn còn cảnh người khuyết tật bị phân biệt đối xử, thậm chí từ chối phục vụ.
Còn nhớ tháng 12-2009, khi Quốc hội đang thảo luận về dự luật này thì một tài xế xe buýt tại Hà Nội đã từ chối hai người khách đi xe lăn vì lý do “đây không phải xe tải” khiến đại biểu Nguyễn Ðình Liêu (Ninh Thuận) bức xúc đưa ra như một ví dụ điển hình. Chưa kể những câu chuyện người khuyết tật bị trường học từ chối nhận hồ sơ, bị máy bay từ chối chuyên chở, bị xe buýt bỏ rơi… vẫn lác đác xuất hiện trên báo chí.
Dẫu biết rằng không thể đòi hỏi các cơ quan hành chính, cơ sở công cộng ngay tức khắc phải có đủ các tiện ích dành riêng cho người khuyết tật, nhưng không vì thế mà phía cung cấp dịch vụ được phép lẩn tránh nghĩa vụ trợ giúp người khuyết tật. Nghịch cảnh thường tạo cho người khuyết tật ý chí “tự thân vận động” rất lớn để họ tự cảm thấy mình không phải là gánh nặng cho gia đình và xã hội. Những lúc họ không thể tự xoay xở thì chỉ cần một bàn tay chìa ra kịp thời cũng đủ giúp họ có thêm niềm tin, sức mạnh.
NGUYỄN TRIỀU
Nguồn: Báo Tuổi Trẻ, ngày 14/12/2010