Gắn kết hàng xáo và doanh nghiệp

LTS: Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đã triển khai thí điểm việc mua lúa trong dân qua mô hình liên kết giữa hàng xáo (thương lái mua lúa), cơ sở xay xát với doanh nghiệp (DN) xuất khẩu. Mô hình tuy đạt kết quả tích cực ban đầu nhưng vẫn còn không ít hạn chế…

Gắn kết hàng xáo và doanh nghiệp

 

Báo Tuổi Trẻ, ngày Thứ Ba, 21/09/2010

LTS: Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đã triển khai thí điểm việc mua lúa trong dân qua mô hình liên kết giữa hàng xáo (thương lái mua lúa), cơ sở xay xát với doanh nghiệp (DN) xuất khẩu. Mô hình tuy đạt kết quả tích cực ban đầu nhưng vẫn còn không ít hạn chế…

Trước đây DN xuất khẩu thường quan hệ với hàng xáo theo kiểu mua đứt bán đoạn. Thế nhưng, mô hình liên kết mới đã giúp các DN tập hợp được lực lượng hàng xáo và các DN xay xát thành lập mạng lưới vệ tinh chuyên mua lúa gạo của nông dân cung ứng cho mình theo hình thức hợp đồng.

Đảm bảo tiêu thụ lúa cho nông dân

Tại hội nghị sơ kết mô hình trên vừa tổ chức sáng 20-9 tại Long Xuyên (An Giang), đại diện VFA cho biết hai vụ lúa đông xuân và hè thu vừa qua đã có 15 DN xuất khẩu gạo ở các tỉnh có sản lượng lúa lớn trong khu vực ĐBSCL liên kết với 1.426 hàng xáo và 87 nhà máy xay xát tham gia triển khai mua lúa.

Qua thời gian triển khai, một số DN cho biết ưu điểm lớn nhất trong quá trình liên kết đã giúp họ kịp thời nắm bắt thông tin về tình hình mùa vụ, giống lúa, nắm vững thị trường… Ông Vương Cao Biên, phó giám đốc Công ty Lương thực thực phẩm An Giang, cho hay trong vụ vừa qua đơn vị mình đã liên kết với 38 DN xay xát và 437 hàng xáo mua được 37.500 tấn lúa gạo. Qua đó góp phần tạo sự ổn định trong tiêu thụ, giữ giá lúa ở mức cao cho nông dân, nhất là ở thời điểm thu hoạch rộ.

“Lực lượng hàng xáo có vai trò trung gian trong khâu kiểm phẩm, xử lý độ ẩm, xay xát, vận chuyển, bốc xếp, thanh toán. Họ đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiêu thụ lúa của nông dân, nhất là ở vùng sâu, ở những nơi bà con không thể tiếp cận các kho của DN”, ông Biên nói.

Về phía hàng xáo, ông Đoàn Hữu Gặp (Chợ Gạo, Tiền Giang) cho biết nhờ liên kết với Công ty Lương thực Tiền Giang mà ông được cung cấp thông tin kịp thời về thị trường, nhu cầu tiêu thụ các loại gạo nên có kế hoạch thu mua phù hợp, từ đó có mức lãi hợp lý. “Đặc biệt, giá mua được giữ ổn định và nông dân cũng không bị ép giá”, ông Gặp nhận định.

Theo VFA, mặc dù còn những hạn chế nhưng việc tổ chức mô hình liên kết giữa hàng xáo và DN là thiết thực trong bối cảnh, hiện trạng lưu thông phân phối lúa gạo tại ĐBSCL. Việc liên kết này đã thiết lập được mối quan hệ thị trường, gắn kết các thành phần tham gia trong chuỗi giá trị hạt lúa, đảm bảo được lợi ích hài hòa giữa người sản xuất và người kinh doanh.

“Có một thực tế là hiện DN chưa thể mua lúa trực tiếp cho nông dân và nông dân cũng không thể bán lúa trực tiếp cho DN. Do vậy, hàng xáo là bộ phận cầu nối trung gian đảm nhận khâu tiêu thụ, có vai trò đảm bảo vấn đề chia sẻ lợi ích hài hòa giữa DN và nông dân” – ông Nguyễn Thanh Bình, giám đốc Sở Công thương An Giang, cho hay.

Nhưng vẫn còn… trắc trở

Tuy nhiên, tại buổi họp sơ kết, nhiều ý kiến cho biết qua thời gian triển khai mô hình này cũng bộc lộ nhiều hạn chế. Theo một số DN, phần lớn người làm nghề hàng xáo sợ ràng buộc trách nhiệm khi ký hợp đồng nên hai bên chỉ ký thỏa thuận, thậm chí hợp đồng miệng. Do đó đã xảy ra trường hợp không thực hiện đúng cam kết những lúc biến động giá cả.

Ông Đồng Thu Ngoan (Rạch Giá, Kiên Giang), một hàng xáo liên kết với Công ty Xuất nhập khẩu lương thực Kiên Giang, cho rằng phần lớn nông dân bán lúa tại ruộng nên chi phí phát sinh rất cao. Mặt khác, do giống lúa và chất lượng lúa từng nơi khác nhau trong khi DN chỉ đưa ra mức giá chung là chưa hợp lý. Đây chính là một trong những yếu tố không khuyến khích hàng xáo liên kết với DN.

Bên cạnh đó, tập quán mua bán của hàng xáo là không đăng ký kinh doanh, không bị đánh thuế. Khi ký hợp đồng với DN sẽ phải nộp thuế VAT, thuế thu nhập DN. Quy định thanh toán trên 20 triệu đồng phải qua chuyển khoản cũng khiến nhiều hàng xáo không mặn mà tham gia mô hình. Ngoài ra lực lượng này còn hạn chế về vốn, khi DN đặt hàng số lượng lớn thì họ không có khả năng đáp ứng.

“Do chưa ký hợp đồng và ràng buộc nghĩa vụ chặt chẽ nên DN cũng khó ứng vốn trước” – ông Lê Minh Trượng, giám đốc Công ty lương thực Sông Hậu, chia sẻ.

Ông Trương Thanh Phong, chủ tịch VFA, thừa nhận do mới triển khai nên mô hình vẫn còn những hạn chế, do đó sắp tới VFA sẽ tìm cách khắc phục và tiếp tục triển khai chương trình này trên diện rộng.

“Hàng xáo là đầu mối thu mua, có vai trò làm cầu nối không thể thiếu trong khâu tiêu thụ giữa nông dân và DN. Do đó tới đây tất cả DN thành viên hiệp hội đều phải tổ chức liên kết chặt chẽ hơn với lực lượng này nhằm đảm bảo việc tiêu thụ lúa ổn định cho nông dân”, ông Phong kết luận.

ĐỨC VỊNH