Đức Kitô chịu chết

Bốn sách Phúc Âm kể về cái chết và sống lại của Đức Giêsu với nhiều chi tiết cần phải hiểu rõ. Một số sách Tân Ước, sử gia Tacitus của Rôma, sách Tamud của Do Thái… cũng nói về cái chết này. Đây là sự kiện chắc chắn: Đức Giêsu bị thái thú Rôma kết án đóng đinh trên thập tự vào ngày thứ Sáu, 7-4-30 (có một số ít tính là 3-4-33), ngày áp lễ Vượt Qua, ngày 14 tháng Nisan (x. Ga 19,31; Mc 16,42).Lý do bị kết án: Người ta đổ tội cho toà án Do Thái hoặc Rôma đã kết án Đức Giêsu một cách bất công. Nhưng thực sự, chính vì cuộc sống của Đức Giêsu: thái độ của Người đối với luật, ngày sabat, các tội nhân, hành động trừ quỷ, tha tội, xua đuổi người buôn bán ra khỏi đền thờ, một số lời dạy chống lại thái độ giả dối đã làm cho các vị thượng tế phái Pharisêu khó chịu. Người ta muốn tận diệt Giêsu, tận diệt phong trào yêu nước của một số người Do Thái.

ĐỨC GIÊSU KITÔ CHỊU CHẾT

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn

 

NHẬP ĐỀ

·         Lời tuyên xưng trong Kinh Tin Kính: “Vì chúng ta Người đã chịu đóng đinh vào thập giá thời quan Phongxiô Philatô…”: là đặc điểm của Kitô giáo so với các tôn giáo khác.

·         Cái chết của Đức Giêsu vừa là một sự kiện lịch sử vừa là một mầu nhiệm cần khám phá dưới ánh sáng đức tin.

·         Cái chết này gắn bó với cuộc sống lại như một biến cố duy nhất của một thực tại (1Cr 15; 1Ts 4,14; 1Pr 3,18). Đó là Thiên Chúa muốn diễn tả tình yêu cứu độ của Ngài.

 

  1. NHỮNG DỮ LIỆU LỊCH SỬ VỀ CÁI CHẾT CỦA ĐỨC GIÊSU KITÔ

1.1.            Bốn sách Phúc Âm kể về cái chết và sống lại của Đức Giêsu với nhiều chi tiết cần phải hiểu rõ. Một số sách Tân Ước, sử gia Tacitus của Rôma, sách Tamud của Do Thái… cũng nói về cái chết này.

1.2.            Đây là sự kiện chắc chắn: Đức Giêsu bị thái thú Rôma kết án đóng đinh trên thập tự vào ngày thứ Sáu, 7-4-30 (có một số ít tính là 3-4-33), ngày áp lễ Vượt Qua, ngày 14 tháng Nisan (x. Ga 19,31; Mc 16,42).

1.3.            Lý do bị kết án: Người ta đổ tội cho toà án Do Thái hoặc Rôma đã kết án Đức Giêsu một cách bất công. Nhưng thực sự, chính vì cuộc sống của Đức Giêsu: thái độ của Người đối với luật, ngày sabat, các tội nhân, hành động trừ quỷ, tha tội, xua đuổi người buôn bán ra khỏi đền thờ, một số lời dạy chống lại thái độ giả dối đã làm cho các vị thượng tế phái Pharisêu khó chịu. Người ta muốn tận diệt Giêsu, tận diệt phong trào yêu nước của một số người Do Thái.

 

  1. GIẢI THÍCH VỀ CÁI CHẾT CỦA ĐỨC GIÊSU

2.1.            Khởi đầu các môn đệ sửng sốt, không hiểu. Truyền thống Do Thái không nói đến Đấng Mêsia bị chính dân tộc chối từ và giết đi. Sau đó cộng đồng tín hữu mới tìm hiểu ý nghĩa sâu xa của thập giá và coi đó là nằm trong chương trình cứu độ (Cv 2,23; 4,28; Pl 2,8). Hơn nữa, cộng đồng Kitô hữu đang sống trong hoàn cảnh bị đàn áp nên tìm cách ứng dụng cuộc khổ nạn của Đức Giêsu vào đời mình.

2.2.            Cuộc khổ nạn – sống lại của Đức Giêsu xảy ra “đúng như lời Thánh Kinh”: dựa vào Kinh Thánh để khám phá ý nghĩa: Abel bị giết, Giuse bị bán làm nô lệ, Israel bị lưu đầy…, chiên lễ Vượt Qua bị sát tế.

2.3.            Đức Giêsu tự hiến dâng chính mình cho Thiên Chúa như của lễ đền tội cho chúng ta (x. 1Cr 11,24; Lc 22,19… Đây là Mình Thầy hiến tế vì anh em…). (x. 1Cr 15,3) Bốn bài ca Người tôi tớ Giavê (x. Is 40-53).

2.4.            Đức Giêsu chết để thiết lập giao ước mới với Thiên Chúa.

 

  1. KINH NGHIỆM CỦA ĐỨC GIÊSU VỀ SỰ CHẾT

Tìm hiểu khía cạnh thâm thuý, tinh vi của mầu nhiệm thập giá tiềm ẩn trong cõi lòng sâu thẳm của Đức Giêsu, trong ý thức và trong chính bản thể của Người. Đức Giêsu là thế nào thì sẽ chết thể ấy: chết như con người, như Đấng Kitô, như Ngôi Lời Nhập Thể.

3.1. Con người Giêsu chết

Vì là con người nên khi đối mặt với cái chết, Đức Giêsu kinh hãi, run sợ do bản năng bảo tồn như bất cứ sinh vật nào (mồ hôi máu chảy ra ở Vườn Dầu). Theo truyền thống Do Thái: chết là hết hy vọng, xa cách nguồn sống, xa cách Thiên Chúa (x. Tv 6,6; 88,11-13; Is 38,18…). Hơn nữa, Người còn bị giết chết nhục nhã giữa tuổi thanh xuân (x. Is 53,2-3).

Sự chết nói lên bản chất của thụ tạo và tính liên đới: cái chết mang chiều kích vũ trụ, muôn vật cùng chết với Người (x. Mc 15,33; Mc 27,45.51-52; Lc 23,44-55).

Sự chết nói lên thực trạng con người dính líu với tội lỗi (x. Rm 5,12; 8,3), nhất là Người vô tội mà lại phải chết nhục nhã (x. 2Cr 5,21).

Đức Giêsu trên thập giá hấp hối giữa khổ đau cực độ trong tinh thần và trên thể xác để chia sẻ với thân phận con người và đền tội cho con người.

3.2. Đấng Kitô chết

  • Như Đấng Mêsia: Người là hiện thân của những gì Giavê hứa với Israel, thế mà bây giờ Người phải chết: người công chính bất lực trong tay kẻ quyền thế gian ác, sứ mệnh Mêsia của Người xem ra bị thất bại, Thiên Chúa có vẻ bỏ rơi Người (x. Kh 2,10-20). Có phải Người hành động sai?!
  • Đức Giêsu bị dân ngoại hành quyết trong khi Người sống và giữ luật trọn hảo: “Người bị đóng đinh giữa hai tên trộm cướp”. Người là nạn nhân của cơ chế, của luật lệ bất công.
  • Đức Giêsu chết trong cảnh cô đơn: môn đệ bỏ rơi, bao nhiêu kẻ được ơn phép lạ của Người cũng giơ tay hô lớn: “Đóng đinh hắn vào thập giá”. Cả dân chúng quay lưng lại với Người.
  • Đức Giêsu cảm thấy như bị Thiên Chúa bỏ rơi: đây là cực hình khủng khiếp nhất “Lạy Chúa tôi, sao Chúa bỏ tôi?!” (Mc 15,34). Người có phải đi trệch đường lối của Thiên Chúa? Tuy nhiên, Đức Giêsu vẫn tin tưởng tràn đầy hy vọng: “Con phó thác hồn con trong tay Cha”.
  • Đường lối của Đức Giêsu là mẫu mực cho đường lối hành động của chúng ta vì Người đã dám hy sinh vì đại nghĩa.

3.3. Thiên Chúa chết

       Thiên Chúa có thể trở thành con người thì cũng có thể chết như con người. Chết là hành động của chủ thể nên Ngôi Lời nhập thể là chủ thể và đã thật sự chết. Tính toàn năng và toàn ái của Thiên Chúa tỏ lộ rõ trong cái chết của Đức Giêsu. Thiên Chúa vốn bất tử trong bản tính riêng của mình nhưng trở thành khả tử nơi một bản tính khác. Ngôi Lời bất tử trong thiên tính nhưng có thể chết trong nhân tính.

       Vì Thiên Chúa là tình yêu và quyền năng nên Người nhượng bộ cho sự yếu đuối của tình yêu. Người chịu khổ nhưng không bị huỷ diệt và nhờ đó Người mới lấy cái chết của mình để cứu chuộc chúng ta. Trên thập giá, Thiên Chúa xuất hiện như Đấng hoàn toàn tự do trong tình yêu. Tình yêu tuyệt đối là trao hiến chính mình một cách hoàn toàn cho người mình yêu (x. 1Ga 4,8) và con người có thể đáp lại, qua Đức Giêsu, cách tuyệt đối như hy tế để bày tỏ sự vâng phục yêu thương (x. Ga 10,17; 14,31).

       Đức Giêsu trở thành Thiên Chúa cho con người và con người cho Thiên Chúa qua cái chết của Người trong một tình yêu hỗ tương. Thiên Chúa chết vì loài người để loài người chết cho Thiên Chúa. Khi con người đạt được điểm này là con người trở thành Thiên Chúa. Đấy là sức mạnh cứu độ vô cùng của Thiên Chúa Tình Yêu.

 

  1. NHỮNG BÀI HỌC ĐƯỢC MẠC KHẢI TỪ CÁI CHẾT NÀY

Bức màn trong đền thờ Giêrusalem bị xé ra làm đôi từ trên xuống dưới (x. Mt 27,51-53) muốn nói lên nhiều điều: Thiên Chúa không còn xa cách nhưng rất gần con người. Tôn giáo mới mẻ và phổ quát bắt đầu, thân xác Đức Kitô như bức màn để ta đi qua và đến gặp Thiên Chúa. Thiên Chúa đã xé tan bức màn ấy qua cái chết của Đức Giêsu.

4.1. Thiên Chúa là tình yêu: yêu đến độ chết cho con người (x. Ga 3,16; 1Ga 4,10; Rm 8,32) cách vô điều kiện (x. Ga 10,11.17.19; Rm 5,8). Đó là bài học căn bản nhất (x. Gl 2,20; Ep 5,2.25).

4.2. Thiên Chúa đáng kinh sợ: vì tình yêu như lửa thiêu rụi mọi dấu vết tội ác và biến đổi tất cả thành tốt lành, thanh khiết nhờ thập giá Đức Kitô. Phải dám bước qua thập giá với Đức Kitô để cứu độ thế giới. Phải dám dùng “sự tự huỷ” (kenosis) như Đức Giêsu để biến đổi con người và thế giới.

4.3. Con người cũng đáng kinh sợ không kém: dám giết chết Thiên Chúa, nhưng đáng được Thiên Chúa cứu vì quý giá vô cùng!

4.4. Thiên Chúa với đau khổ và sự dữ: đau khổ là một mầu nhiệm không thể thấu triệt, cần biết nhẫn nại chịu đựng. Cần phân biệt đau khổ và sự dữ. Sự dữ do ai? Do con người với tự do của mình hay do ma quỷ? Dùng đau khổ để thắng sự dữ: nguyên tắc hành động của Đức Giêsu.

4.5. Đức Giêsu xuống ngục Tổ Tông: tín điều trong kinh Tin Kính, không phải là chuyện thần thoại hay mê tín. Bản văn: 1Pr 3,19-20. Ý nghĩa: Đức Giêsu đã chết thật sự vì xuống tới chỗ ở của người chết. Người rao giảng Tin Mừng cho các vong linh: cứu độ trọn vẹn, tất cả mọi người trong cả quá khứ. Phép Rửa như hình thức hay khí cụ cứu độ (x. 1Cr 15,29). Đức Kitô chiến thắng tử thần (vấn đề: cúng bái người chết, chiêu hồn…).

4.6. Kenosis là chìa khoá quan trọng để hiểu biết và giải thích Đức Kitô: Hành động xoá bỏ chính mình (Pl 2,6-11) là quyết định vĩnh viễn của Ngôi Lời nhận lấy nhân tính sa đoạ để hoà mình vào xã hội trần thế và cũng là quyết định của Đức Giêsu để sống trọn thân phận thấp hèn trong xã hội này vì yêu chúng ta và để cứu chúng ta (x. Pl 2,10-11; Ep 1,20-22). Con đường tự huỷ của người môn đệ Đức Kitô không còn là một sự trốn chạy hèn nhát, nhưng là một chọn lựa anh hùng.

 

Kết luận

Đức Kitô đã vượt qua cái chết để đến vinh quang phục sinh, ta cũng phải biết cùng chết với Người để mang lại ơn cứu độ và chia sẻ vinh quang (x. Rm 6,6; Gl 5,24). Kenosis là một con đường chứ không phải là mục đích, là một phương tiện để đạt tới Thiên Chúa Tình Yêu một cách trọn vẹn.