Mồng Một Tết 2020: Cầu bình an cho Năm Canh Tý

Ngày đầu năm mới, năm Canh Tý, chúng ta hợp cùng Giáo hội Việt Nam và toàn thể dân tộc cầu xin Chúa ban bình an và trở thành người chia sẻ bình an cho mọi người mọi vật như Chúa Giêsu.

 

Mồng Một Tết 2020

Cầu bình an cho Năm Canh Tý

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn

Lời mở

Ngày đầu năm mới, năm Canh Tý, chúng ta hợp cùng Giáo hội Việt Nam và toàn thể dân tộc cầu xin Chúa ban bình an và trở thành người chia sẻ bình an cho mọi người mọi vật như Chúa Giêsu. Người nhắc bảo chúng ta hôm nay: “Trước hết anh em hãy tìm kiếm nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ khác Người sẽ thêm cho” (x. Mt 6,33).

Chúng ta tìm hiểu tình trạng mất bình an và cần tạo nên bình an như  một gợi ý sống cho năm mới.

1. Tình trạng mất bình an

Nhìn vào xã hội, nhìn vào chính lòng mình ta có thể khám phá ra mình đang mất bình an. Ngày hôm qua trận mưa rất lớn khác thường ở Hà Nội và vài tỉnh miền Bắc, nhiều đường phố bị ngập, chợ hoa ngày Tết tan tác, làm cho nhiều người lo lắng không biết năm mới sẽ ra sao. Người Công giáo chúng ta hiểu rằng “nắng mưa là chuyện của Trời”, còn từng giây phút chúng ta sống trong sự an bài của Thiên Chúa, nên dù nắng mưa ta vẫn giữ được bình an.

Anh chị em hiểu rõ hơn tôi về tình trạng suy thoái kinh tế của Việt Nam cũng như của thế giới, dù rằng rất nhiều báo đài đang có những thông tin trái chiều. Chỉ cần nhìn vào sức mua sắm Tết của người dân trong dịp này cũng hiểu nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn. Chỉ cần nhìn vào những cây hoa không bán được, phải đổ bỏ ở nhiều nơi thành những núi rác, cũng đoán được dân chúng làm ăn thành bại như thế nào. Nhiều người tự hỏi “Ta sẽ ăn gì, uống gì hay mặc gì đây?” như bài Tin Mừng (x. Mt 6,25-34) ta vừa nghe. Vì lo lắng kiếm sống nên người ta buôn gian, bán dối, thông tin sai lạc ngược chiều để lừa bịp, lỗi đức công chính mà Đức Giêsu đã dạy chúng ta.

Thế giới cũng đang lo lắng không biết dịch virus corona gây bệnh viêm phổi cấp bắt nguồn từ thành phố Vũ Hán của Trung Quốc hôm 23/1/2010 đang lan rộng đến đâu. Trưa hôm qua, 24/1 tức là 30 Tết, đoàn thiện nguyện Bác ái Trong Yêu thương chuẩn bị phát quà Tết cho các em bệnh nhi bị phỏng ở Bệnh viện Chợ Rẫy. Chúng tôi được các bác sĩ nhắc nhở phải mang khẩu trang và tránh dùng thang máy vì hai người Trung Quốc đang điều trị tại đây đã dùng thang máy và không biết những con virus còn ẩn trong thang máy hay không. Người em gái của tôi ở bên Mỹ cũng gọi về nhắc bảo phải nhớ mang khẩu trang. Tin tức về Việt Nam có hai người nhiễm bệnh này đã được thế giới biết đến. Chúng tôi lo lắng và cầu nguyện cho người dân Vũ Hán đang khổ sở vì thiếu nước, thiếu lương thực khi thành phố được lệnh phong toả, “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Chúng ta hãy cầu nguyện cho thế giới được bình an.

Đây cũng có thể là dịp để chính quyền Trung Quốc nhìn lại hành động của họ đối với người dân và với cả thế giới. Họ dùng đủ thứ chính sách và thủ đoạn để tạo ảnh hưởng hoặc đi chiếm những vùng đất, hải đảo của các châu lục và dân tộc, trong khi chính 11 triệu dân của thành phố Vũ Hán đang muốn thoát ra khỏi đất nước, thoát khỏi thành phố của họ. Thế giới mong được hưởng bình an. Tuy nhiên, bình an không phải dựa vào nỗi sợ hãi vì không dám dùng những vũ khí huỷ diệt, hay dựa vào sự quân bình về sức mạnh quân sự, kinh tế, nhưng chỉ dựa vào tình yêu của các dân tộc đối xử tốt đẹp với nhau.

Thí dụ cụ thể đó còn nhắc nhở ta phải tin vào sự an bài của Cha Trên Trời. Người yêu thương chúng ta từng giây từng phút, ban cho ta sự sống, tình yêu, tư tưởng và muôn ân huệ cao quý. Phân tích con người, chúng ta chỉ thấy những chất vô cơ, hữu cơ chứ có nơi nào làm ra hay chứa đựng tư tưởng, tình yêu, sự sống, bình an đâu. Cha Trên Trời biết tất cả những gì chúng ta cần và đang ban cho ta. Vì thế chúng ta hãy tìm kiếm Nước và đức công chính của Ngài, “nước của sự thật và sự sống, của thánh thiện và ân huệ, của công lý, bình an và tình yêu” trong năm mới này, thay cho những giả dối, giết hại nhau bằng những thứ độc hại. Từ đó chúng ta mới cảm nghiệm được niềm vui và bình an.

2. Năm Canh Tý,  nhưng đừng sống như chuột!

Năm Canh Tý bắt đầu, nhưng tại sao người ta lại chọn con chuột nhỏ xíu đứng đầu  12 con giáp, gọi là địa chi? Có nhiều truyền thuyết về việc này. Người ta kể rằng khi các con vật lên chầu Ngọc Hoàng Thượng Đế, con chuột (tý) đã đứng trên lưng của con trâu (sửu), nên mọi người thấy chuột là con vật lớn nhất.

Con chuột, trong truyền thuyết, là con vật đặc biệt, chân trước có 4 ngón, chân sau có 5 ngón. Đối với người Trung Quốc số chẵn thuộc về Âm, số lẻ thuộc về Dương, nên con chuột được sắp đứng giữa âm và dương, chứ không hoàn toàn thuộc về dương hay âm như các con vật khác. Vì thế ta có giờ Tý bắt đầu từ 11 giờ đêm cho đến 1 giờ sáng là khởi đầu của ngày, giờ đó những con chuột hoạt động rất sôi nổi. Canh là thiên can thứ 7 thuộc dương, chỉ sự hình thành nên những trái cây.

Năm Canh Tý mời gọi ta nhìn vào cuộc sống của mình. Đối với người bình thường, nhất là người Việt Nam, người ta thường không thích chuột, vì con chuột sống về đêm, nó đục khoét và gây hại cho con người rất nhiều, dù có những con chuột bạch hy sinh làm vật thí nghiệm. Trong giao tiếp xã hội, đối với những người có khuôn mặt “mày dơi, mặt chuột” (mặt hình tam giác, cằm nhọn như con chuột), người ta cho đó là hạng người gian xảo, ác đức, nên trong phim ảnh, nghệ thuật, người ta chọn những người có khuôn mặt ấy đóng vai gian thần, phản diện, dù rằng cằm nhọn là do cha mẹ để lại chứ mình có muốn đâu!

Năm Canh Tý gợi cho chúng ta đức công chính. Chúa Giêsu mời gọi chúng ta hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và sự công chính của Người, chúng ta mới đạt được sự bình an. Trong niềm vui của ngày Tết, ta phó thác năm mới đời mình cho Chúa. Trong sự an bài đầy tình yêu thương của Cha Trên Trời, ta bỏ qua tất cả những lo lắng về cơm áo gạo tiền, về chiến tranh dịch bệnh…để tạo nên sự bình an cho tâm hồn mình cũng như cho người khác. Chúng ta sẽ không bắt chước những thái độ sống về đêm, những hành động lén lút, giấu diếm hay đen tối của những con chuột. Chúng ta sẽ sống và hành động như những người sống giữa ban ngày (x Rm 13,13; 1Ths 5,5), trong ánh sáng quang minh, chính trực, đầy yêu thương và vô vị lợi của Thiên Chúa.

Hơn nữa, chúng ta không phải chỉ thụ hưởng bình an, nhưng còn phải tạo nên bình an cho mọi người, mọi vật trong gia đình cũng như ngoài xã hội, bằng việc giữ nét mặt vui tươi, nói những lời thân tình, làm những việc bác ái, bảo vệ môi trường sống cho trong sạch, lành mạnh, an toàn. Người Công giáo chúng ta quyết tâm hành động theo Chúa Giêsu Kitô, là vua bình an, như các thiên thần đã  loan báo khi Người sinh ra “bình an dưới thế cho loài người Chúa thương” (x. Lc 2,14) cũng như khi Người sống lại sau cái chết hoà giải loài người với Chúa Cha (x. Cl 1,20) để ban bình an của Người (x. Ga 14,27;Lc 24,36) cho chúng ta. Có ân huệ bình an này ta mới đầy tràn Thánh Thần và quyền năng (x. Ga 20, 19-23) để làm cho những bệnh nhân được chữa lành (x. Lc 8,48tt), tha thứ tội lỗi (x. Lc 7,50) và ban bình an cho mọi thành thị chúng ta tìm đến (x. Lc 10, 5-9). Đó là “bình an của Thiên Chúa, vượt lên trên mọi hiểu biết, sẽ giữ cho lòng trí anh em được kết hợp với Đức Giêsu Kitô” (Ph 4,7).

Lời kết

Hành dộng như thế, chúng ta sẽ làm cho đất nước mỗi ngày được bình an hơn, dân tộc được an lành hơn và niềm vui ngày Mồng Một Tết cầu cho Bình an mới thật sự ý nghĩa.

Nguồn: HKK