08/01/2025

Quanh quẩn sau giờ tan ca

Trong những khu nhà trọ quanh Khu công nghiệp (KCN) Sóng Thần (thị xã Dĩ An, Bình Dương), hầu hết công nhân đều có cuộc sống na ná nhau: chỉ biết tới hai nơi là nhà xưởng và dãy nhà trọ.

 

Quanh quẩn sau giờ tan ca

Trong những khu nhà trọ quanh Khu công nghiệp (KCN) Sóng Thần (thị xã Dĩ An, Bình Dương), hầu hết công nhân đều có cuộc sống na ná nhau: chỉ biết tới hai nơi là nhà xưởng và dãy nhà trọ.

Chiếc tivi cũ mèm của anh em Thắm có gắn cáp nhưng kênh nào cũng “muỗi và sôi” nên chẳng mấy khi họ mở lên xem – Ảnh: Vũ Thủy

Tại một khu nhà trọ gần 50 phòng nằm sát cầu vượt Sóng Thần, gần 18g nhưng nhiều phòng trọ vẫn còn khóa, cửa đóng im ỉm. Công nhân vẫn chưa tan ca về…

Chỉ có điện thoại làm bạn

 

“Công nhân thích tăng ca, doanh nghiệp thích tăng ca”

 

Làm thợ xây cho một công ty xây dựng, hôm nay trời mưa lất phất cả ngày nên anh Nguyễn Thế Trường (27 tuổi, quê Nghệ An) nghỉ ở nhà. Anh đã mua sẵn mớ rau và ít đồ ăn, đang đợi hai người em gái làm công nhân trong KCN Sóng Thần về nấu cơm. Người thì 18g mới về, còn người tăng ca tới 20g.

Hơn chín năm làm công nhân, điệp khúc quen thuộc hằng ngày của anh Trường là 6g leo lên xe buýt đi làm, 18g về đến nhà. Mệt phờ, loay hoay đi ngủ rồi lại đi làm tiếp nên gần chục năm qua, anh chưa một lần đến trung tâm TP.HCM hay Bình Dương thăm thú. Phần vì không có xe, phần vì đi làm mệt chỉ muốn nghỉ ngơi và vì kinh tế eo hẹp nên có đi đâu cũng ngại do phải dè sẻn, chắt bóp.

Còn nơi họp mặt, giao lưu của nhiều công nhân nữ ở khu vực này chỉ là khu chợ Khiết Tâm, chợ Việt Lập nằm kề KCN. “Công nhân có mua sắm gì đâu, lâu lâu dành dụm được chút ít ra chợ mua mấy bộ đồ mặc ở nhà rồi quay về” – chị Hoàng (26 tuổi), cùng chung dãy trọ với anh Trường, kể. Phòng trọ của vợ chồng chị chẳng có tivi, chỉ có đầu đĩa nghe nhạc, cứ ở nhà là mở cả ngày. Có một cái điện thoại thì hai vợ chồng dùng chung để tiết kiệm tiền, đăng ký 3G để lên mạng đọc tin tức này nọ. Những chuyến đi chơi thật hiếm hoi vào những ngày lễ tết cũng chỉ là những lần xuống nhà họ hàng ở Đồng Nai.

Chị Hoàng bảo mấy năm gần đây, nhờ có điện thoại thông minh giá rẻ và 3G nên công nhân mới có cái để nghe nhạc, đọc báo. Ngoài điện thoại thì hầu như giải trí chỉ là con số 0. Còn Thắm, em gái của anh Trường, học xong lớp 9 vào làm công nhân được hai năm, phương tiện giải trí của cô cũng là chiếc điện thoại để chơi game, đọc tin tức, chat với bạn bè qua Facebook. Nhưng tháng này cô cũng không đăng ký 3G nữa vì đắt quá. Trong phòng trọ chừng 12m2 chỉ có một cái tivi 11 inch đã cũ, gắn cáp của chủ trọ, mỗi tháng trả 30.000 đồng nhưng cáp nhiều người dùng, tivi cũ nên “xem muỗi và sôi lắm”.

Gần đó, tại căn phòng trọ bé xíu ở khu phố Bình Đường 3 (thị xã Dĩ An), hai anh em anh Nguyễn Văn Hùng (22 tuổi, quê Thanh Hóa) vừa nghe nhạc từ điện thoại được gắn vào cái loa bé xíu xiu, vừa nấu nướng chờ cô em út tăng ca về để cùng ăn cơm. “Năm rồi không về quê mới có tiền mua điện thoại đấy, không thì chẳng có gì giải trí cho đỡ buồn sau giờ làm” – anh Hùng bảo. Phòng trọ có một cái tivi nhưng đã hư đèn hình sau khi sửa tới sửa lui dăm ba bận nên điện thoại là phương tiện giải trí duy nhất của hai anh em. Không nghe nhạc thì lên mạng bằng WiFi “chùa” xin được khi đi uống cà phê ở mấy quán gần đấy.

Gần dãy trọ không có nơi nào để dạo chơi. Công viên gần nhất là khu công viên nước Dĩ An cũng phải mất hơn nửa giờ đi bộ và “cũng toàn trò chơi thú nhún, nhà banh cho con nít” nên 21g-22g hai anh em đã đi ngủ. Những ngày này đã vào mùa World Cup nhưng ở những dãy trọ công nhân không khí khá im ắng, dường như chẳng ai để ý. Anh Hùng nói cũng muốn xem nhưng không có chỗ để xem và phải để dành sức đi làm.

Đời sống tinh thần bị bỏ quên

 

Nhiều giải pháp nâng cao đời sống tinh thần cho công nhân

Ông Nguyễn Văn Ngàng, phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động VN, cho rằng ngoài việc phối hợp với chính quyền địa phương để dành đất xây dựng sân vận động, sân tennis và các sân cầu lông, bóng bàn… công đoàn sẽ phối hợp đầu tư xây dựng trụ sở văn hóa, trong đó có tủ sách pháp luật, tư vấn pháp luật… đến từng KCN.

Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Hồ Anh Tuấn cho biết ngay sau đợt làm việc này, bộ sẽ có các giải pháp nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân tại các địa phương như hỗ trợ các hoạt động về điện ảnh, biểu diễn nghệ thuật, thể thao… vào tháng 7, 8 sắp tới. Ông Tuấn cũng cho biết sẽ gấp rút kiến nghị các ngành chức năng hoàn chỉnh hệ thống văn bản pháp quy, tạo hành lang pháp lý để đưa đời sống văn hóa đến các KCN. 

 

Từ ngày 9 đến 11-6, đoàn công tác của Bộ VH-TT&DL, Tổng liên đoàn Lao động VN đã có đợt khảo sát, làm việc với các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu về việc nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân tại các KCN.

Tại các buổi làm việc với lãnh đạo Bộ VH-TT&DL và Tổng liên đoàn Lao động VN, các đại biểu đại diện cho công đoàn, ngành VH-TT&DL các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết công nhân tại các KCN phần lớn ở độ tuổi từ 20-35, trong đó có đến hơn 50% sống xa gia đình và không có người thân thích ở cạnh. Việc không có các trung tâm giải trí nằm trong các KCN (hoặc có nhưng do các doanh nghiệp tự đầu tư) khiến việc tuyên truyền các chính sách pháp luật của Nhà nước gặp nhiều khó khăn, bởi các tổ chức Đoàn thanh niên hay công đoàn có muốn tổ chức các chương trình văn nghệ phục vụ công nhân thì cũng không thể tìm được địa điểm.

Các báo cáo cũng như ghi nhận của đoàn công tác cho thấy trong thời gian khá dài đời sống tinh thần của công nhân đã bị bỏ quên. Đồng thời, việc thực hiện đề án của Chính phủ về nâng cao đời sống văn hóa cho công nhân chưa được hiệu quả. Bởi vậy, việc tập trung trong thời gian tới là đồng loạt triển khai các chương trình, kế hoạch nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân trong các KCN, khu chế xuất.

Các ban ngành chức năng của tỉnh Đồng Nai cũng cho biết đã 10 năm qua nhưng dự án xây dựng nhà văn hóa trong KCN không thực hiện được dù năm 2011 Thủ tướng đã ban hành quyết định 1780 về việc xây dựng đời sống văn hóa công nhân ở các KCN đến năm 2015, định hướng đến năm 2020.

“Công nhân thích tăng ca, doanh nghiệp thích tăng ca” là ý kiến của đại diện doanh nghiệp Becamex (Bình Dương) khi nói về thời gian rảnh rỗi của những công nhân mà doanh nghiệp này khảo sát. Tăng ca công nhân có thêm tiền, tăng ca doanh nghiệp thúc đẩy được sản xuất. Bởi vậy, dù không ai ép ai thì công nhân cũng thích tăng ca. Hoặc nếu công nhân không tăng ca thì ngày nghỉ họ cũng chỉ tụ tập bạn bè, mua đồ về nấu nướng cải thiện bữa ăn hoặc đi thăm người thân. Qua khảo sát, các đơn vị này cho biết nhu cầu của công nhân rất nhỏ, họ mong muốn có dịch vụ vào đến gần khu trọ và rẻ tiền để có thể vừa được giải trí mà không tốn nhiều tiền.

V.THỦY – H.ĐIỆP – M.PHƯỢNG