Thay đổi quan niệm để dẹp nạn trộm chó
Luật sư Đặng Xuân Cường nhận định: “Việc định giá hiện nay nhìn con chó là một loại thực phẩm, 1 kg tương đương 100.000 đồng, một con chó 10 kg là 1 triệu đồng là không công bằng vì con chó không chỉ là tài sản mà còn mang ý nghĩa về tinh thần rất lớn”
Thay đổi quan niệm để dẹp nạn trộm chó
Xét dưới cả góc độ nhân văn và luật pháp, hành vi trộm chó đều gây tổn thương, mất mát tinh thần khó bù đắp bằng vật chất.
|
Đó là điều mà những người xây dựng và thực thi pháp luật cần tính đến khi trấn áp nạn trộm chó. Không chỉ bắt chó thịt, những giống chó quý hiếm ngay tại Hà Nội cũng rơi vào tầm ngắm của đạo chích. Nhiều chủ nhân phải bỏ ra cả đống tiền chuộc lại thú cưng. Đó là tình huống anh Đỗ Hồ C., nhà ở phố Hai Bà Trưng (Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội), mới trải qua cách đây không lâu.
Anh C. kể một lần đi tập thể dục buổi sáng chỉ mươi phút lơ là, con chó của anh đã “biến mất”. Anh C. coi chó như người bạn nên không tiếc công đi tìm. Không vội xuất đầu lộ diện, kẻ gian chờ khi anh C. có dấu hiệu muốn bỏ cuộc, sau khoảng 1 tháng tìm kiếm, mới chủ động liên lạc. Cuối cùng, anh C. đành chấp nhận trả cho người “giúp” đưa chó về nhà với số tiền 40 triệu đồng. Sau này tìm hiểu thêm, anh C. mới vỡ lẽ con chó đang nuôi là mục tiêu bị “đặt hàng” bắt trộm.
|
Thay đổi cách định giá
Những kẻ trộm, cướp chó không bị pháp luật trừng phạt nghiêm minh là mầm mống khiến người dân bức xúc và buộc phải dùng đến “luật rừng” khiến cả người mất của lẫn kẻ trộm đều có thiệt hại, thậm chí mất mạng chỉ vì con chó. Đây là quan điểm của ông Nguyễn Bảo Sinh, Giám đốc khách sạn chó mèo nổi tiếng ở Hà Nội, người có nhiều năm kinh doanh các dịch vụ lưu trú, xây nghĩa trang an táng, nghĩa trang chôn cất dành riêng cho những loài này ngay giữa lòng thủ đô Hà Nội.
Ông Sinh cho rằng trong quan niệm xã hội, chó chỉ là động vật nuôi trong nhà, giá trị nhỏ, nếu mất trộm, bị cướp đi thưa kiện ra cũng chẳng được đoái hoài. Đời sống ngày càng nâng cao, nhiều gia đình nuôi chó cảnh hoặc sở hữu giống chó đắt tiền có giá trị hàng chục, hàng trăm triệu đồng. Với họ đây cũng là tài sản lớn. Thế nên hệ thống pháp luật cần thiết bổ sung quy định pháp lý giúp người dân chứng minh, khẳng định quyền sở hữu chó, có cơ chế định giá rõ ràng như là tài sản cá nhân bình đẳng như những đồ vật, phương tiện khác để phân xử các tình huống tranh chấp hoặc làm căn cứ khép tội, xử lý hình sự khi tài sản vật nuôi này bị cưỡng đoạt, mất trộm. Trong trường hợp, chó có giấy tờ chứng nhận mua bán có thể xem đây là căn cứ xử lý hình sự mà không cần phải đưa ra định giá.
Nhìn nhận về xử lý hành vi trộm chó hiện nay dưới góc độ hình sự hay hành chính, luật sư Đặng Xuân Cường (Văn phòng luật sư Trương Anh Tú, Hà Nội) cho rằng đều có hàng loạt vấn đề không ổn. “Việc định giá hiện nay nhìn con chó là một loại thực phẩm, 1 kg tương đương 100.000 đồng, một con chó 10 kg là 1 triệu đồng là không công bằng vì con chó không chỉ là tài sản mà còn mang ý nghĩa về tinh thần rất lớn”, luật sư Cường nói. Xử lý về hành chính cũng gặp nhiều khó khăn, khi giá trị một con chó không lớn mà việc xác minh tốn kém chi phí nên cơ quan chức năng có tâm lý e ngại. Trộm chó sẽ bị xử lý hình sự nếu từng bị xử lý hành chính nhưng trên thực tế những đối tượng gây án nay đây mai đó nên việc kết nối để xác định hành vi các đối tượng gặp nhiều trở ngại. Để trộm chó không còn lộng hành, không xảy ra tình trạng dân bức xúc “tự xử” như thời gian qua, luật sư Cường cho rằng cần phải thay đổi quan niệm con chó không chỉ là thực phẩm mà là động vật nuôi trong nhà, là bạn của mỗi gia đình để có thay đổi về cách ứng xử.
“Tôi là người yêu chó, tôi đi du lịch ở Phú Quốc mua một con chó giá 10 triệu đồng, mất tiền vận chuyển, thăm khám tiêm phòng, chăm sóc nhưng chẳng may bị trộm bắt mất thì không thể định giá con chó đó theo thực phẩm chỉ vài trăm ngàn đồng mà phải tính cách khác. Phải mời chuyên gia về động vật nuôi để tính giá trị con chó giống Phú Quốc là bao nhiêu, giống béc giê là bao nhiêu”, ông Cường nói và cho rằng phải bổ sung thêm việc bồi thường về tổn thất tinh thần cho người chủ chó hoặc xem xét để quy nạp đối với các đối tượng trộm chó về các hành vi ngược đãi, hoặc giết hại vật nuôi trong nhà.
Vật nuôi mang nhiều ý nghĩa Đi tiên phong mở nghĩa trang thậm chí nhiều lần tổ chức lễ cầu siêu cho chó, ông Nguyễn Bảo Sinh kể ông từng chứng kiến nhiều người khóc lóc thảm thương khi mang chó đến đây chôn cất mới thấm thía, cảm nhận sâu sắc về tình cảm họ dành cho con vật có tiếng trung thành với chủ. Ở nghĩa trang ông Sinh đang quản lý, nhiều ngôi mộ chó có cả di ảnh, khắc cả năm sinh tháng tử. Không ít trường hợp, chó chôn cả chục năm rồi mà ngày giỗ, chủ vẫn mang đồ ăn quen thuộc của chó khi còn sống để đốt hương tưởng nhớ. “Với nhiều gia đình, con chó là vật nuôi mang ý nghĩa tâm linh, mang lại may mắn cho gia chủ. Chó mất hoặc chết đi, người ta thương nhớ, suy sụp, cũng vì lẽ ấy nên giá trị của con chó không thể ráo hoảnh mà nhìn vào số cân nặng, giá bán thịt là xong”, ông Sinh nói.
|
Giá trị không thể quy từ trọng lượng Loạt bài trộm chó lộng hành của Báo Thanh Niên đã đặt ra cho những nhà quản lý một thực trạng nhức nhối được nhiều người, nhiều tầng lớp quan tâm. Đứng về phía những người yêu thú nuôi, tôi khẳng định rằng chó là loài vật có trí khôn, rất trung thành với con người. Giá trị của loài chó không thể quy ra trọng lượng, cân nặng mà còn là giá trị tinh thần, là tình cảm giữa chủ và vật nuôi. Khi bị mất chó, người nuôi rất bức xúc, thậm chí đau khổ, tổn thương tinh thần kéo dài. Chính vì vậy loài chó cần được bảo vệ, cần phải sửa đổi các quy định pháp luật hiện nay theo hướng tăng nặng hình phạt đối với hành vi trộm chó, giết mổ chó trái phép. Từ loạt bài của Thanh Niên chúng tôi sẽ thống nhất ý kiến trong hiệp hội để có một văn bản chính thức kiến nghị cơ quan quản lý nhà nước về vấn đề này để có một giải pháp sâu sát hơn, phù hợp hơn với thực tế hiện nay. Ông Nguyễn Văn Lãng Q.Thuần (ghi)
|
Phan Hậu – Thái Sơn