26/11/2024

Mẹ và con trai

Khác với con gái, con trai thường kiệm lời và ít biểu lộ tình yêu với mẹ. Ngày của mẹ năm nay có ba người con trai đã nghiệm lại câu chuyện day dứt của mình với người đã sinh thành, dõi theo, nâng bước chân họ từ những khoảnh khắc đầu tiên của cuộc đời.

 

Mẹ và con trai

Khác với con gái, con trai thường kiệm lời và ít biểu lộ tình yêu với mẹ.

Ngày của mẹ năm nay có ba người con trai đã nghiệm lại câu chuyện day dứt của mình với người đã sinh thành, dõi theo, nâng bước chân họ từ những khoảnh khắc đầu tiên của cuộc đời.

“Sao mẹ không hiểu con?”

“Nếu không có biến cố đó, tôi sẽ chẳng bao giờ nhận ra mình đang có một tài sản vô giá ngay cạnh bên” – Phạm Nguyễn Phước Hải (30 tuổi, Q.Tân Bình, TP.HCM) khẳng định.

Tuổi thơ của Hải là những tháng ngày mệt nhoài với việc học. “Mẹ luôn muốn tôi phải nằm trong tốp đầu của lớp. Mẹ hay so sánh tôi với con cái của người thân, không cho phép tôi thua kém họ. Họ học Trường Lê Hồng Phong thì tôi phải vô Nguyễn Thượng Hiền, họ học trường Y dược thì tôi phải vào Bách khoa…” – Hải nhớ lại. Cậu bé Hải ngày đó gắng học chỉ để chiều lòng mẹ chứ không tìm được niềm vui trọn vẹn trong sách vở.

Tốt nghiệp ĐH, Hải đi làm và có nhiều cơ hội đi công tác, huấn luyện tại nước ngoài. “Tôi ít báo thời gian đi lẫn về cho mẹ. Tôi thích sự độc lập và không muốn mẹ ra sân bay đón mình. Nói thật lòng, những món quà tặng mẹ thời điểm đó thiên về nghĩa vụ hơn là xuất phát từ tình cảm thật” – Hải thú nhận.

Niềm vui của Phước Hải là được trò chuyện, thấy nụ cười móm mém của mẹ mỗi khi về nhà.
Niềm vui của Phước Hải là được trò chuyện, thấy nụ cười móm mém của mẹ mỗi khi về nhà.

Trong khi đó, Đặng Quang Hưng (25 tuổi, Q.Thủ Đức) đến bây giờ vẫn chưa thể quên những hành động thiếu kiềm chế trong ứng xử với mẹ thời niên thiếu. Lúc đó Hưng mê chơi hơn mê học, không rong ruổi làng trên xóm dưới với đám choai choai đồng lứa thì cũng cắm đầu “cày” game online. Với Hưng, thế giới ảo và “anh em” mới là mối quan tâm hàng đầu. Những lời la rầy từ mẹ đụng đến cục tự ái của thằng con trai mới lớn, và cách Hưng phản ứng lại mẹ nhiều lần khiến cả nhà hốt hoảng.

Mẹ giận Hưng chểnh mảng học hành nên dọa đốt tập sách, Hưng ôm tập ra ngoài sân và châm lửa… đốt thật! Mẹ dỗi Hưng chẳng quan tâm gia đình, dọa tự tử, Hưng đi mua hai chai thuốc chuột về nhà đặt lên bàn rồi nói: “Đây! Mẹ một chai, con một chai!”… Đằng đẵng nhiều năm, Hưng gây cho mẹ những nỗi muộn phiền chồng chất.

Với trường hợp của Lê Hoàng Tuấn (22 tuổi, Q.1), chán nản cảnh cha mẹ thường xuyên gây gổ, nhà nghèo rớt mồng tơi, thường xuyên chịu cảnh trọ rày đây mai đó… Tuấn nghỉ học từ năm lớp 6. Từ đó, Tuấn chỉ biết có game. Thời gian cậu ở ngoài đường nhiều hơn ở nhà. “Tôi từng giận mẹ vì mẹ luôn tặc lưỡi, ngần ngừ mỗi khi cho tôi vài ba ngàn đồng để tôi đi chơi trong khi gia đình tụi bạn chẳng bao giờ tiếc tiền cho con” – Tuấn nhớ mình đã rất ấm ức.

Những đổi thay…

Chỉ đến một lần đang mê mải chơi game, Tuấn thấy một cụ già còng lưng bán vé số bước vào tiệm, ánh mắt cụ buồn tênh, khắc khổ… Tuấn bỗng sực nhớ về mẹ. “Lúc đó tôi nghĩ mẹ cũng đang bươn chải đâu đó ngoài kia. Tôi nhớ đến những lần bắt gặp mẹ đang ăn bánh mì không, gương mặt buồn rười rượi mỗi khi bán hàng ế ẩm… Tôi đứng bật dậy chạy ngay về nhà” – Tuấn kể.

Sau đó, Tuấn bắt đầu theo phụ mẹ bán cơm lề đường ở khúc Đề Thám (Q.1). Lần đầu nhìn mẹ mướt mồ hôi giữa nắng gió, bụi bặm, khóe mắt thằng con trai 14 tuổi cay sè. Tuấn nhớ mãi hình ảnh mẹ lật đật căng cây dù lớn che hàng cơm trong một buổi chiều mưa lớn. Cây dù ngã đè lên chân mẹ. Máu túa ra nhưng mẹ vẫn cắn răng chịu đựng…

Sự vất vả của người mẹ lam lũ cho Tuấn quyết tâm đi học lại với khát vọng đổi đời cho mình, cho mẹ. Để kiếm tiền trang trải học phí, Tuấn xin làm nhân viên phục vụ tại một quán bar. Ca của Tuấn từ 2g trưa tới 1-2g sáng, lắm lần cậu về nhà trong trạng thái say xỉn vì phải uống cùng khách để có thêm tiền tip. “Cũng có khi khách, đồng nghiệp rủ tôi cắn thuốc lắc, dùng chất kích thích để vơi muộn phiền. Nhưng nhớ đến ánh mắt, lời khuyên của mẹ, tôi bừng tỉnh kịp thoát ra”.

Khi đã tích cóp đủ số tiền để mua chiếc xe cũ và đỡ đần phụ mẹ, Tuấn nghỉ làm rồi đăng ký học nấu ăn ở một trường nghề. Hiện Tuấn đã trở thành nhân viên nhà hàng L’Essential (Q.1) với thu nhập hơn 4 triệu đồng/tháng. “Dù đồng lương còn khiêm tốn nhưng tôi đọc được trong mắt mẹ niềm vui vì đứa con thất chí, vô tâm ngày nào nay thay đổi nhiều” – Tuấn chia sẻ.

Còn với Quang Hưng, trong một lần đi chơi về khuya có chút hơi men, Hưng lạc tay lái ngã đập mặt vào lan can cầu. Hưng được người đi đường đưa vào viện trong tình trạng sụm má, một bên chân mày rách toạc. Đứa con trai lì lợm không nhỏ một giọt nước mắt lúc bác sĩ may sống vết thương bỗng bật khóc nức nở khi nhìn thấy dáng mẹ hớt hải chạy tìm mình dọc hành lang bệnh viện. “Con xin lỗi mẹ” – Hưng nấc nghẹn. Lần đầu tiên Hưng nhìn vào mắt mẹ và nhận ra ở đó sự lo lắng, nỗi đau sâu thẳm.

Sau khi ra viện, Hưng tham gia sinh hoạt trong một gia đình phật tử. Mùa Vu lan đầu tiên, những lời kinh về sự hi sinh của mẹ khi sinh thành, nuôi dưỡng con cái như bóp nghẹt trái tim Hưng, giúp Hưng nhìn lại mình, ngẫm lại những vất vả, nhọc nhằn của mẹ. Những tháng sau đó, “anh chàng chơi bời” Quang Hưng khiến đám bạn nhậu ngạc nhiên khi dần vắng mặt ở các cuộc vui vầy, thay vào đó Hưng dành nhiều thời gian ở nhà với mẹ.

Nụ cười giãn ra trên gương mặt mẹ Hưng khi nói về Hưng của ngày hôm nay: “Hưng không còn cãi bác nữa. Có ai nặng nhẹ gì bác, Hưng cũng bênh. Hưng giờ biết phụ giúp công việc nhà, thỉnh thoảng cũng mua tặng hoa, quà cho mẹ…”.

Hãy yêu thương khi còn có thể

Đến tận bây giờ Phước Hải vẫn còn nhớ như in từng cung bậc cảm xúc ngày nhận được tin mẹ bị tai nạn giao thông. “Đó là sự hoảng loạn khi thấy mẹ nằm bất động, bê bết máu và biết não mẹ bị giập gần phân nửa, là cảm giác ray rứt khi chợt nhận ra bao lâu nay mình quá thờ ơ với mẹ. Và cảm giác tội lỗi khi thấy trong túi của mẹ rớt ra bộ hồ sơ học văn bằng hai mà mẹ đi đăng ký giùm tôi. Và vì nó mà mẹ bị như vậy…” – Hải nói, giọng nghẹn lại.

Quay về nhà để lấy áo quần thay cho mẹ, Hải sững người rồi bật khóc khi đứng trước tủ quần áo của mẹ. Trong chiếc tủ đó chỉ có một chiếc áo dài, vài ba bộ đồ bộ và xấp giấy khen thời đi học của Hải và người chị được bao bọc cẩn thận.

“Mọi người nói hãy chuẩn bị tinh thần cho tình huống xấu nhất. Cảm giác sắp mất mẹ khiến bao ký ức năm xưa kéo nhau ùa về. Tôi nhớ đến quá khứ mẹ phải tất tả ngược xuôi mưu sinh, có khi cầm cả áo quần để tôi và anh chị có cơm ăn, được đi học. Tôi nhớ gương mặt mẹ rạng rỡ ngày tôi tốt nghiệp ĐH và nhận được việc làm ngay… Những ký ức này gặm nhấm, cào xé tôi, nhất là khi lúc đó tôi mới nhận ra những kỳ vọng của mẹ là đều muốn tốt cho tôi” – Hải nhớ lại. Và Hải đã cầu nguyện thật nhiều, luôn túc trực bên giường bệnh chăm sóc, vệ sinh cho mẹ. Hải nuốt nước mắt khi người mẹ nhanh nhẹn, sắc sảo ngày nào giờ chỉ nằm bất động, ánh mắt vô hồn khi nhìn vào con trai mình.

Qua sáu tháng kiên trì tập vật lý trị liệu, sức khỏe mẹ Hải dần hồi phục. “Mẹ tôi bây giờ chân đi cà nhắc, răng rụng hết và tính tình như con nít, rất ngô nghê… nhưng mẹ vẫn còn bên tôi, đã nhận ra tôi. Thế là đủ” – Hải mỉm cười khoe.

Hải cho rằng nếu không có biến cố trên thì bản thân khó có thể nhận ra được việc có mẹ là niềm hạnh phúc vô bờ bến. “Ít ai biết quý trọng những gì đang tồn tại xung quanh mình cho đến lúc điều đó mất đi. Hãy yêu thương khi còn có thể, bởi ai cũng chỉ có một người để gọi là mẹ mà thôi” – Hải nói.

 

Theo Tuổi Trẻ