Hai miền Triều Tiên đấu pháo

Một cuộc đụng độ nghiêm trọng đã bất ngờ xảy ra trên bán đảo Triều Tiên hôm 23-11. Hãng tin Yonhap dẫn nguồn tin từ quân đội Hàn Quốc cho biết lúc 14g34 chiều qua, phía CHDCND Triều Tiên đã bắn hàng trăm quả đạn pháo về phía vùng biển tranh chấp Hoàng Hải. Ít nhất 200 quả đạn pháo đã rơi xuống đảo Yeonpyeong của Hàn Quốc, nơi chỉ cách lãnh hải CHDCND Triều Tiên khoảng 12 km.

Hai miền Triều Tiên đấu pháo

 

Một cuộc đụng độ nghiêm trọng đã bất ngờ xảy ra trên bán đảo Triều Tiên hôm 23-11. Hãng tin Yonhap dẫn nguồn tin từ quân đội Hàn Quốc cho biết lúc 14g34 chiều qua, phía CHDCND Triều Tiên đã bắn hàng trăm quả đạn pháo về phía vùng biển tranh chấp Hoàng Hải. Ít nhất 200 quả đạn pháo đã rơi xuống đảo Yeonpyeong của Hàn Quốc, nơi chỉ cách lãnh hải CHDCND Triều Tiên khoảng 12 km.

Đài truyền hình Hàn Quốc YTN dẫn lời các nhân chứng khẳng định 60-70 ngôi nhà trên đảo đã bốc cháy, khói bốc lên mù mịt. Quân đội Hàn Quốc cho biết hai lính thuỷ đánh bộ thuộc lực lượng đóng trên đảo Yeonpyeong đã thiệt mạng, 17 lính thuỷ đánh bộ và bốn thường dân bị thương, trong đó có ba lính thuỷ đang trong tình trạng nguy kịch.

Quân đội Hàn Quốc đã bắn trả ít nhất 80 quả đạn pháo về phía lãnh thổ CHDCND Triều Tiên. Cuộc đấu pháo kéo dài khoảng một giờ. Đây là một trong những vụ đụng độ nghiêm trọng nhất giữa hai miền Triều Tiên kể từ cuộc chiến tranh 1950-1953.

Báo Korea Times tiết lộ Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung Bak đã triệu tập khẩn cấp các bộ trưởng cùng các cố vấn an ninh quốc gia tại phòng chiến tranh nằm trong một boongke ngầm dưới lòng đất Seoul. Người phát ngôn chính phủ cho biết ông Lee yêu cầu các quan chức giải quyết tình hình một cách hợp lý để đảm bảo vụ đụng độ không leo thang thành một cuộc chiến tranh.

Tuy nhiên, ông nhấn mạnh Seoul “sẽ phản ứng mạnh mẽ đối với hành vi gây hấn của Bình Nhưỡng”. Quân đội Hàn Quốc được đặt trong tình trạng báo động cấp độ A, mức báo động cao nhất trong thời bình, để chuẩn bị đối phó với nguy cơ đụng độ. Các máy bay chiến đấu đã được điều động đến đảo Yeonpyeong, còn 1.600 cư dân trên đảo đã được lệnh di tản đến các hầm tránh bom.

“Nhà cửa và rừng núi đang bốc cháy, mọi người đã được di tản – đài YTN dẫn lời một nhân chứng trên đảo mô tả – Mọi người vô cùng sợ hãi”. Chỉ còn một số quan chức chính quyền hiện bám trụ trên đảo để theo dõi tình hình. Toàn bộ khu đảo đã rơi vào tình trạng mất điện hoàn toàn. Lửa do đạn pháo gây ra đã bắt đầu cháy lan đến một vài khu đồi trên đảo.

AFP dẫn lời một người phát ngôn chính quyền Hàn Quốc cho biết vụ đọ súng diễn ra sau khi Bình Nhưỡng phát thông điệp phản đối cuộc tập trận của hải quân, không quân và bộ binh Hàn Quốc gần khu vực biên giới giữa hai miền. Giáo sư chính trị Kim Yong Hyun thuộc ĐH Dongguk (Hàn Quốc) nhận định CHDCND Triều Tiên muốn gây sức ép buộc Hàn Quốc và Mỹ quay trở lại bàn đàm phán. “Bình Nhưỡng đưa ra thông điệp cho Mỹ và cộng đồng quốc tế là bán đảo Triều Tiên cần một hiệp định hoà bình”. Giáo sư quan hệ quốc tế Zhu Feng thuộc ĐH Bắc Kinh (Trung Quốc), như Reuters cho biết, cũng đưa ra nhận định tương tự.

Trung Quốc đã lên tiếng bày tỏ “mối bận tâm” của mình đối với tình hình. “Chúng tôi mong các bên sẽ hành động nhằm góp phần vào hoà bình và ổn định trên bán đảo Triều Tiên” – một người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố. Nga cũng cảnh báo về một “sự leo thang” của tình hình, như Interfax dẫn các tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga.

Còn Nhật Bản, như Kyodo News cho biết, Thủ tướng Naoto Kan đã yêu cầu các bộ trưởng “chuẩn bị cho bất cứ tình huống bất ngờ nào”. Mỹ khẳng định sẽ bảo vệ Hàn Quốc. Nguồn tin ngoại giao Pháp cho biết Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc sẽ nhóm họp trong một hai ngày tới.

Vụ đụng độ giữa hai miền Triều Tiên diễn ra khi đặc phái viên của Mỹ về vấn đề Triều Tiên Stephen Bosworth vừa rời Tokyo đi Bắc Kinh để thảo luận về hồ sơ Triều Tiên một vài ngày sau khi Bình Nhưỡng tiết lộ về một cơ sở làm giàu uranium của nước mình.

Trong khi đó, theo Hãng tin Bloomberg, vụ đụng độ đã khiến giá đồng won sụt giảm 4%, thị trường chứng khoán Hàn Quốc cũng chấn động mạnh.

Vùng biển phía tây bán đảo Triều Tiên là một điểm nóng quân sự giữa hai miền và thường xảy ra các vụ đụng độ như vào tháng 11-2009 làm một sĩ quan CHDCND Triều Tiên thiệt mạng và ba người bị thương. Hai vụ đụng độ khác diễn ra gần đảo Yeonpyeong. Tháng 6-2002, một tàu chiến Hàn Quốc chìm sau một cuộc đọ súng, sáu thuỷ thủ thiệt mạng. Năm 1999, Seoul tuyên bố một số thuỷ thủ Hàn Quốc bị thương và 30 thuỷ thủ CHDCND Triều Tiên thiệt mạng.

 

 

HIẾU TRUNG

Nguồn: Tuổi Trẻ Online, ngày 24/11/2010