26/11/2024

Gạo, lá mì và muối kiến đến trường thi

Thi cử đối với học sinh ở miền xuôi là những thời khắc đặc biệt, nhưng đối với 85 học sinh ở hội đồng thi Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (xã Ia Đréh, huyện Krông Pa, Gia Lai) thi cử không khác gì… những ngày đến trường bình thường.

 

Gạo, lá mì và muối kiến đến trường thi

Thi cử đối với học sinh ở miền xuôi là những thời khắc đặc biệt, nhưng đối với 85 học sinh ở hội đồng thi Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (xã Ia Đréh, huyện Krông Pa, Gia Lai) thi cử không khác gì… những ngày đến trường bình thường.

Rcom Truyên nằm trên giường bệnh để coi lại bài chuẩn bị cho buổi thi thứ hai – Ảnh: B.D.

Sau buổi thi môn văn của ngày thi đầu tiên, nhóm học sinh Ja Rai của Trường THPT Đinh Tiên Hoàng chạy vội về khu ký túc xá được nhà trường bố trí cách địa điểm thi khoảng 2 cây số để chuẩn bị bữa trưa. Bữa trưa ngày thi của học sinh Ja Rai gồm một hộp muối kiến vàng ăn kèm với cơm, vài gói mì và hai bó lá khoai mì non để nấu lấy nước canh.

Đi thi một mình

Nhà cách xa trường hàng chục cây số, để có thể ở lại trong những ngày thi tại trường, mỗi học sinh Ja Rai tại điểm thi Trường Đinh Tiên Hoàng hành trang đến phòng thi ngoài sách vở, áo quần còn có gạo và lá mì. Gạo được bọc trong bao nilông đủ cho sáu bữa ăn trong ba ngày thi, vài gói lá mì được gói cẩn thận để giữ tươi non. Thầy Ninh Văn Dậu, giáo viên Trường Đinh Tiên Hoàng, ái ngại khi chứng kiến bữa ăn của học trò: “Ngày đi học bình thường thấy các em ăn đã khổ mà ngày thi còn khổ hơn. Ăn uống thế lấy đâu sức mà thi cho nổi?”. Nghe thầy giáo “phê bình”, nhóm học sinh níu vai nhau cười đùa: “Ăn thế là ngon rồi đó thầy, toàn món đặc sản cả”.

 

“Biết đậu đại học là rất khó nhưng phải cố gắng vì quay trở về làng khổ lắm, nương rẫy giờ cũng khó làm, cha mẹ làm rẫy cứ nghèo miết”

NAY CHUNH

 

“Từ ngày được nghỉ học trên lớp em về nhà phụ cha mẹ làm rẫy, tranh thủ thời gian rảnh rỗi ôn thi. Hai ngày trước ngày thi, em xin phép cha mẹ nghỉ làm để lên trường đi thi thì cha hỏi: được nghỉ học rồi sao còn đến trường làm gì nữa Ksor Phướk?” – Ksor Phướk (buôn Jy A, xã Krông Năng, huyện Krông Pa) kể.

Không chỉ Ksor Phướk mà tất cả học sinh Ja Rai tại Krông Pa đều đến trường thi trong sự khốn khó và phải tự lo tất cả mọi việc. Ksor H’Lú (buôn Hlối, xã Krông Năng) cho biết cha mẹ em không biết về việc thi cử của con. “Cha mẹ em không biết chữ, hằng ngày phải lên nương lên rẫy làm cực nhọc nuôi năm anh em chứ việc học hành, thi cử em phải tự chủ động”. H’Lú nói trước ngày thi chỉ vài ngày em còn phải tất bật lên nương, bận bịu với mùa màng phụ cha mẹ. Thời gian học duy nhất của H’Lú là đêm về, nhưng những lúc ngồi vào bàn học thì thân thể cũng rã rời vì cả ngày làm việc mệt nhọc.

Buổi sáng trước ngày thi, H’Lú cùng bạn bè mang theo gạo, lá mì, đồ ăn rồi đi bộ 12 cây số từ làng ra đến trường xin vào ký túc xá ở cùng bạn bè để thi cử. Để tiết kiệm và hỗ trợ nhau ôn bài, cả nhóm tập trung lại một phòng rồi góp gạo nấu cơm ăn cùng nhau. Bữa cơm của H’Lú cùng sáu cô học trò Ja Rai khác chỉ có một nồi cơm đầy ắp, nồi canh lá khoai mì nấu với mì gói và hộp muối kiến vàng – món ăn chống đói của người dân tộc Ja Rai.

Vừa nằm vừa học

Thầy Ninh Văn Dậu cho biết Trường THPT Đinh Tiên Hoàng chủ yếu là học sinh dân tộc Ja Rai ở hai xã Ia Đréh và Ia Rmók (huyện Krông Pa, Gia Lai). Ở vùng khó bên kia bờ sông Ba, đời sống của học trò hầu hết rất nghèo và việc học hành bị chi phối nhiều bởi hủ tục nhưng học trò Ja Rai ở đây có một ý chí rất lớn.

 

Đi thi được tiền

Chia sẻ với những khó khăn của học sinh dân tộc thiểu số, kỳ thi năm nay các huyện tại Gia Lai đều trích kinh phí để hỗ trợ các em trong những ngày thi cử. Cụ thể: mỗi học sinh dân tộc ở huyện Kbang, Chư Păh, Đức Cơ, Đắk Pơ đi thi được lãnh 300.000 đồng; huyện Mang Yang là 280.000 đồng; huyện Kông Chro, Chư Pưh, Ia Grai 200.000 đồng; huyện Ia Pa, Krông Pa, Đắk Đoa 150.000 đồng; huyện Phú Thiện và Hội Khuyến học huyện Chư Sê cũng hỗ trợ mỗi em 100.000 đồng.

 

Dưới mái tôn nóng như thiêu đốt của khu ký túc xá, Ksor Sék và Nay Chunh – đều ở xã Krông Năng – quên giờ ăn trưa để cùng nhau ôn lại bài vở trước lúc vào giờ thi. Cả Sék và Chunh đều cho biết mục tiêu hướng đến của bản thân là đậu vào ngành quản trị kinh doanh Trường đại học Quy Nhơn.

Trong số 85 học trò Trường Đinh Tiên Hoàng, nhiều thầy cô mỗi khi nói về ước mơ, nghị lực đều nhắc đến câu chuyện của Rcom Truyên (buôn Hvứt, xã Ia Đréh). Không may mắn như bạn bè cùng trang lứa, 12 năm đến trường của Truyên là chừng ấy thời gian Truyên phải học bài trên giường bệnh, chống chọi với những cơn đau lưng khủng khiếp.

Truyên bị chứng viêm bàng quang và hở cột sống, không thể ngồi học bình thường như bạn bè mà phải nằm trên giường để học. Cô Huệ, giáo viên Trường Đinh Tiên Hoàng, cho biết để có thể làm bài trong mấy ngày thi tốt nghiệp, Truyên phải mua thuốc giảm đau uống trước, thời gian làm bài thi Truyên ngồi được nhưng về đến nhà là lại nằm xuống giường. “Bệnh của em không ngồi lâu được, ngoài giờ lên lớp thì ở nhà em phải nằm trên giường để học” – Truyên nói.

Ngoài việc chống chọi với bệnh tật, Truyên cũng là thí sinh khá đặc biệt ở hội đồng thi Đinh Tiên Hoàng: thí sinh duy nhất chọn môn tiếng Anh để làm bài. Truyên cũng là một trong hai học sinh có kết quả học tốt nhất ở ngôi trường này. “Em đau yếu thế này chắc chắn không thể làm nương rẫy được nên đã đăng ký vào ngành quản trị kinh doanh và sư phạm tiếng Anh Đại học Quy Nhơn” – Truyên nói.

THÁI BÁ DŨNG