Bằng nha sĩ giá 50 triệu đồng
Điều tra của PV Tuổi Trẻ phát hiện một số người ở phòng nha mua bằng bác sĩ giả để lừa dối khách hàng và qua mặt các đoàn kiểm tra.
Bằng nha sĩ giá 50 triệu đồng
Bằng bác sĩ răng hàm mặt giả của ông Trịnh Trúc Khiêm – Ảnh: M.Mẫn |
Giấy phép hoạt động của phòng nha khoa Việt Hàn Style (đường Huỳnh Tấn Phát, Q.7, TP.HCM) do bác sĩ Nguyễn Thị Mỹ Diệu đứng tên.
Nhưng thực tế phụ trách cơ sở, điều trị cho bệnh nhân là ông Trịnh Trúc Khiêm, ông này không có bằng chuyên môn nhưng lại nói với khách mình là bác sĩ nha khoa.
Bằng giả như thật
Làm rõ việc bác sĩ cho thuê giấy phép Liên quan đến việc thuê giấy phép hoạt động của phòng nha khoa An Bình (Q.8), ông Bùi Minh Trạng cho biết ngày 17-4, thanh tra sở sẽ mời người chịu trách nhiệm chuyên môn là bác sĩ Kiều Thủy Trung (hiện làm việc tại Bệnh viện Răng hàm mặt trung ương) lên Sở Y tế để làm rõ vụ việc. “Trong quá trình làm việc, chúng tôi sẽ làm rõ người đứng ra thuê có chứng chỉ hành nghề hay không. Trường hợp có chứng chỉ hành nghề nhưng không có danh sách nhân sự đăng ký cũng sẽ bị phạt vì hành nghề không phép” – ông Trạng nói. |
Để danh chính ngôn thuận, ông Khiêm kiếm cho mình một bằng bác sĩ giả. Bằng bác sĩ giả của ông Khiêm gồm những thông tin: hiệu trưởng Trường ĐH Y dược TP.HCM cấp bằng bác sĩ hệ chính quy, hạng trung bình, công nhận danh hiệu bác sĩ răng hàm mặt cho Trịnh Trúc Khiêm, sinh ngày 25-12-1980, quê Bình Định.
Ngày ký quyết định cấp bằng là 15-9-2008, tức ông Khiêm học khóa 2002-2008. Tuy nhiên, nhiều bác sĩ răng hàm mặt học khóa này của Trường ĐH Y dược TP.HCM không hề biết có người đồng khóa là “bác sĩ” Trịnh Trúc Khiêm.
Nhằm xác minh thông tin, chúng tôi chuyển bằng bác sĩ của ông Khiêm đến Trường ĐH Y dược TP.HCM.
Một cán bộ phòng đào tạo của trường này cho biết đây là bằng giả được làm rất tinh vi, có thể qua mặt các đoàn kiểm tra của ngành y tế.
Còn ông Bùi Minh Trạng, chánh thanh tra Sở Y tế TP.HCM, cho biết thời gian gần đây thanh tra Sở Y tế đang lưu một số bằng bác sĩ nghi giả.
Những bằng này được làm tinh vi đến độ Thanh tra Sở Y tế không dám khẳng định là giả, mà phải nhờ Trường ĐH Y dược TP.HCM kiểm chứng.
Chiều 11-4, đoàn kiểm tra Phòng y tế quận 7 kiểm tra một số phòng nha khoa trên đường Huỳnh Tấn Phát, trong đó có nha khoa Nha Việt, Việt Hàn Style.
Tại thời điểm kiểm tra phòng nha khoa Việt Hàn Style, đoàn kiểm tra ghi nhận phòng nha này đang mở cửa hoạt động, có một người khách đang ngồi chờ. Người đứng tên trong giấy phép hoạt động là bác sĩ Nguyễn Thị Mỹ Diệu không có mặt.
Đại diện tiếp đoàn là “bác sĩ” Trịnh Trúc Khiêm. Phòng nha này không xuất trình được giấy phép hoạt động, chứng chỉ hành nghề của bác sĩ Diệu và “bác sĩ” Khiêm, bằng chuyên môn của nhân viên Nguyễn Thị Thanh Tú.
Ông Khiêm có trình một bản photocopy công chứng bằng bác sĩ. Tuy nhiên, bằng bác sĩ này là giả. Theo hồ sơ tại Phòng quản lý dịch vụ y tế (Sở Y tế TP.HCM), ông Khiêm cũng không có trong danh sách nhân sự của phòng nha khoa Việt Hàn Style.
Ông Bùi Minh Trạng cho biết người không có chứng chỉ hành nghề, tự nhận là bác sĩ để khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế sẽ bị xử phạt 30 triệu đồng vì hành vi hành nghề không phép.
Ông Trạng còn nói sẽ chuyển hồ sơ liên quan trường hợp của ông Khiêm đến cơ quan cảnh sát điều tra để xác minh nguồn gốc, đường dây làm bằng bác sĩ giả.
Ông Tô Hoàng Phương – một tay “cò” chuyên mai mối cho thuê giấy phép ở các phòng nha – Ảnh: M.Mẫn |
“Một tuần là có bằng”
Trong quá trình tiếp cận “cò” Tô Hoàng Phương để tìm hiểu về đường dây thuê giấy phép hoạt động cho các phòng nha, PV Tuổi Trẻ phát hiện ông này có quan hệ với một số người chuyên làm bằng bác sĩ giả.
Sáng 10-4, ông Phương lấy điện thoại di động liên lạc với hai người trong đường dây làm bằng bác sĩ giả. “Tôi không dính dáng gì đến chuyện làm bằng này đâu, biết có người làm được thì giới thiệu giùm. Chuyện này không gấp được, phải gặp người ta đàng hoàng. Nhiều khả năng phải ứng trước một số tiền” – ông Phương nói với khách.
Đến tối hôm sau, ông Phương cho khách biết có một người chịu gặp mặt để bàn về vụ làm bằng bác sĩ giả, hẹn sáng 12-4 gặp ở một quán cà phê trên đường 3 Tháng 2 (Q.10).
Khoảng 9g ngày 12-4, ông Phương ngồi nói chuyện với một số bác sĩ tại điểm hẹn. Ít phút sau, một người tên T. trong đường dây làm bằng bác sĩ giả xuất hiện.
Đến hơn 10g, người cần mua bằng giả mới tới quán cà phê, chờ không được ông T. bỏ đi. Ông Phương cho biết T. phải chạy về TP Vũng Tàu gấp để làm giấy tờ cho người khác.
Dù khẳng định không dính dáng gì đến đường dây làm bằng giả, nhưng ông Phương nói với khách việc đưa tiền cọc hoặc giấy tờ sẽ thông qua ông để chuyển đến T..
Ông này giải thích: “Tui sẽ hỏi nó cần giấy tờ gì rồi anh gửi cọc cho nó. Sau khi giao bằng thì gửi hết số còn lại. Chậm nhất trong vòng một tuần là có rồi”.
Vừa dứt lời, ông Phương điện thoại cho T.. “Nó nói giấy tờ gồm chứng minh nhân dân, bằng tốt nghiệp lớp 12. Thời gian giao bằng chậm nhất là một tuần, nhanh thì 3-4 ngày. Nó sẽ giao bằng và bảng điểm. Tụi này chỉ chuyên một mảng về giấy tờ bên nha thôi. Nó làm y chang. Thường nó nhận làm hơn 50 chai (triệu đồng). Hôm bữa anh nói giá 60 triệu thì làm được. Giờ muốn lên hay xuống, nói tui biết. Tui điều khiển tụi này được mà” – ông Phương nói.
Theo ông Phương, còn một người khác cũng nhận làm bằng giả nhưng nguyên tắc của người này là không bao giờ gặp khách. Chủ yếu dựa trên uy tín của người giới thiệu cũng như phải có sự đảm bảo về nhân thân của khách thì mới chịu làm bằng.
Cơ quan chức năng vào cuộc
Ngày 14-4, Phòng y tế quận 7 thực hiện kiểm tra các phòng nha khoa báo Tuổi Trẻ phản ánh. Phòng nha khoa Nam Sài Gòn (đường Huỳnh Tấn Phát, Q.7) đã đóng cửa.
Hai phòng nha khoa hoạt động không phép là nha khoa Hoàng Bảo (thị trấn Nhà Bè) và Nụ Cười Việt (xã Phước Kiển) cũng ngưng hoạt động.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục giám sát động thái của những phòng nha khoa này. Hoạt động không phép thì kiên quyết buộc đóng cửa” – một lãnh đạo Phòng y tế huyện Nhà Bè khẳng định.
Liên quan đến bài điều tra “Bác sĩ dỏm tại các phòng nha khoa”, Thanh tra Sở Y tế TP.HCM cho biết đối với những phòng nha khoa có giấy phép hoạt động nhưng sử dụng người không có chứng chỉ hành nghề, bác sĩ dỏm, Sở Y tế TP sẽ mời người đứng tên trên giấy phép lên làm việc và xử lý sai phạm.
Đồng thời sẽ làm rõ việc bác sĩ chịu trách nhiệm chuyên môn có thực hiện khám chữa bệnh, giám sát hoạt động của phòng nha theo đúng quy định hay không.
Xung quanh việc dư luận đặt vấn đề tại sao những cơ sở y tế tư nhân không phép ngang nhiên hoạt động trong một thời gian dài nhưng cơ quan quản lý y tế địa phương lại không biết, ông Bùi Minh Trạng nói Thanh tra Sở Y tế có nghe thông tin về việc một số cán bộ trong ngành y “bảo kê” các cơ sở trên.
“Trong các buổi giao ban, ban giám đốc Sở Y tế vẫn đặt ra vấn đề tại sao người dân tố cáo nhiều cơ sở y tế hoạt động không phép, mà phòng y tế quận, huyện lại không biết. Chúng tôi không đẩy trách nhiệm hoàn toàn cho các phòng y tế nhưng hơn ai hết, họ phải nắm sát tình hình thực tế. Sở Y tế đã chỉ đạo rõ phòng y tế nào không làm tốt việc quản lý dịch vụ y tư nhân sẽ bị nhắc nhở, xem xét hạ thành tích thi đua” – ông Trạng nói.
MINH MẪN