Rác y tế thành hộp đựng thực phẩm
Điểm tới cuối cùng của rác y tế nguy hại là những làng nghề tái chế nhựa như Triều Khúc (xã Tân Triều, H.Thanh Trì, Hà Nội), Khoai (thị trấn Như Quỳnh, H.Văn Lâm, Hưng Yên)… để biến chúng thành những sản phẩm gia dụng, hộp xốp đựng cơm, ống hút…
Tràn lan mua bán rác thải y tế nguy hại: Rác y tế thành hộp đựng thực phẩm
Điểm tới cuối cùng của rác y tế nguy hại là những làng nghề tái chế nhựa như Triều Khúc (xã Tân Triều, H.Thanh Trì, Hà Nội), Khoai (thị trấn Như Quỳnh, H.Văn Lâm, Hưng Yên)… để biến chúng thành những sản phẩm gia dụng, hộp xốp đựng cơm, ống hút…
Các cơ sở sản xuất thành phẩm từ nhựa thải y tế có rất nhiều ở làng Khoai – Ảnh: Hạnh Hương
|
Ở Triều Khúc có vài trăm hộ đứng ra thu gom, tái chế nhựa và khoảng 50% trong số này có tái chế rác thải y tế nguy hại. Những hộ gia đình thường tự đứng ra liên hệ với người ở các khoa, phòng khám tại các bệnh viện lớn tại Hà Nội, thu mua rác y tế, sau đó cho xe tải chở về xay nhỏ thành hạt, phơi khô và tái chế thành các sản phẩm nhựa gia dụng.
|
Đến Triều Khúc, đâu đâu chúng tôi cũng thấy những bao tải chất đầy dây truyền, ống thở, bơm tiêm và các loại phế phẩm bằng nhựa khác. Ngay lối dẫn vào cổng UBND xã cũng ngổn ngang những chiếc xe bò chở bao tải nhựa. Thậm chí, nhiều hộ còn tận dụng khoảng sân, hiên ít ỏi của gia đình để làm nơi tập kết, phân loại rác y tế. Những túi nhựa thải bị ủ lâu ngày, lẫn trong đó là đủ thứ tạp chất, dịch, thực phẩm bẩn, nên khi trời mưa nước cứ thế rỉ ra và bốc mùi hôi tanh nồng nặc.
Khoảng 2 giờ chiều, đồng loạt các máy xay nhựa trong làng hoạt động. Sau khi xay xong, những mảnh nhựa nhỏ cỡ hạt đỗ đen sẽ tiếp tục được đổ ra các tấm bạt lớn để phơi khô ở bất cứ chỗ nào có thể: trong các con hẻm, chợ, sân bóng, thậm chí ở cạnh các sạp thịt, hàng ăn…
Còn tại làng Khoai, mỗi ngày có hàng chục xe tải lớn nhỏ chở cả trăm tấn nhựa phế thải, trong đó có rác y tế nguy hại từ khắp các nơi đổ về chờ tái chế. Làng Khoai có trên 900 hộ dân, thì hơn 2/3 số hộ làm nghề thu mua, tái chế nhựa thải.
Cũng như Triều Khúc, từng ngõ ngách trong làng Khoai đều chất những bao tải đựng nhựa thải thành đống, chắn cả lối đi. Con kênh thải nước từ làng ra đen ngòm, bốc mùi hôi thối. Chưa hết, khắp lượt ngõ trên, xóm dưới, mùi nhựa tái chế, mùi ni lông bị đốt cháy khét rất khó chịu, khiến ai đi qua cũng phải bịt mũi. Chất thải y tế gồm bơm tiêm, dây truyền, ống thở… là một trong số những loại rác được thu mua về tái chế tại đây. Anh Khải, một dân quân tự vệ ở làng Khoai, khẳng định các chất thải y tế được thu mua và tái chế bình thường giống như các loại chất thải bằng nhựa khác. “Do thu mua được với giá rẻ nên nhựa y tế thường được các hộ dùng làm sản phẩm bình dân như hộp xốp đựng cơm, thìa nhựa, ống hút, hộp đựng sữa chua, túi ni lông đựng thức ăn”, anh Khải nói.
Làm ra nhưng không dám dùng
|
Theo quy định, chất thải y tế phải được quản lý và xử lý triệt để nhằm tránh lây nhiễm nguồn bệnh tới cộng đồng, nhưng thực tế chúng lại được tuồn về các làng tái chế nhựa như nói trên. Đáng lo hơn, rác y tế từ các bệnh viện lớn gồm dây truyền, ống thở, bơm tiêm dính máu, dịch, không loại trừ các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như lao, tả, HIV, viêm gan B… khi gặp môi trường thuận lợi, sẽ dễ dàng lây nhiễm nguồn bệnh cho người tiếp xúc.
Ông Triệu Đình Tâm, Phó chủ tịch UBND xã Tân Triều, thừa nhận: “Cho dù là y tá, điều dưỡng hay nhân viên các bệnh viện có bán cho bất kỳ ai, hoặc bằng đường nào đi chăng nữa thì cuối cùng nhựa y tế vẫn cứ tập trung về làng Triều Khúc của chúng tôi. Và theo tôi được biết thì hiện các hộ trong làng rất chuộng dùng nhựa y tế để tái chế, bởi giá thu mua của loại này tương đối rẻ”.
Còn theo ông Vũ Văn Lên, Trạm trưởng Trạm y tế xã Tân Triều: “Nhựa được người dân thu mua về không được che chắn cẩn thận, nước mưa rơi xuống, đọng lại tạo môi trường thuận lợi cho ruồi muỗi phát sinh, tạo thành các ổ dịch gây ra các bệnh sốt xuất huyết, tiêu chảy… Ngoài ra, việc tái chế rác thải ở Triều Khúc đã thải ra môi trường một lượng lớn chất thải rắn, rất khó xử lý. Hiện ở làng nghề Triều Khúc cũng đã xuất hiện nhiều bệnh nhân chết vì ung thư do ô nhiễm nguồn nước”.
Trực tiếp từ thu mua phế liệu đến tái chế, dân làng nghề thừa biết mức độ an toàn của các sản phẩm họ làm ra. Vì thế, trong khi sản xuất ra đủ thứ đồ nhựa gia dụng tung ra thị trường thì họ lại bỏ tiền đi mua các sản phẩm cùng loại do các hãng lớn sản xuất để sử dụng. Hưng, chủ một cơ sở tái chế nhựa có tiếng ở làng Khoai, bật mí: “Không phải ngẫu nhiên Bộ Y tế lại cấm tái chế nhựa y tế và phải tiêu hủy đâu nhé. Nói cho cậu hay, từ quá trình phân loại, súc rửa… cho tới khi ra được thành phẩm, khi nào cũng tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm. Chính vì biết được điều này nên chẳng bao giờ dân làng Khoai sử dụng đồ tái chế bằng nhựa y tế cả”. Như để chứng minh, ông dẫn chúng tôi vào trong nhà “khoe” toàn bộ đồ dùng gia đình bằng nhựa, từ cốc, ca uống nước, cho tới lồng bàn, xô, chậu nhựa… đều là của những thương hiệu lớn.
Hà An – Hạnh Hương