Anh yêu em

Nửa đêm nọ sau cơn vượt cạn, người vợ quay sang chồng nói “em đói quá”! Một chốc lát, người chồng bưng lên bát cơm nóng trên đôi tay cụt ngủn, người vợ bất ngờ hỏi chồng làm cách nào nấu được. Người chồng chỉ cười bảo: “Anh yêu em”.

Anh yêu em

Nửa đêm nọ sau cơn vượt cạn, người vợ quay sang chồng nói “em đói quá”! Một chốc lát, người chồng bưng lên bát cơm nóng trên đôi tay cụt ngủn, người vợ bất ngờ hỏi chồng làm cách nào nấu được. Người chồng chỉ cười bảo: “Anh yêu em”.

Chuyện rằng hơn 30 năm trước ở vùng quê nghèo Trung Chánh, xã Lộc Điền, huyện Phú Lộc, Thừa Thiên – Huế có một chàng trai bị tai nạn mìn nổ phải cắt bỏ hai chân, một cánh tay và một bàn tay. Ngày ngày dùng miệng vẽ tranh, viết chữ để tự nuôi thân. Tiếng lành đồn xa, một hôm có cô giáo Ngô Thị Phát đến nhờ anh vẽ tranh minh hoạ trong tiết dạy học. Và tình yêu chắp cánh từ đó.

Yêu nhau qua tranh vẽ

Ông – hoạ sĩ Nguyễn Mậu Tấn, sinh năm 1955 – còn nhớ như in hôm bị tai nạn mìn nổ trong khi cuốc đất. Lúc tỉnh dậy tại Bệnh viện Trung ương Huế, ông Tấn đã khóc ròng khi biết chân, tay của mình bị cắt bỏ, thân người bịt kín băng vải. Nỗi ám ảnh tàn tật sẽ là gánh nặng của gia đình khiến chàng trai 20 tuổi nghĩ quẩn, nhiều lần tìm đến cái chết.

“Bốn cô con gái là minh chứng tình yêu và là tài sản quý giá nhất của hai vợ chồng”

ông Nguyễn Mậu Tấn

“Tui nhớ nhất lần xuất viện về nhà. Không còn chân tay nên bố và người em trai phải bỏ tui lên võng gánh đưa lên xe. Lên xe, tui định ngồi bên cửa kính để lao ra khi xe đang chạy, tìm lấy cái chết nhanh nhất. Nhưng nghĩ bố gánh mình, mai này bố mất mình đâu có gánh được, vậy thì mình đừng làm cho bố khổ thêm nữa. Chữ hiếu mách bảo tui phải sống!” – ông Tấn kể về ý định tự tử lần thứ ba và lý do ông sống tiếp.

“Không còn tay, chân làm việc nhưng cái miệng lại cứ phải ăn. Miệng ăn được thì phải làm được. Nhưng làm gì khi mình là kẻ tàn phế?”. Đang kể chuyện, ông Tấn dùng phần tay còn lại kết hợp với miệng đưa cho chúng tôi xem những bức tranh, những bức chữ thư pháp do chính ông viết và bảo: “Tôi đã vẽ tranh, viết chữ để bán”.

Ban đầu, ông buộc bút vào một cây đũa, rồi buộc vào cùi tay để nối dài cánh tay, rồi ngậm bút chì tập viết thành thạo 24 chữ cái… Viết được chữ, ông xin viết các bản tin cho đài phát thanh địa phương. Mỗi bản tin được quy ra thóc. Thế là có gạo để ăn. Ông Tấn còn tham gia viết kịch bản về người khuyết tật. Công việc cũng giúp ông có thêm thu nhập. Còn vẽ tranh? “Tui loay hoay tự tập vẽ. Hàng xóm biết, đến nhờ vẽ, tiền công được trả bằng những mớ khoai, củ sắn. Rồi ai thuê gì mình vẽ nấy. Khách đến thuê vẽ ngày một đông”, ông Tấn nhớ lại.

Bà Phát ngồi nghe ông kể chuyện, thỉnh thoảng lấy khăn lau mồ hôi cho chồng, lên tiếng: ngày trước cũng vì mê tranh ông mà bà đem lòng yêu. Yêu, song không dám nói, chỉ biết một ngày không gặp là bà nhớ da diết, tìm đủ cách đến thăm ông. Rồi bà chủ động tỏ tình. Lúc đầu ông Tấn một mực từ chối, nhưng sau đó trong một bức thư ông thổ lộ: Anh cũng yêu em từ lâu lắm nhưng sợ mình không xứng… Họ đến với nhau trong sự ngăn cản của nhiều người. Đó là năm 1986.

Còn cuộc đời ta cứ vui

Cuộc sống vất vả hơn khi những đứa con ra đời. Hai vợ chồng chuyển nơi ở từ thôn Trung Chánh về thôn Ngư Nghiệp. Ông Tấn nhận thêm việc dạy học tại nhà cho những người không biết chữ, tối đến lại chong đèn vẽ tranh. Miệng ngậm bút và phải cúi sát nên mắt ông kém dần, sức khoẻ như vơi đi. Nhưng tình cảm vợ chồng giữa ông bà lại càng đầy theo thời gian.

Điều làm vợ chồng ông Tấn vui nhất là bốn cô con gái đều chăm ngoan, học giỏi. Con gái lớn Nguyễn Thị Bích đang học năm cuối đại học, là niềm tự hào của gia đình ông. “Nhà ông bà Tấn sống hạnh phúc lắm! Ở làng này khối nhà mong được như nhà ông ấy” – bà hàng xóm Nguyễn Thị Gái sang góp chuyện.

“Bằng mọi giá tui phải lo cho bốn đứa con ăn học đến nơi đến chốn” – ông Tấn tâm sự, tay che vội cơn ho. Năm 2007, sau những cơn đau dữ dội, ông Tấn đi khám và phát hiện bị ung thư phổi. Căn bệnh khiến ông luôn đau đớn, công việc vẽ tranh vì thế cũng ít dần. Nhưng ông vẫn lạc quan: “Tui chưa chết được vì còn phải sống với vợ con”. Rồi ông ngân nga câu hát trong bài Để gió cuốn đi của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn “Còn cuộc đời ta cứ vui”…