San “gánh”

Ngoài đường có biết bao thú vui không chỉ đàn ông say sưa mà phụ nữ cũng biết thưởng thức. Thế nhưng hết giờ làm việc, các chị lại tất tả quay về với vai trò “nội tướng”. Gánh nặng trên vai tước đi của họ bao niềm vui mà đôi khi chính họ không hề biết.

San “gánh”

Ngoài đường có biết bao thú vui không chỉ đàn ông say sưa mà phụ nữ cũng biết thưởng thức. Thế nhưng hết giờ làm việc, các chị lại tất tả quay về với vai trò “nội tướng”. Gánh nặng trên vai tước đi của họ bao niềm vui mà đôi khi chính họ không hề biết.

Không phải ai cũng hiểu    

Không phải tự dưng người ta gọi việc nhà là “việc không tên”, với người phụ nữ thu vén, hầu như khi ở nhà, lúc nào họ cũng luôn tay luôn chân. Chị Diệu Hoa kể: Khi còn nhỏ, cha tôi thường sai con gái đi chợ cho quen việc nội trợ. Vào mâm cơm, má tôi hay giành phần gặm đầu cá, nhằn xương cá, tôi thắc mắc: “Ngoại nói hồi nhỏ má ít ăn cá vì sợ hóc xương?”, má cười tỉnh bơ: “Từ lúc lấy chồng má mới biết là ăn xương cá ngon gì đâu, nên để phần cá nạc cho các con”.

Trưởng thành từ nếp nhà như vậy, khi kết hôn, chị Diệu Hoa khắc cốt ghi tâm: chồng con là số một; chồng con vui thì mình sẽ vui. Là giám đốc tiếp thị, chị túi bụi với công việc chung, việc nhà, lại còn học thêm nâng cao trình độ. Tuy có osin, nhưng chị Hoa luôn tự mình đi chợ và nấu ăn tối cho cả nhà. Khi chồng theo học chương trình thạc sĩ hai năm, chị luôn đợi anh về ăn cơm tối, dù lúc ấy đã 9g30-10g đêm. Khi con vào học mẫu giáo, chị tất bật đến mức bỏ ăn sáng một thời gian dài, lúc sức khoẻ sa sút mới níu áo chồng: “Nhờ anh đưa con đến trường trong một tháng để em kịp ăn sáng”. Khi vợ chồng đủ tiền xây nhà riêng, chính chị Diệu Hoa đốc thúc, giám sát công nhân chứ chẳng phải chồng…

Dù tự tin với cách tổ chức cuộc sống và công việc là đặt ra mục tiêu cao nhất có thể để hoàn thành trước thời hạn, nhưng chị Diệu Hoa không tránh khỏi những lúc “đầu bù, tóc rối” vì luôn dốc sức chu toàn cho hai “mặt trận” nghề nghiệp và gia đình. Trong khi đó, đức ông chồng cứ áo quần bảnh bao, ngời ngời sức sống, sự nghiệp thăng tiến vù vù. Và rồi, một ngày… không đẹp trời, sắp sinh con thứ hai, chị Diệu Hoa tê dại cả người vì phát hiện chồng ngoại tình. Niềm tự hào về gia đình hạnh phúc của mình bấy lâu khiến chị chết lặng mà không dám than vãn nửa lời dù là với mẹ ruột.

Không sống hồi hộp với chuyện cơm phở của chồng như chị Diệu Hoa, nhưng chị Thuỳ Mai vẫn có lúc vui không nổi bởi chính sự chu đáo của mình cũng như sự chỉn chu của chồng. Chị Thuỳ Mai lập gia đình gần 30 năm, hai con đều trưởng thành và có việc làm ổn định. Chồng chị là người “trên cả tuyệt vời”, không biết hút thuốc, nhậu nhẹt, cờ bạc, tiền tiêu vặt tuỳ vợ đưa bao nhiêu cũng xong. Ngay như chuyện nấu nướng, chồng chị Mai cũng thuộc hạng cự phách, bao năm qua, món măng hầm dịp Tết đều do anh phụ trách. Ngược lại, hồi mới cưới, chị Mai hầu như “gà mờ” về khoản bếp núc vì thuở còn con gái, mẹ mất sớm, chị lại được bảo bọc trong một gia đình khá giả toàn anh, em trai nên việc nhà khoán cho người giúp việc là chính. Cưới xong, chị Mai lăn xả vào học làm việc nhà, học từ mẹ chồng, chồng, bạn bè, đồng nghiệp và học từ hàng quán bên ngoài nữa – ai nấu món gì ngon, chị đều ghi chép cẩn thận và thực hành. Biết chồng ưa sự ngăn nắp, sạch sẽ đến mức anh tự tay lau dọn đến sáng choang xe cộ và gian bếp, chị Mai cũng làm… y chang.

Mỗi chiều, ra khỏi cơ quan là chị vào siêu thị đi chợ; về tới nhà, không kịp thay quần áo, chị chụp giẻ lau, dọn dẹp từ trong ra ngoài, từ trên xuống dưới; rồi nấu ăn, bón cơm cho mẹ chồng hơn 80 tuổi; chị còn lo trọn gói luôn những khoản linh tinh (“thu dọn chiến trường” do hai chú chó cưng tiểu, đại tiện)… Làm nội trợ có bao việc không tên, chị Mai chẳng đếm, chỉ cắm cúi “hạ gục nhanh, tiêu diệt gọn” mà không biết các con vẫn len lén bảo nhau: “Muốn hỏi han mẹ việc gì, hãy đợi đến tối mờ tối mịt, lúc mẹ đã chịu cười thay vì nhăn nhó, quýnh quáng với việc nhà”. Mẹ chồng chị Mai gặp ai cũng khoe “tôi may mắn có con dâu thảo hiền”. Vậy mà, không hiếm những lần trong bữa ăn, chị Mai cười… như mếu khi nghe chồng con hồn nhiên bình phẩm món ăn chị chế biến chưa ngon như mong đợi, dù sinh nhật thành viên nào trong gia đình, cả nhà cũng đều đợi chị nấu một bữa linh đình. Ngay như sinh nhật mình, chị Mai cũng tự lên thực đơn, đi chợ, nấu nướng dù ngấm ngầm… ước gì: “Mình được ăn sinh nhật ngoài tiệm cho khoẻ. Mình đủ giàu để chén, dĩa ăn xong là vứt luôn, khỏi rửa cho khỏi mệt”. Những ấm ức nhen nhóm trong lòng chưa đủ sức huỷ diệt gia đình “bình ổn” của chị Mai, nhưng cũng giống những đám mây đen thỉnh thoảng che khuất nụ cười (lẽ ra) viên mãn của chị.

Trong một lần “nịnh” vợ, lực sĩ vô địch châu Á Lý Đức bộc bạch: “Từ tháng 6/2007 tới nay, chúng tôi kinh doanh phòng tập thể hình, vợ tôi quán xuyến việc kinh doanh từ 8g-22g cho tôi vừa huấn luyện vừa học đại học, nên tôi tự giác lau nhà hàng ngày. Lực sĩ như tôi khi tập luyện “đá” tạ một cái nặng 30kg, “gánh” tạ một lần 200kg, vậy mà lau nhà là tay mỏi nhừ, nên tôi mới biết phụ nữ làm nội trợ không phải việc nhẹ nhàng”. Lực sĩ mà còn ê ẩm cả người khi tập làm việc nhà, huống chi các bà nội trợ luôn niệm câu thần chú “đảm đang trên từng cây số”!

Để biết thương mình

Trong nửa năm vợ chồng ly thân, chị Diệu Hoa đem các con về nhà ngoại và bắt đầu ca thán với bạn bè. Thật bất ngờ, chính các bạn chê ngược chị là: “Thích ôm đồm việc nhà đến nỗi lem luốc và nhàu nhĩ, bạn bè nhìn còn ái ngại huống chi là chồng”. Bị bạn bè phê “thẳng đứng” như vậy, thoạt tiên chị Hoa giận lắm, sau mới thấy… cũng đúng! Sao mình phải nhịn ăn sáng và một mình đưa con đi học? Sao mình không chịu “tòn teng” trang sức các kiểu để khỏi xác xơ thế này? Sao mấy năm nay mình không hề đọc hoặc mua một quyển sách văn học nào? Hàng trăm câu hỏi “tại sao” của chị Diệu Hoa gần như có cùng đáp án: Vì mình chưa biết thương thân! Thế là, chị “điểm phấn, tô son lại”, tự vá víu vết thương lòng cho mình trước tiên bằng cách nhớ lại niềm vui, kỷ niệm ấm êm của vợ chồng rồi chủ động hàn gắn với chồng.

Nhiều người biết chị  Minh Hương trong vai trò người dẫn chương trình, là đại biểu HĐND TP.HCM, giám đốc một công ty truyền thông; nhưng rất ít người biết chị cũng là người nội trợ đảm đang, giỏi nấu ăn. Chị Minh Hương chia sẻ: “Người phụ nữ bận rộn nên tập cho các thành viên trong nhà cùng biết chia sẻ việc nhà, đừng ôm hết việc vào mình thì rất mệt mỏi. Khi người mẹ mệt mỏi, sinh ra cáu gắt, cả nhà cũng căng thẳng theo thì chẳng ai vui cả”.

Nữ hoàng bơi bướm Nguyễn Kiều Oanh, nay là HLV đội tuyển TP.HCM, lập gia đình với HLV của mình, tiến sĩ Đỗ Trọng Thịnh từ năm 1997. Ra riêng, nhưng chị Kiều Oanh vẫn “dựa hơi” cha mẹ ruột chuyện cơm nước hàng ngày, đưa đón hai con trai đi học. Gần hai năm nay, cha của chị Oanh qua đời, mấy anh em xúm vào lo cho mẹ đi du lịch để nguôi ngoai nỗi buồn, chị Oanh thực sự nếm trải những vất vả của việc nội trợ. “Tuần đầu tiên phải thức dậy từ hơn 5 giờ sáng chuẩn bị mọi thứ cho con đến trường, rồi còn lo hai bữa cơm mỗi ngày, tôi muốn chóng mặt vì còn đi làm, đi học thêm từ sáng đến tối. Sau đó, bình tâm lại, tôi nhờ các con thỏ thẻ là muốn anh ấy đưa đi học; cuối tuần tôi gợi ý vợ chồng cùng đi siêu thị, nấu món ngon anh ấy thích; khi tôi xếp quần áo lại rủ anh ấy ủi đồ; lúc tôi vào bếp thì “anh ơi, anh à”, hai con trai (7, và 12 tuổi) thấy bố mẹ ở cạnh nhau liền xúm xít theo. Nhờ vậy, cả nhà cùng làm và cùng vui” – Chị Kiều Oanh kể. Điều may mắn là anh Thịnh luôn chiều chuộng bà xã nhỏ hơn mình 14 tuổi, chị Oanh cũng tự điểu chỉnh là kiên nhẫn “dỗ ngọt” chồng để được san sẻ việc nhà chứ không cau có, gắt gỏng, bất cần…

Trong quyển sách best-seller của New York Times năm 2009 “Dự án về hạnh phúc – The happiness project”, nữ tác giả Gretchen Rubin viết: “Một trong những cách tốt nhất để bản thân hạnh phúc là đem đến niềm vui cho người khác, và một trong những cách tốt nhất để người khác hạnh phúc là chính mình được hạnh phúc. Mọi người thường chấp nhận vế đầu, nhưng vế sau mới thực sự quan trọng. Bằng cách tạo ra hiệu quả  từ việc làm cho bản thân hạnh phúc hơn, bạn có thêm phương tiện tốt hơn để làm cho người khác hạnh phúc, và đừng nghĩ đây là sự ích kỷ để mình cố gắng hạnh phúc hơn”. Thay vì quần quật mang vác công việc nội trợ một mình, khiến mình có lúc quá tải và quá oải, sao bạn không thử san sẻ “gánh” đảm đang cho chồng, con… vinh danh cùng mình!