Môi trường cũng là chuyện văn hoá–=–Vấn đề cuối cùng được các bạn trẻ chốt lại: trong khi chờ đợi những biện pháp cứng rắn từ chính quyền, hơn ai hết, người trẻ cần tiên phong trong việc bỏ rác đúng nơi quy định. Bạ đâu vứt đó, gây mất mỹ quan đô thị là hình ảnh của người trẻ “xấu xí”.

Bức xúc về một bộ phận người trẻ đang sống theo kiểu “tệ hơn mức có thể tưởng tượng”, nhiều bạn trẻ mong muốn có một diễn đàn để đi sâu hơn về vấn đề này. Vì thế, Báo Phụ Nữ đã tổ chức một cuộc nói chuyện bàn tròn quanh vấn đề: Người trẻ và ý thức bảo vệ môi trường.

Môi trường cũng là chuyện văn hoá

 Báo Phụ Nữ, ngày 15/10/2010 

Bức xúc về một bộ phận người trẻ đang sống theo kiểu “tệ hơn mức có thể tưởng tượng”, nhiều bạn trẻ mong muốn có một diễn đàn để đi sâu hơn về vấn đề này. Vì thế, Báo Phụ Nữ đã tổ chức một cuộc nói chuyện bàn tròn quanh vấn đề: Người trẻ và ý thức bảo vệ môi trường.

Chiều 13/10, năm người trẻ, gồm Nguyễn Xuân Quỳnh Như (chủ nhiệm Bộ môn Chất thải rắn, Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM), Văn Thị Thanh Tuyền (nhân viên Công ty TNHH Công nghệ môi trường Trần Nguyễn), Nguyễn Thành Huân (làm việc tự do), Lê Thị Nhung và Nguyễn Thị Mận (sinh viên năm 3, Khoa Xã hội học, Trường ĐH Văn Hiến TP.HCM) đã ngồi lại với nhau, sôi nổi bàn luận về hành vi “ngược đãi môi trường” của giới trẻ…

 

Thực tế buồn

Quỳnh Như mở đầu một cách bức xúc: “Tôi là giảng viên về môi trường, nên rất hay “để ý” và “nhiều chuyện” về vấn đề này. Buổi tối, nhiều đôi nam nữ ngồi tình tự bên bờ kênh Nhiêu Lộc, vô tư vứt rác xuống kênh. Hôm sau, lại có thuyền của công nhân vệ sinh đi vớt. Sao các bạn trẻ đó không nhận ra là việc vứt rác xuống kênh đã làm tổn hại môi trường, gây lãng phí tiền của để thuê người đi vớt? Mỗi sáng đi làm trên đường Cộng Hòa (Tân Bình), thấy các bạn trẻ vứt giấy gói xôi xuống đường, liệng túi nước vào gốc cây, tôi rất buồn. Theo tôi, có vẻ như với một số đông người trẻ, chuyện môi trường, chuyện văn minh đô thị là chuyện của ai chứ không phải của họ. Họ xả rác một cách tự nhiên. Tôi cũng từng nghĩ, có lẽ họ chưa có cơ hội để nhận thức về khái niệm bảo vệ môi trường. Thế nhưng, trong một lần đưa SV đi thực tế ở biển để học về môi trường sinh thái biển, tôi giật mình phát hiện SV ăn dưa hấu xong, lén vùi vỏ xuống cát!”. 

Thành Huân tiếp: “Sau bốn năm sống ở TP.HCM, tôi rút được cho mình một kinh nghiệm, nên tránh xa xe buýt, xe khách vì nếu đi gần, có thể bị “dội rác” lên đầu bất cứ lúc nào. Tôi từng bị mấy lần, hoảng hốt ngước lên thì thấy “thủ phạm” là những người trẻ, ăn mặc sành điệu, nhìn cũng có vẻ trí thức. Thú thật là tôi cũng từng xả rác ra đường, nhưng qua những lần “trải nghiệm” như thế, giờ nghĩ lại, thấy thẹn với mình”.

Nhung và Mận vừa bảo vệ đề tài Nhận thức của sinh viên về rác tại hội thảo khoa học sinh viên, diễn ra tại Trường ĐH Văn Hiến TP.HCM vào 12/10. Mận chia sẻ: “Sinh viên được xem là nhóm đối tượng trí thức trẻ, đáng kỳ vọng nhất trong việc bảo vệ môi trường nhưng lại khá tệ. Có đến 95% SV được hỏi đều cho rằng mình nhận thức tốt về việc xả rác và bảo vệ môi trường nhưng thực tế, nhiều SV vẫn vứt rác bừa bãi, thậm chí vứt rác bên… cạnh thùng rác”.

Thanh Tuyền chia sẻ: “Cái lạ là không hẳn người trẻ có học vấn cao thì có ý thức tốt về việc xả rác. Cũng có trường hợp giữ vệ sinh công cộng trước mắt mọi người, nhưng ở nơi vắng vẻ thì lén vứt rác bừa bãi”. 

Một số người quan niệm, chỉ những người nhà quê lên TP mới vứt rác bừa, chứ người thành thị thứ thiệt thì văn minh lắm, ai lại làm chuyện đó! Mận không đồng tình với quan điểm này: “Tôi cũng là người ở quê lên TP trọ học, sao vẫn ý thức về môi trường? Tôi cho rằng, quan trọng nhất là sự giáo dục của gia đình. Tuy ở quê nhưng mẹ tôi vẫn phân loại rác, thu gom rác và xử lý gọn gàng. Tôi học được cách của mẹ nên khi lên TP, luôn để ý xem thùng rác ở đâu mỗi khi đến chỗ lạ”.

Tất cả những người tham dự bàn tròn đều đồng tình, vấn đề môi trường cũng là vấn đề văn hoá và không hẳn người thành thị có văn hoá cao hơn người nông thôn. Một người thực sự có văn hoá sẽ biết nghĩ cho cộng đồng, nghĩ đến tương lai của nhân loại.

Cần học cách… biết xấu hổ!

“Người trẻ cần học cách… biết xấu hổ” là quan điểm của Như Quỳnh. Cô chia sẻ: “Cuộc sống hiện đại là những cái gì nhanh, đẹp, hào nhoáng, bắt mắt. Người trẻ chạy đua theo những giá trị đó nên chuyện vứt rác nơi công cộng, nghe có vẻ “không gần” với mối quan tâm của số đông người trẻ. Làm thế nào để mọi người cảm nhận được rằng, xả rác bậy là một hành vi thiếu văn hoá, rất đáng xấu hổ. Có như thế mới giải quyết tận gốc được vấn đề”.

Thực tế, có một số bạn trẻ tham gia dự án thu gom hộp sữa (loại bằng giấy, bên trong có lớp nhôm mỏng) để bán lại cho một công ty tái chế. Họ đến các trường học, cơ quan, nhờ mọi người bỏ hộp sữa vào thùng riêng. Lạ là ở những nơi có người lớn làm việc, rất khó thu được hộp sữa, nhưng ở những trường mầm non, các bé tuân thủ rất tốt, hễ có hộp sữa là bỏ vào thùng riêng. Điều đó cho thấy, giáo dục trẻ nhỏ dễ hơn rất nhiều so với người lớn. Người lớn đã có thói quen, khó thay đổi. Vì vậy, muốn người trẻ trong tương lai ứng xử với rác một cách có văn hoá, cần phải giáo dục vấn đề này cho các em nhỏ ngay từ bây giờ.

Các bạn trẻ cũng đồng thuận, hành vi xả rác thiếu văn hoá xảy ra phổ biến còn vì chưa có chế tài xử phạt rõ ràng. Một dạo, ở một con đường trung tâm của TP.HCM, hễ ai “tiểu đường” đều bị bắt phải bưng thau nước dội sạch. Sau đó, cung đường này không còn ai dám “bậy” nữa. Thanh Tuyền nói: “Cách xử phạt các bác xe ôm mắc bệnh “tiểu đường” như thế cũng hiệu quả nhưng chỉ là biện pháp tạm thời. Việc xử lý những người vi phạm văn minh đô thị, đặc biệt là xả rác bừa bãi cần có đội ngũ riêng phụ trách xử phạt. Vậy kiếm đâu ra người? Thực tế, nếu lấy tiền phạt để trả công cho người xử phạt vẫn “lời” chán, sao chúng ta không làm?”.

“Chạm” đến nỗi bức xúc chung của giới trẻ, bàn tròn đã kéo dài gần ba giờ đồng hồ với nhiều tranh luận sôi nổi. Vấn đề cuối cùng được các bạn trẻ chốt lại: trong khi chờ đợi những biện pháp cứng rắn từ chính quyền, hơn ai hết, người trẻ cần tiên phong trong việc bỏ rác đúng nơi quy định. Bạ đâu vứt đó, gây mất mỹ quan đô thị là hình ảnh của người trẻ “xấu xí”.

Trần Triều (thực hiện)