Xóm mồ côi, thôn góa phụ
Tỉnh Quảng Trị có nhiều làng “nổi tiếng” với nghề rà phá đạn bom. Đó là thôn Tân Hiệp, xã Cam Tuyền; thôn An Thái Thượng, xã Cam Thành, huyện Cam Lộ hay xã Hải Thái, huyện Gio Linh và phường 4, TP Đông Hà…Qua mấy mươi năm mưu sinh từ bom đạn, nhiều “xóm mồ côi, thôn góa phụ” đã xuất hiện.
Xóm mồ côi, thôn góa phụ
Qua mấy mươi năm mưu sinh từ bom đạn, nhiều “xóm mồ côi, thôn góa phụ” đã xuất hiện.
Vọng phu thời bình
300 năm nữa mới xong Theo thống kê chưa đầy đủ của Bộ Quốc phòng VN, số lượng bom mìn, vật nổ còn sót sau chiến tranh tại VN khoảng 800.000 tấn. Với tiến độ rà phá như hiện nay, Bộ Quốc phòng ước tính phải mất 300 năm nữa mới giải quyết hết. UBND tỉnh Quảng Trị cho biết hiện có 83% diện tích tỉnh này vẫn còn bom mìn, muốn rà phá hết vật liệu nổ còn lại sau chiến tranh phải cần hàng triệu đôla kinh phí và thời gian cũng hàng trăm năm. |
Tôi đã gặp chị Nguyễn Thị Hương ở thôn An Thái Thượng, một “bến không chồng”. Nói đúng hơn là chị từng có chồng, cũng có một mái ấm, nhưng rồi chồng chị vì hoàn cảnh khó khăn nên đã chọn nghề tháo gỡ bom đạn. Và lần nọ anh đã bị quả đạn pháo cướp đi sinh mạng, để lại chị chèo chống một mình nuôi đàn con dại với biết bao nhiêu gian nan. Nhưng tình cảnh này nào phải mình chị, còn biết bao số phận như thế trên những vùng quê mà con người phải chung sống với đạn bom.
Tôi cũng đã nghe nói nhiều về “xóm mồ côi”, “thôn góa phụ” ở xã Hải Thái, huyện Gio Linh. Đây là vùng đất nằm dọc theo hàng rào điện tử McNamara khét tiếng một thời chinh chiến. Nhiều người dân nơi đây lại chuyên sống bằng nghề rà phá, tháo mở đạn bom từ năm 1975 đến nay. Hầu như nhà ai cũng có người thân ruột thịt hay bà con họ hàng gặp nạn bởi đạn bom thời hậu chiến.
Ghé vào một quán tạp hóa ven đường thôn 6, xã Hải Thái, hỏi chuyện chị chủ quán Lê Thị Lai. Chị Lai cho hay chuyện cưa bom đục đạn kiếm sống ở đây kể cả ngày cũng không hết. Chỉ một thôn nhỏ mà có khi trong một ngày có đến năm người chết, cả làng đại tang. Một chị hàng xóm cũng có người thân thương vong như thế góp chuyện: “Biết chết đó nhưng nhiều người cứ lao vô. Không lao vô thì biết lấy chi mà ăn”.
Theo lời giới thiệu của chị Lai, tôi đến nhà bà Tạ Thị Thanh ở cùng thôn 6, xã Hải Thái. Một ngôi nhà tuềnh toàng hiện ra trước mắt. Bà Thanh có chồng là ông Nguyễn Nam Phúc cùng bảy đứa con. Chiến tranh loạn lạc mấy chục năm cả gia đình không có ai sứt mẻ. Tưởng hòa bình rồi thì không còn nơm nớp sợ cảnh tên rơi đạn lạc, mẹ góa con côi. Nhưng rồi cơm áo quá khó khăn, ông Phúc phải tìm đến đạn bom. Thấy vậy, bà can ngăn: ”Ông đừng đi nữa, lỡ ông chết bỏ vợ bỏ con. Ăn sắn ăn khoai cũng được…”. Nhưng lo cho chồng mà nói vậy chứ ngay cả khoai sắn cũng không biết lấy đâu ra. Vậy là ông Phúc tiếp tục làm cái nghề không biết sống chết lúc nào. Bà chỉ còn biết khấn vái, cầu trời phật phù hộ cho chồng mình tai qua nạn khỏi. Rồi một hôm khi ông tháo quả đạn pháo to thì đạn nổ vang trời. Một cái chết đã được báo trước. Biết mà đành phải nhắm mắt đưa chân. Bà đau khổ tột cùng tưởng như chết đi sống lại, rồi cũng phải gượng dậy gắng gỏi nuôi con.
Lần hồi bà Thanh cũng nuôi con rau cháo qua ngày.Thấy con cái lớn khôn,người mẹ mừng từng ngày. Rồi bà tính chuyện dựng vợ gả chồng cho con. Bà kể mình vay tiền cưới vợ cho người con lớn là Nguyễn Viết Trường. Đám cưới ít lâu, Trường sinh con, bà có cháu nội. Rồi hoàn cảnh khó khăn, Trường lại phải nối gót cha đi tìm miếng cơm từ bom đạn. Bà Thanh hoảng sợ và lại nói với con những điều như bà từng nói với chồng mấy năm về trước. Nhưng không đi tháo bom đạn thì gạo đâu mà bỏ vào nồi, chưa kể lại còn trả tiền vay lãi mẹ đẻ lãi con từ khi lo đám cưới. Rồi thì cũng mặc cho số phận đẩy đưa, sống được ngày nào mừng ngày đó.
Và điều gì đến phải đến. Trường đã lìa xa gia đình vĩnh viễn trong một lần tháo đạn, bỏ lại sau lưng tiếng khóc não nề của người thân, vợ dại con thơ và cả món nợ đám cưới mấy năm trời chưa trả được. Ngôi nhà ấy lại thêm một góa phụ. Vòng oan nghiệt cuộc đời lạnh lùng đi qua hai thế hệ của cùng một gia đình như món nợ truyền kiếp trong xứ sở đạn bom. Đành nói một câu nghe quen như tiếng thở dài: sinh nghề tử nghiệp. Riêng làng này đã có hàng chục gia đình mồ côi, góa phụ như thế.
Bà Thanh đang kể chuyện nhà thì có khách, đó là bà hàng xóm Lê Thị Bun. Nghe láng giềng có nhà báo về phỏng vấn, bà Bun liền sang chơi. Thấy kể chuyện bom đạn, bà Bun liền chỉ vào mình nói: “Thì kể mô xa, nhà tui đây cũng rứa. Con tui mới cưới, vợ hắn mới có bầu ba tháng, đi rà gặp phải bom bướm, rứa là chết bỏ vợ bỏ con, bỏ cả gia đình. Tui đứt ruột đứt gan mà cũng cố phải sống chớ không lẽ chết theo con. Mà chết răng được, phải sống mà lo cho cháu. Đám cưới hắn tui cũng vay nợ, trả mấy năm trời mới hết. Nhà ai ở vùng ni cũng dính đạn bom”. Tôi hỏi bà Bun: “Còn chồng chị thì sao?”. Bà trả lời có vẻ ngập ngừng: “Chồng tui không chết nhưng đã đi xa…”. Tôi nghe thấy điều gì khó hiểu từ một cảnh đời tan nát vì đạn bom.
Biết mần răng chừ?
Chồng bà Bun không chết thật, nhưng đó lại là một câu chuyện đau buồn khác.
Bà Bun kể trước đây vợ chồng bà cũng như bao vợ chồng khác đồng cam cộng khổ. Nói vậy thôi chứ ở miền quê này mấy ai được sung sướng, hạnh phúc đủ đầy. Nhưng dù khổ cực, chạy ăn từng bữa thì vợ chồng sớm hôm vẫn có nhau. Làm rẫy không đủ ăn phải kiếm thêm việc khác, xoay xở đủ nghề nhọc nhằn vẫn không đủ ăn đủ mặc. Rồi chồng bà như bao người đàn ông khác ở vùng đất này, không thể tránh khỏi cái nghề kiếm sống từ bom đạn. Một lần tháo đạn, ông không may bị cụt một chân. Tưởng bỏ được nghề nguy hiểm, nhưng lành vết thương cũng phải trở lại với bom đạn. Ông nghiến răng gắng gượng một thời gian thì giải nghệ. Nhưng không làm biết lấy gì mà sống, ông đã bỏ đi vào Nam biền biệt, đến nay vẫn chẳng thấy về. Vậy là làng xóm Hải Thái lại thêm một “bến không chồng”!
Khi được hỏi đàn ông ở đây có còn theo nghề rà phá bom đạn nữa không, bà Thanh và bà Bun đều cho hay lúc này họ đang bận trồng rừng. Nhưng xong việc trồng rừng họ lại tiếp tục đi rà kiếm ít tiền. Và ngay cả khi làm rẫy, họ vẫn không quên đem theo máy rà để tranh thủ kiếm thêm chút đỉnh. Trong số này có cả con em của hai bà. Chuyện này đã quen thuộc từ bao năm nay như cơm ăn nước uống hằng ngày.
Ở những miền quê như Quảng Trị người đàn ông vẫn là trụ cột trong việc mưu sinh. Và họ chính là người đầu tiên hứng chịu tai họa do bom đạn. Họ trở thành nạn nhân bom đạn dù cho chiến tranh đã lùi xa quá nửa đời người, chỉ còn trong phim ảnh. Còn những phụ nữ dù không hề hấn gì trước tai họa đạn bom, nhưng chính họ cũng là nạn nhân hậu quả chiến tranh, gánh hết mọi nỗi đau thương, mất mát.
Tôi đã nhìn thấy nhiều ngôi nhà tạm bợ, bữa ăn đạm bạc, những thiếu thốn cứ bày ra trước mắt từ các ngôi nhà có nạn nhân bom đạn, khi trụ cột gia đình đã ngã xuống để lại sau lưng những góa phụ. Nhớ lại lời chị Nguyễn Thị Hương: ”Nếu không có con e rằng tui đã chết theo chồng. Nhưng rồi mình cũng phải sống. Bòn tro đãi sạn ăn mắm mút giòi sống qua ngày tháng. Rồi con cái cũng khôn lớn. Nghĩ lại thấy không hiểu vì sao mình có thể qua ngày đoạn tháng đó”.
Một chuyện đáng lo ngại nổi lên trong thời gian gần đây là những cặp vợ chồng cùng rà bom đạn kiếm phế liệu bán lấy tiền, rồi cả chuyện gom thuốc nổ lén lút bán ra thị trường. Nghĩ mà thêm lo cho những đứa trẻ. Nhưng bên tai tôi vẫn còn văng vẳng câu nói của chị Trần Thị Lý ở xã Cam Thành, huyện Cam Lộ, một người đi rà bom đạn suốt mấy năm nay: “Vợ chồng tui quen nghề ni rồi, cũng phải nuôi con ăn học. Còn chuyện may rủi thì lạy trời, trời kêu ai nấy dạ chứ biết mần răng chừ?”.
PHẠM XUÂN DŨNG