26/11/2024

Cần đào tạo và giáo dục công chức

Bản báo cáo năm nay chỉ ra rằng tham nhũng vặt rất phổ biến tại hầu hết tỉnh thành, huyện xã và người dân đôi khi bị đối xử thiếu tôn trọng bởi chính những người được coi là “đầy tớ của dân”. Liệu tình trạng này tại VN có được giải quyết và bằng cách nào?

 

Trong mắt người nước ngoài: Cần đào tạo và giáo dục công chức

Số liệu khảo sát mới đây về Chỉ số hiệu quả quản trị hành chính công cấp tỉnh (PAPI) cho thấy tình trạng tham nhũng vẫn tồn tại trong khu vực hành chính công, khi có đến 40-42% công dân được khảo sát trong hai năm qua đồng ý với nhận định rằng tình trạng tham nhũng vẫn xảy ra tại các khu vực bệnh viện công ở quận huyện, việc phải hối lộ để có được công việc tại khu vực công (44% người đồng thuận với ý kiến này trong khảo sát năm 2012 và 2013).

 

Khảo sát năm 2012 và 2013 cho thấy tỉ lệ người cho rằng có sự dùng sai ngân sách công cho việc riêng không đổi: 20%. Đây là những con số rất cao và đáng báo động.

 

Ảnh do nhân vật cung cấp

Bản báo cáo năm nay chỉ ra rằng tham nhũng vặt rất phổ biến tại hầu hết tỉnh thành, huyện xã và người dân đôi khi bị đối xử thiếu tôn trọng bởi chính những người được coi là “đầy tớ của dân”. Liệu tình trạng này tại VN có được giải quyết và bằng cách nào? Tôi nghĩ rằng chúng ta có thể giải quyết tình trạng này nhưng sẽ cần thời gian. Kết quả khảo sát cho thấy người dân vẫn nhận thấy họ không được tôn trọng, hay nói cách khác họ quan ngại về chất lượng dịch vụ công và phần lớn là liên quan đến các kỹ năng mềm của công chức nhà nước khi xử lý công việc chưa được tốt. Để cải thiện điều này, theo tôi, VN cần thêm các khóa đào tạo và giáo dục cho công chức nhà nước hơn là đầu tư vốn vào cơ sở hạ tầng tại các cơ quan nhà nước. Chính sách phát triển kinh tế – xã hội cho đến năm 2020 đã chỉ ra nhân sự là yếu tố then chốt để làm nên thay đổi cho vấn đề này. Khi người dân VN có trình độ học vấn, tri thức cao hơn, giàu có hơn thì họ sẽ có nhiều yêu cầu cao hơn với các dịch vụ hành chính công và dịch vụ công.

 

Nói tóm lại, hiện đại hóa khu vực công của VN đòi hỏi nhiều nỗ lực hơn nữa trong việc quản lý nhân sự và trong việc hệ thống hóa các nguyên tắc quản lý nhân tài và quản lý hành chính hiệu quả với các công chức thật sự có động lực để làm việc, có kỹ năng nghề cao và có khả năng xử lý các thách thức về kinh tế, xã hội và môi trường đang diễn ra tại VN.

 

“Có người nói rằng công chức Nhật Bản thuộc nằm lòng khái niệm chính người dân đã cho họ việc làm để kiếm sống nên họ phải làm việc đàng hoàng và có thái độ tốt, đúng mực khi tiếp xúc, phục vụ dân. Thật khó mà so sánh công chức VN với công chức Nhật Bản vì bất kỳ hệ thống hành chính công nào cũng chỉ có thể trở nên hiệu quả khi có con người làm việc hiệu quả vận hành nó…”

Ông JAIRO ACUNA-ALFARO

 

Quyển sách Cải cách hành chính công tại VN: thực tại và kiến nghị do UNDP VN xuất bản năm 2009 đặt ra câu hỏi lớn là làm sao chính sách và cơ chế vận hành chính quyền cho phép đưa những con người giỏi nhất và sáng giá nhất vào hệ thống phục vụ dân sự. Kết luận đưa ra là để thu hút được nhân tài, Chính phủ phải kiến tạo nên những vị trí quan trọng và công việc tốt với lương thưởng xứng đáng trong khu vực công.

Nhiều người cho rằng tham nhũng diễn ra phổ biến ở VN chủ yếu là do các công chức nhà nước nhận lương quá thấp hay đó là một trong những đặc điểm của các nước phương Đông, nhưng theo tôi không hẳn vậy. Tham nhũng là một vấn nạn có ở mọi lĩnh vực, mọi đối tượng lãnh lương và vùng miền lãnh thổ. Có nhiều yếu tố khác nhau dẫn đến vấn nạn tham nhũng. Lương thấp thường được xem là yếu tố chính. Tuy nhiên vấn nạn về tham nhũng phức tạp hơn nhiều và vấn đề lương bổng là một trong những yếu tố thách thức lớn nhưng không phải là yếu tố quyết định duy nhất. Môi trường làm việc, quan hệ con người cũng đóng vai trò quan trọng không kém như sự nhìn nhận của xã hội. Tại VN mức thu nhập tại khu vực công không giống nhau. Điều này tạo ra khu vực “xám” không rõ ràng trong việc đánh giá, phân bổ và thiếu sự tập trung. Tham nhũng vẫn diễn ra tại các khu vực tài chính, ngân hàng, doanh nghiệp nhà nước… và tham nhũng diễn ra tại các khu vực này không phải do yếu tố lương thấp.

 

 

Những việc phải làm để theo kịp sự kỳ vọng của xã hội

Khảo sát PAPI năm 2013 cho thấy thách thức chính cho chính quyền cấp quốc gia và thành thị là việc nâng cao nhận thức quyền dân chủ của người dân và kiến tạo nhiều cơ hội để họ tham gia hiệu quả vào các hoạt động chính trị và lập pháp của đất nước; tăng cường tương tác trực tiếp và hiệu quả với người dân; kiên định trong việc thi hành các biện pháp kiểm soát tham nhũng, cải thiện chất lượng dịch vụ hành chính công và dịch vụ công cộng. Đây là những việc cần phải làm để theo kịp sự phát triển và kỳ vọng của xã hội.

 

Ông JAIRO ACUNA-ALFARO 
(cố vấn chính sách về cải cách hành chính và chống tham nhũng của UNDP tại VN)