Lấy chồng châu Á
Lấy vợ hay chồng Tây (Âu, Mỹ…) thường nỗi băn khoăn lớn nhất là khác biệt văn hoá. Nên lập gia đình với người châu Á thường được nghĩ là sẽ đỡ hơn rất nhiều vì dù gì cũng không quá cách biệt về văn hoá và phong tục tập quán. Thế nhưng…
Lấy chồng châu Á
Lấy vợ hay chồng Tây (Âu, Mỹ…) thường nỗi băn khoăn lớn nhất là khác biệt văn hoá. Nên lập gia đình với người châu Á thường được nghĩ là sẽ đỡ hơn rất nhiều vì dù gì cũng không quá cách biệt về văn hoá và phong tục tập quán. Thế nhưng…
Minh hoạ: Dad |
Chồng Nhật, Hàn hay Singapore thường được cho là có thể hiểu và cảm thông với người vợ Việt do tương đồng về văn hoá. Thế nhưng, dù cưới nhau vì tình yêu, không hẳn cặp vợ chồng nào cũng có thể dung hòa và hoá giải mọi va chạm trong hôn nhân xuất phát từ khác biệt về quan điểm và lối sống.
Khi chàng bỗng… keo kiệt
Tuần trước, người viết nhận được email từ Singapore của Linh, em của người bạn. “Em không hiểu sao sang đến đây anh ấy như biến thành người khác. Hồi ở VN anh ấy rộng rãi lắm, thường xuyên dẫn em và gia đình đi ăn ở những nhà hàng sang trọng, thế mà giờ em muốn gửi tiền giúp đứa em mới vào đại học đóng học phí thì anh ấy không đồng ý, gửi về giúp bố mẹ thì cho nhưng tỏ ra không vui… Chẳng lẽ đưa được em sang bên này rồi anh ấy không còn quan tâm gì tới gia đình em nữa hay sao?”.
Cảm thấy “có lỗi” vì chính tôi giới thiệu cậu bạn Singapore này cho Linh để hai người tìm hiểu nhau hồi anh ta sang VN làm cho một công ty của Mỹ, tôi tức tốc viết mail cho hắn hỏi rõ sự tình. “Tôi không hiểu sao Linh lại cứ đòi gửi tiền về nhà, dù tôi thấy nhà cô ấy ở quê nhưng cũng không phải nghèo khổ lắm. Tôi muốn Linh tiếp tục đi học bên này, rồi còn mua căn hộ, sinh con nữa, còn rất nhiều thứ chúng tôi phải tính trong khi có một mình tôi đi làm. Tôi sẵn sàng giúp khi gia đình vợ thật sự khó khăn, chứ không muốn gửi tiền thường xuyên hằng tháng. Tôi đã giải thích với Linh nhưng cô ấy cứ cho rằng tôi thiếu quan tâm, rằng tôi ích kỷ không hiểu được rằng cô ấy chỉ muốn cha mẹ ở quê hãnh diện với hàng xóm vì con gái lấy được chồng nước ngoài tốt. Thế chẳng lẽ nếu tôi không có tiền để gửi cho họ thì tôi là chồng tồi à, dù tôi rất yêu thương con gái họ?” – hắn phàn nàn.
Cảm giác “sốc” vì chồng mình đột nhiên trở nên so đo, “keo kiệt” hẳn cũng là cảm giác của khá nhiều phụ nữ Việt khi bắt đầu cuộc sống mới trên đất nước của chồng. Thanh Nhi, cô sinh viên rất yêu thích văn học và văn hoá Nhật Bản từ những ngày còn ngồi ở giảng đường đại học, đã cảm thấy như bị ném từ chiếc “phù kiều” (cầu mộng – hình tượng hay được dùng trong văn chương Nhật ngày xưa) xuống thực tế không mấy nên thơ của cuộc sống. “Hằng tháng anh ấy đưa tiền cho mình đi chợ và tiêu vặt, nhưng lại bắt ghi sổ từng món, rồi tối về anh ấy kiểm tra từng tí một, mua cái gì quá tay một tí anh ấy nói ngay. Mình biết chồng đi làm cũng cực khổ và muốn mình quen dần với việc mua sắm bên này, nhưng cách làm như thế khiến mình ngột ngạt vì cảm thấy chồng chi li quá mức và không tin tưởng mình”.
Châu, một cô gái lấy chồng là kỹ sư ở Osaka, cũng than thở: “Có nhiều món mình thích mua mà chồng cứ bảo chưa cần gấp nên không đồng ý mua hoặc bắt đợi tới đợt giảm giá mới mua. Rồi hễ định mua gì thì ông ấy đều bắt lên mạng xem trước giá ở cửa hàng trong khu vực, chỗ nào rẻ hơn thì mới đặt hàng. Ở VN quen “thích là nhích” rồi nên thấy gò bó quá!”.
Tuy nhiên, lại có những người vợ Việt coi thói quen chi tiêu cần kiệm, có kế hoạch của chồng Nhật là một trong những điều thiết thực nhất mà cô học hỏi được. “Lúc đầu tôi cũng khó chịu lắm, vì ở VN cả ba tôi lẫn các anh em trai trong nhà đều coi sự rộng rãi là biểu hiện của nam tính và đều tỏ ra coi thường những người đàn ông đo lọ nước mắm đếm củ dưa hành. Thế nhưng dần dần mình hiểu ra cuộc sống ở Nhật đắt đỏ, người Nhật lại luôn có ý thức độc lập, nên bên cạnh làm việc cật lực họ cũng phải chi tiêu chặt chẽ, hợp lý để đảm bảo cho một cuộc sống an toàn, không phải dựa dẫm, phụ thuộc vào ai ngay cả khi về già. Giờ về VN, đi siêu thị thấy mình đứng lại đợi lấy 200, 500 đồng tiền thối, ai cũng cười, nhưng mình thì thấy bình thường rồi”.
Xuyên Vân