Ăn ngon cũng khổ!

Ngày xưa, lúc xã hội chưa có internet, điện thoại di động… nhiều người khổ vì không có gì ăn. Một thời xa hơn, còn có cảnh “Râu tôm, ruột bầu, chồng chan, vợ húp…”, gia đình vẫn vui như Tết. Còn bây giờ, nhiều nhà dư ăn, ăn ngon… mà gia chủ vẫn khổ.

Không nói ra thì…

Ăn ngon cũng khổ!

Ngày xưa, lúc xã hội chưa có internet, điện thoại di động… nhiều người khổ vì không có gì ăn. Một thời xa hơn, còn có cảnh “Râu tôm, ruột bầu, chồng chan, vợ húp…”, gia đình vẫn vui như Tết. Còn bây giờ, nhiều nhà dư ăn, ăn ngon… mà gia chủ vẫn khổ.

Cái khổ này được nhiều bà nội trợ chia sẻ khi gặp nhau ở chợ.

Bà Đỗ Thị Hiền Hoà, nhân viên kế toán, đi chợ vào lúc 5 giờ sáng với bộ mặt héo queo. Không phải bà ngủ không đủ giấc, mà vì đi tới đi lui cũng không biết mua thịt gà hay thịt vịt.

Bà chia sẻ với chị bán hàng trái cây: “Ông xã tui hay than thịt bây giờ ớn quá, không biết ăn nhiều có mắc bệnh không. Thế nhưng, hôm nào, nhìn vào mâm cơm thấy cá kho, rau luộc, ổng lại chép miệng “Trời! Không có gì ăn hết…”, rồi ổng nhai trệu trạo, trợn mắt nuốt cơm thấy phát gớm. Đi làm về, tôi vất vả cả buổi mới có mâm cơm. Nhìn kiểu ổng ăn, mình nuốt hỏng vô…”.

Chị hàng trái cây cắt ngang: “Thôi! Tôi cũng khổ thua gì! Tôi thích ăn rau, còn chồng con thì lắc đầu. Nhiều bữa, thấy rau ngon, mua mang về nhà nấu nồi canh chua, chỉ mình tui ăn. Đã vậy, ông chồng thì ăn cá chiên giòn, ông con trai thì ăn cá kho tộ, con gái thì phải là chả cá. Còn thịt, thì chồng chuộng thịt luộc có dính tí mỡ, con trai chỉ thích thịt kho tiêu, con gái thì sườn non nướng.

Tôi đâu tiếc tiền mua thịt cá, mà chế biến ra người thì khen, người thì… hổng ăn được. Nhiều khi tôi phải chống chế. “Mẹ có phải nhà hàng đâu!”, “Mẹ cũng chỉ có hai cái tay”... Thì chồng con lại bảo “Nói vậy thôi, chứ có gì ăn nấy!”. Nhưng nhìn họ ăn, tôi phát… no, có cảm giác như mình là người không tinh tế, không thấu hiểu các nhu cầu của mọi thành viên. Nhưng biết làm sao, có hiểu cũng không đủ sức mà đáp ứng nhu cầu”.

Đấy, các bà nội trợ bây giờ sau khi tan sở, chạy ra chợ để chọn mua thức ăn, đầu óc còn căng thẳng hơn lúc họp cơ quan. Về đến nhà, lao vào bếp không kịp thay đồ, nhưng nhiều khi mâm cơm đầy đủ dinh dưỡng: rau, đạm, các loại vitamine… lại không đủ người. Tâm trạng của bà nội trợ trở nên héo hắt.

Bà Phan Thị Hồng Trân, một nhân viên bán hàng lưu niệm tâm sự: “Có bữa, đi chợ tôi mua được cá ngừ còn tươi xanh, mừng lắm, mang về kho với thơm, thêm dĩa tôm rang, tô canh khổ qua dồn thịt… Vậy mà mâm cơm tươm tất cứ nguội dần đi vì chồng con chẳng thấy ai về đúng giờ ăn. Đến 9 giờ, con gái về, quơ đại một tô lẫn lộn canh, tôm, cá… rồi chạy lên lầu vừa ăn vừa xem phim. Ông chồng về trễ hơn, xoa bụng cười cười “Có bạn ở xa đến, rủ đi ăn rồi”. Còn mình tôi, ăn gì nổi, dẹp luôn!

Nấu cơm ra, chế biến thức ăn, mà chồng con biết thưởng thức mới vui chứ, cần gì tiếng cảm ơn. Chồng con không hiểu vậy, thì thôi đành chịu. Vậy mà có bữa, về nhà tôi thấy mệt, dọn trong tủ lạnh còn gì ăn nấy thì chồng con lại kéo về, vào bàn ăn mặt mày ỉu xìu “Hổng có gì ăn vậy Trời…”, y như tôi là người không biết lo cho gia đình”.

Nghe hỏi đến chuyện ăn, không ít bà nội trợ rầu rĩ chuyện giá tăng mỗi ngày, phập phồng sợ rau tưới nhớt, trái cây có thuốc trừ sâu, thịt cá ướp những thứ có hại cho sức khoẻ. Nội trợ thời nay đâu có dễ dàng gì, nghiên cứu lắm mới dám mua thức ăn… Vậy mà ra được mâm cơm, chồng con nào có biết gian nan của bà vợ, bà mẹ.

Bà Trần Kim Loan, cán bộ ngành dự báo thời tiết, cho biết: “Nhà tôi có 4 người, vợ chồng và 2 đứa con. Những lúc hiếm hoi cả nhà cùng vào bữa ăn thì tôi mệt còn hơn lúc nấu. Con gái vừa ăn vừa nghe điện thoại, luôn quơ tay ra hiệu cho mẹ lấy thêm cái gì đó. Ông chồng thì lùa cơm thiệt lẹ để coi đá bóng. Đứa con trai nhỏ lười ăn, ngồi nhơi cả buổi mới hết chén cơm…”.

Một bữa cơm, mà mọi người vừa thưởng thức ẩm thực vừa trò chuyện với nhau, chỉ có trong giấc mơ của bà nội trợ đảm đang tội nghiệp này.

Nỗi khổ này các bà nội trợ chỉ nói với người ngoài để được chia sẻ, chứ nói ra với chồng con thì lại mang tiếng nhỏ nhen, lo có bữa cơm mà kể công mình, kể tội người. Mà không nói ra thì nặng bụng ăn không ngon, ngủ không đã, mệt mỏi sinh ra bệnh cằn nhằn, chồng con lại không hiểu nguyên nhân, trách “vợ nói nhiều”, “mẹ khó chịu”…