Chúa Nhật Phục Sinh, năm C: Ngôi Mộ Trống

Ngày nay người ta khó có thể tin việc Đức Giêsu sống lại là một biến cố có thật trong lịch sử bởi vì đây là một biến cố độc nhất vô nhị. Người ta muốn minh chứng, kiểm chứng bằng khoa học kỹ thuật nhưng không tìm ra được trường hợp thứ hai để nghiên cứu. Vì thế, người ta chỉ dám kết luận rằng đây là một mầu nhiệm cần phải có đức tin để khám phá ra những ý nghĩa thâm sâu của nó.

CHÚA NHẬT PHỤC SINH, năm C

NGÔI MỘ TRỐNG

Hành khất Kitô

UBBAXH-Caritas Việt Nam

Nhập đề:

Ngày nay người ta khó có thể tin việc Đức Giêsu sống lại là một biến cố có thật trong lịch sử bởi vì đây là một biến cố độc nhất vô nhị. Người ta muốn minh chứng, kiểm chứng bằng khoa học kỹ thuật nhưng không tìm ra được trường hợp thứ hai để nghiên cứu. Vì thế, người ta chỉ dám kết luận rằng đây là một mầu nhiệm cần phải có đức tin để khám phá ra những ý nghĩa thâm sâu của nó.

1. Cuộc sống lại của Đức Giêsu là một biến cố có thật trong lịch sử

Nhưng, người tín hữu Công giáo chúng ta cần xác tín rằng: việc Đức Giêsu sống lại vừa là một sự kiện có thật trong lịch sử, vừa là một mầu nhiệm cần phải có đức tin để khám phá ra hết ý nghĩa của nó.

Nếu Đức Giêsu phục sinh không phải là một sự kiện có thật trong lịch sử thì công cuộc cứu độ của Người không can hệ gì đến chúng ta. Nếu Người chỉ là một người ở hành tinh khác đến với chúng ta, bị bắt, bị hành hình và đã sống lại thì chẳng có liên quan gì đến chúng ta. Nhưng nếu chúng ta tin thật rằng Người là Ngôi Lời Thiên Chúa đã trở thành người giống chúng ta mọi đàng, chỉ trừ tội lỗi. Người bị hành hình, bị giết chết và đã sống lại thì thật sự cuộc sống lại của Người trở thành niềm vui và hy vọng cho muôn loài muôn vật.

Tối hôm lễ Phục Sinh, chúng ta đã cùng nhau tìm hiểu ngôi mộ trống là bằng chứng thứ nhất chứng tỏ Đức Giêsu đã thật sự chết và sống lại trong lịch sử. Ngôi mộ trống đó vẫn còn cho đến ngày nay. Chính quyền thời đó đã niêm phong, các thượng tế và lãnh binh đền thờ đã cắt quân canh gác. Nhưng tất cả những biến cố dồn dập xảy ra từ khi Đức Giêsu gục đầu tắt thở trên thập giá đã làm cho người ta phải chú ý rất nhiều:

– Trời đất đã tối sầm lại, dù ngay giữa ban ngày.

– Những mồ mả đã vỡ tung, nhiều người chết sống lại và hiện ra với thân nhân họ trong thành Giêrusalem.

– Bức màn trong đền thờ Giêrusalem đã đột ngột bị xé ra làm đôi từ trên xuống dưới.

Những biến cố đó càng làm cho người ta canh giữ ngôi mộ cẩn thận hơn nữa.

Rồi vào ngày Chủ Nhật hôm ấy (9-4-30), người ta đã thấy gì?

– Hòn đá che cửa mộ đã tự nhiên lăn sang một bên sau cơn động đất và xác Đức Giêsu không còn ở trong mộ nữa.

– Không còn một tên lính  nào canh mộ Chúa nữa.

– Những băng vải quấn quanh thân xác, tay chân Chúa Giêsu đã cuộn lại gọn gàng. Cả tấm khăn che mặt Đức Giêsu cũng xếp lại để riêng ra một nơi.

Tất cả hình như có một chuyện gì đó đã xảy ra một cách lạ lùng khiến cho rất nhiều người kinh hãi. Các môn đệ của Đức Giêsu là Gioan, Phêrô, Madalena đã chạy đến mồ. Họ đã thấy những sự kiện như vậy nhưng không biết giải thích thế nào. Chỉ biết chính quyền Rôma và các thượng tế đã thay đổi thái độ. Lính canh đã được rút về. Họ không canh gác nữa. Họ đã để cho các môn đệ tự do chạy đến mộ.

Trong suốt dòng lịch sử, người ta đã loan truyền tin đồn rằng các môn đệ Đức Giêsu đã đến lấy trộm xác khi quân canh đang ngủ và phao tin rằng Người đã sống lại, sau khi các thượng tế cho bọn lính một số tiền lớn. Nhưng nếu các môn đệ đến trộm xác Đức Giêsu thì không ai dại gì tốn giờ tháo ra từng băng vải như thế. Họ sẽ ôm vội xác Đức Giêsu chạy thật nhanh ra khỏi mộ để khỏi bị bắt. Hơn nữa, họ đến lấy trộm xác Đức Giêsu làm gì vì khi còn sống Người không cứu nổi mình, thì lúc này chết rồi, Người còn cứu được ai!?

Hơn nữa, các môn đệ là những ngư phủ nhát đảm, đã trốn chạy ngay trong đêm Đức Giêsu bị bắt, làm sao bây giờ họ lại dám chống lại cả chính quyền Rôma và quyền lực của các thượng tế khi họ dám đến lấy trộm xác tên tử tội Giêsu. Gioan đã suy nghĩ và hiểu được rằng những lời đồn đại đã không có lý do thuyết phục. Ông thấy và đã tin.

Vì vậy, chắc chắn phải có một biến cố lạ lùng đã xảy ra khiến cho chính quyền Rôma và dân chúng đã thay đổi thái độ với các môn đệ của Đức Giêsu. Biến cố này cũng làm thay đổi cái nhìn của dân thành Giêrusalem vì sau khi nghe Phêrô giảng bài đầu tiên vào dịp Chúa Thánh Thần hiện xuống, hàng ngàn người đã xin chịu phép Rửa nhân danh Chúa Giêsu.

 Đức Kitô sống lại” của hoạ sĩ Andrea Mantegna (khoảng 1431- 1506), vẽ năm 1459-1460.

 

2. Dấu hiệu ngôi mộ trống cho con người hôm nay

Đối với chúng ta ngày nay, thực tại Kitô giáo với những dấu chỉ vẫn là một lời mời gọi để chúng ta càng tin tưởng vào biến cố Đức Giêsu sống lại.

Trước hết, đó là lời rao giảng đầy quyền năng của các Tông đồ với biết bao phép lạ: những người bệnh được chữa lành, những người chết được sống lại luôn luôn là những dấu hiệu bảo đảm cho lời giảng dạy về Đức Giêsu của các Tông đồ. Tiếp đến, cuộc sống tràn đầy niềm vui và bình an của các môn đệ với ơn Chúa Thánh Thần vào thời Giáo Hội sơ khai vẫn còn tiếp tục trong thời đại của chúng ta như xác định rằng Đức Giêsu thật sự đã sống lại và đang hoạt động trong từng người tín hữu. Hơn nữa, sự lớn mạnh của Giáo Hội không dựa vào bất cứ một sức mạnh nào: chỉ trong thế kỷ đầu, mà hàng trăm ngàn người trong đế quốc Rôma đã tin theo Đức Giêsu. Cuối cùng sự trường tồn của Giáo Hội trong suốt 20 thế kỷ qua trong khi bao đế quốc sụp đổ, bao quốc gia biến mất như gợi ý cho chúng ta hãy tin rằng Đức Giêsu thật sự đã sống lại và đang sống trong mỗi người chúng ta.

Chúng ta được mời gọi để thấy và tin như Tông đồ Gioan “ông đã thấy và đã tin”. Gioan đã thấy gì? Ông chỉ thấy những băng vải và khăn liệm. Đó là dấu hiệu của cái chết, của bất công, của những gì tàn tạ, tội lỗi trong cuộc sống con người hôm nay. Chúng ta thấy những dấu hiệu đó nhan nhãn trong xã hội! Ngay trong con người chúng ta: mỗi ngày sống là chúng ta tiến gần đến cái chết, mỗi ngày sống là chúng ta già hơn, yếu hơn, bệnh tật hơn. Rồi nhìn vào xã hội, biết bao nhiêu người mang những bệnh tật, chịu những bất công, những thất bại, những phản bội… Đó là những dấu hiệu của băng vải và khăn liệm.

 Nhưng chúng ta phải nhìn xuyên qua và vượt lên trên những dấu hiệu đó để tin vào Đức Giêsu, để gặp được Người là nguồn của sự sống lại và sự sống cho mỗi người chúng ta. Người cũng là nguồn của bình an, của hy vọng, của chân lý và tình thương mà chúng ta đang rất cần trong cuộc sống hôm nay.

Khi chúng ta tin vào Đức Giêsu sống lại, chúng ta sẽ cảm nghiệm được Người đang ở trong chúng ta, hoặc thấy được Người đang hiện diện ở nơi nào đó rất gần chúng ta. Chúng ta cũng sẽ gặp được Người như Phêrô, Gioan, Madalena, hai môn đệ trên đường Emmaus hay cả nhóm Mười Một Tông đồ ngay trong ngày Chúa Nhật Phục Sinh, ngay nơi bàn ăn của gia đình khi Đức Giêsu bẻ bánh để Người đem lại niềm hy vọng và bình an cho những tâm hồn sầu khổ.

Kết luận

Vì thế, trong những ngày đầu tiên của mùa Phục Sinh, Giáo Hội luôn luôn mời gọi chúng ta suy niệm về ngôi mộ trống như là bằng chứng đầu tiên để chúng ta tin vào Đức Giêsu thật sự đã sống lại cho chúng ta, vì chúng ta trong lịch sử của con người./.