14/01/2025

La liệt bằng giả

Ngày càng nhiều cơ quan, tổ chức nhờ các trường ĐH xác minh tính thật – giả của những tấm bằng ĐH khả nghi và vô số bằng giả đã “lộ sáng” chỉ cần nhìn bằng mắt thường, chưa cần tra cứu sổ sách.

La liệt bằng giả

Ngày càng nhiều cơ quan, tổ chức nhờ các trường ĐH xác minh tính thật – giả của những tấm bằng ĐH khả nghi và vô số bằng giả đã “lộ sáng” chỉ cần nhìn bằng mắt thường, chưa cần tra cứu sổ sách. 

 

 

Quảng cáo nhận làm bằng giả trên Internet. Chỉ cần khoảng 7 triệu đồng là có tấm bằng ĐH kèm theo bảng điểm - Ảnh: MINH GIẢNG

 

Đầu năm 2014, một cơ quan nhà nước đã gửi công văn đề nghị Trường ĐH Hùng Vương TP.HCM tra cứu và cung cấp thông tin của hàng chục người xem những người này có được đào tạo, học tập và có được cấp bằng tốt nghiệp tại trường hay không. Mới chỉ nhìn qua danh sách gửi đến, nhà trường cũng có thể phát hiện nhiều điểm đáng ngờ.

Râu ông nọ cắm cằm bà kia

Có những bằng không cần tra cứu số xêri cấp bằng, số vào sổ… cũng có thể nhận thấy đó là bằng giả. Tại Trường ĐH Hùng Vương, chỉ có hiệu trưởng mới ký bằng tốt nghiệp.

Tuy nhiên, trong số nhiều bằng tốt nghiệp ĐH được gửi đến nhờ giám định, có khoảng 10 người ký vào bằng, trong đó nhiều người không phải là hiệu trưởng, thậm chí không phải là người của Trường ĐH Hùng Vương TP.HCM.

Khôi hài nhất là có bằng còn có cả chữ ký và tên của một người cả chục năm nay là hiệu trưởng Trường CĐ Tài chính hải quan. Ông này chưa từng làm việc tại ĐH Hùng Vương TP.HCM chứ chưa nói đến việc làm hiệu trưởng để ký vào bằng tốt nghiệp cấp cho sinh viên.

 

Bằng được cấp trước khi… thành lập trường

Bà Nguyễn Thị Mai Bình – trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Hùng Vương TP.HCM – cho biết trường được thành lập năm 1995 nhưng có đơn vị chuyển cho trường bằng tốt nghiệp nhờ xác minh trong đó ghi thời gian cấp bằng là năm… 1994 – tức là bằng được cấp trước khi trường thành lập. Hay như ngành kỹ thuật xây dựng bậc ĐH năm 2014 trường mới có sinh viên tốt nghiệp nhưng năm 2013 đã nhận được yêu cầu xác minh bằng tốt nghiệp ĐH ngành này do doanh nghiệp gửi đến.

 

Mới đây nhất, nhân viên một phòng công chứng đã liên hệ với trường nhờ xác minh bằng tốt nghiệp kỹ sư… kế toán do trường cấp (chính xác phải là cử nhân kế toán – PV). Đó là những thông tin mà nhìn vào có thể thấy ngay là bằng giả.

Cũng liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Hữu Năng – phó trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Văn Hiến – cho hay trường vừa xác minh bằng cấp theo yêu cầu của một đơn vị và phát hiện hơn 10 bằng tốt nghiệp ĐH giả. Những bằng này không phải do ĐH Văn Hiến cấp.

Trong số này, có một số chữ ký với tên của những người từng là hiệu trưởng của trường nhưng chữ ký rất khác.

Trong khi đó có những người chưa từng là hiệu phó, hiệu trưởng của trường cũng ký vào những bằng tốt nghiệp nói trên. Thậm chí chủ tịch hội đồng quản trị cũng ký bằng tốt nghiệp!

Nhìn là biết giả

Việc xác minh bằng cấp hiện nay, theo các trường ĐH, là công việc thường xuyên bởi năm nào cũng có yêu cầu xác minh bằng cấp, nhất là từ các cơ quan nhà nước.

Theo ThS Nguyễn Văn Đương – phó trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, mới đây trong số hơn 10 bằng tốt nghiệp do Viettel gửi đến nhờ trường xác minh đã có mấy cái là bằng giả.

Hiện trường đang tiếp tục xác minh vài trăm bằng tốt nghiệp do đơn vị này gửi tới. Năm nào trường cũng nhận được khá nhiều yêu cầu xác minh từ các đơn vị, doanh nghiệp và số bằng giả không phải ít.

Tương tự, bà Nguyễn Thị Mai Bình (trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Hùng Vương TP.HCM) chia sẻ hằng năm trường đều nhận được rất nhiều yêu cầu xác minh văn bằng từ các trường và hầu như lần nào cũng có bằng giả. Có đợt cao điểm, trường xác minh và phát hiện hơn 20 bằng giả cùng lúc.

Những bằng giả này còn kèm theo bảng điểm chi tiết do trưởng phòng đào tạo ký. Tuy nhiên nhìn vào sẽ biết ngay đó là chữ ký giả.

Đại diện Trường ĐH Công nghệ TP.HCM cho biết hằng năm trường nhận được khá nhiều yêu cầu xác minh văn bằng từ các đơn vị bên ngoài. Khoảng 20% số bằng tốt nghiệp xác minh cho kết quả là bằng giả.

Trong khi đó, ông Lâm Thành Hiển – phó hiệu trưởng Trường ĐH Lạc Hồng – cho biết đa số yêu cầu xác minh văn bằng đến từ các doanh nghiệp nhà nước, rất hiếm khi có yêu cầu từ các doanh nghiệp tư nhân.

Mặc dù tinh vi hơn khi ghi đúng tên và chữ ký của hiệu trưởng (scan lại) nhưng theo ông Nguyễn Đức Minh – trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, những người làm bằng giả vẫn bị hớ.

 “Ông Trần Tuấn Anh làm hiệu trưởng nhà trường một thời gian nhưng ông chưa bao giờ ký vào bằng tốt nghiệp cho sinh viên. Tuy nhiên, vẫn có một số bằng tốt nghiệp được gửi tới trường nhờ xác minh, trong đó người ký vào bằng lại là ông Trần Tuấn Anh. Nhiều bằng giả rất tinh vi, thoạt nhìn giống y như bằng thật nhưng chỉ cần kiểm tra một số thông tin là biết ngay” – ông Minh nói.

Trưởng phòng đào tạo một trường ĐH cũng cho biết hầu hết các trường đều có các dấu hiệu đặc biệt trên bằng tốt nghiệp. Bằng giả sẽ không có những dấu hiệu này nên bằng mắt thường có thể nhận biết đó là bằng thật hay giả.

MINH GIẢNG

 

 

 

Nhiều cán bộ xã xài bằng giả

Ngày 16-6, ông Vũ Thành Nam, chánh văn phòng UBND huyện Đạ Tẻh (Lâm Đồng), xác nhận trong đợt thi tốt nghiệp THPT vừa qua, huyện Đạ Tẻh có bảy cán bộ cấp xã phải thi lại tốt nghiệp vì trước đó đã sử dụng bằng giả. Đây là những cán bộ đang giữ chức vụ chủ tịch UBND, trưởng ban tổ chức đảng ủy, cán bộ tư pháp tại một số xã như Đạ Pal, Triệu Hải, Quảng Trị… Việc sử dụng bằng THPT giả của những cán bộ này đã được UBND huyện phát hiện và xử lý kỷ luật với hình thức cảnh cáo từ năm 2013. Đến nay, UBND huyện tạo điều kiện cho những cán bộ này thi lại để chuẩn hóa bằng cấp.

Tại Nghệ An, ông Lê Đình Lý – phó giám đốc Sở Nội vụ Nghệ An – cho biết trong đợt kiểm tra mới đây tại huyện Thanh Chương đã phát hiện 13 cán bộ (6 chuyên trách, 4 không chuyên trách, 2 công chức và 1 chủ nhiệm HTX) thuộc bảy xã Hạnh Lâm, Thanh Đức, Thanh Mỹ, Thanh An, Thanh Đồng, Thanh Ngọc và Võ Liệt sử dụng bằng tốt nghiệp THPT giả. 13 cán bộ này nằm trong danh sách 19 thí sinh dự kỳ thi tốt nghiệp THPT khóa 2006-2009 ngày 22-6-2009. Do 3 người bỏ thi, 16 người còn lại đều thi trượt nhưng sau kỳ thi đó 13 trong số 16 người này làm cán bộ trong bảy xã từ năm 2009 đến nay. Kết quả kiểm tra của Sở Nội vụ còn cho biết thêm trong số 13 cán bộ này có 7 người đã có bằng tốt nghiệp các trường trung cấp, 6 người đang theo học trường đại học luật (hệ tại chức).

GIA BẢO – V.TOÀN