Bệnh thành tích không giảm

Câu chuyện các VĐV bắn nỏ của Quảng Nam tỏa ra đi thi đấu cho Bình Phước, Thanh Hóa nhằm giúp các địa phương này kiếm huy chương (Tuổi Trẻ 29-9) là chuyện thường ngày tại các kỳ đại hội TDTT chứ không riêng năm nay.

Bệnh thành tích không giảm

 

Báo Tuổi Trẻ, ngày Thứ Năm, 30/09/2010

Câu chuyện các VĐV bắn nỏ của Quảng Nam tỏa ra đi thi đấu cho Bình Phước, Thanh Hóa nhằm giúp các địa phương này kiếm huy chương (Tuổi Trẻ 29-9) là chuyện thường ngày tại các kỳ đại hội TDTT chứ không riêng năm nay.

Cựu tuyển thủ QG Vũ Mạnh Cường: “Các tay vợt Việt Nam đang rất thiếu động lực thi đấu” 13:17, 14/9/2010

Nói đâu xa, cách đây bốn tháng tại giải bóng bàn toàn quốc trong khuôn khổ đại hội TDTT toàn quốc, dư luận lao xao quanh chuyện tay vợt Vũ Mạnh Cường, Nguyễn Ngọc Tú từ phía Bắc vào thi đấu cho Vĩnh Long, Đoàn Kiến Quốc, Hồ Ngọc Thuận chơi cho Hà Nội…

Nhớ lại cách đây bốn năm, tại Đại hội TDTT toàn quốc lần 5, nhiều người ngỡ ngàng khi nghe tin đội bóng ném nữ Bình Định thắng TP.HCM. Ngỡ ngàng bởi bóng ném TP.HCM dù có sa sút thật nhưng cũng không thể tin nổi là thua Bình Định, một địa phương gần như không có phong trào bóng ném. Nhưng khi tìm hiểu mới biết đội bóng ném nữ Bình Định thực chất là đội hình hai của Hà Nội.


Mở màn việc tung quân đi thi đấu giúp các địa phương chính là lực lượng của thể thao Hà Nội, khi nơi này đã đầu tư rất mạnh đưa VĐV sang Trung Quốc đào tạo. Lực lượng này khi về nước lại quá thừa thãi cho Hà Nội khi tham gia đại hội. Những VĐV hàng đầu thì khoác áo Hà Nội, còn loại hai – vốn cũng là quá “xịn” so với nhiều nơi khác – được tung ra đi “cải thiện” đồng thời làm công tác đối ngoại! Có thể thấy rõ nhất là ở những môn wushu, pencak silat, karatedo, nhảy cầu…


Việc lách kẽ hở của điều lệ đại hội có lợi cho thể thao các địa phương lớn và có lợi cho những người hám thành tích ở những địa phương “không làm mà lại muốn ăn”! Tuy nhiên trên bình diện chung thể thao VN, chuyện này tác hại vô cùng. Thậm chí điều này làm phá sản ý nghĩa của đại hội, đó là “rà soát, đánh giá lại một chu kỳ đào tạo VĐV”. Bởi đánh giá thế nào đây khi có khá nhiều huy chương không phản ánh đúng thực chất?!

Xem ra bệnh hám thành tích có thể nói ngày càng nặng nề và không hề có dấu hiệu thuyên giảm: tham gia đại hội thì thuê mướn, vay mượn VĐV; bóng đá trẻ thì chăm chăm dạy cầu thủ nhí lối chơi phòng ngự – phản công để kiếm thành tích bằng mọi giá, đi ngược lại khoa học đào tạo thể thao…

Với đà này thể thao VN sẽ đi về đâu?

Nguồn: Huy Thọ – Tuổi Trẻ Online