26/11/2024

Cánh cửa hẹp methadone

Không có tiền cai nghiện tự nguyện ở các trung tâm, cai nghiện tập trung tại các trường trại thì đã ngưng từ đầu năm, lối thoát còn lại của người nghiện là chương trình cai nghiện thay thế bằng thuốc methadone. Tuy nhiên, đây lại là cánh cửa hẹp vì rất ít người được dùng thuốc.

Cánh cửa hẹp methadone

Không có tiền cai nghiện tự nguyện ở các trung tâm, cai nghiện tập trung tại các trường trại thì đã ngưng từ đầu năm, lối thoát còn lại của người nghiện là chương trình cai nghiện thay thế bằng thuốc methadone. Tuy nhiên, đây lại là cánh cửa hẹp vì rất ít người được dùng thuốc.

Nữ cán bộ tổ công tác xã hội tình nguyện P.Hiệp Bình Chánh, Q.Thủ Đức tư vấn cho người nghiện mong muốn được tham gia chương trình cai nghiện bằng thuốc methadone Ảnh: VŨ THỦY 

Không ít người nghiện sau một thời gian dài uống methadone nhưng không có ý chí và nghị lực lại tiếp tục chuỗi ngày tái nghiện.

Niềm hi vọng

Đã sáu năm nay, mỗi ngày anh Nguyễn Văn Khanh (38 tuổi, P.11, Q.6, TP.HCM) thức dậy lúc 6g sáng đến điểm uống methadone của quận trên đường Hồng Bàng, nhận thuốc uống và có mặt ở chỗ làm lúc 7g30. Tiền lương mỗi tháng được khoảng 3,5 triệu đồng, anh đã tự lo liệu được cuộc sống. Anh mừng, bố mẹ cũng mừng. Quá khứ nghiện ngập, vào trường ra trại đã ở lại phía sau.

 

Bác sĩ Phạm Văn Trụ(nguyên phó giám đốc Bệnh viện Tâm thần TP.HCM):

Phải được kê toa một cách hợp lý

Methadone là thuốc điều trị thay thế heroin nên cũng gây lệ thuộc. Tuy nhiên ưu điểm của methadone là thuốc có khả năng chuyển hóa tốt hơn và có thể giảm liều dần dần, tiến tới thoát khỏi lệ thuộc.

Trong quá trình sử dụng, methadone có tương tác với nhiều thuốc khác như thuốc ARV điều trị nhiễm HIV, thuốc chuyên khoa tâm thần, thuốc trụ sinh… Đây là chất gây nghiện thay thế nên phải được kê toa một cách hợp lý, chặt chẽ, phù hợp với tình trạng của từng bệnh nhân. Do đó, đội ngũ nhân sự thực hiện điều trị bằng methadone phải được đào tạo, tập huấn kỹ lưỡng.

 

Khanh kể anh bắt đầu sa chân vào con đường nghiện ngập từ năm 2000 cùng với em trai. Bà Trần Thị Điệp, mẹ anh, kể: “Ngày nào hai anh em cũng xin tiền, không cho thì lẽo đẽo đi theo, tìm đến tận công ty tôi làm. Xe máy thì đem cầm, tiền bố mẹ làm ra bao nhiêu cũng không đủ. Rồi năm 2001, đứa em bị bắt vào trường cai, năm sau đến lượt đứa anh”. Hết thời gian năm năm, hai anh em ra trại, vẫn ngựa quen đường cũ. Đúng lúc tưởng như tuyệt vọng thì năm 2008 – cũng là năm đầu tiên có chương trình methadone – bà xin cho Khanh vào. “Hồi đó chưa biết nhiều về chương trình, chẳng mong chờ nhiều. Vậy mà mọi chuyện đổi khác. Khanh không nghiện hút nữa, một thời gian sau đi làm được” – bà nói.

Sau gần 10 năm, đến bây giờ bà Phương – mẹ anh Phạm Bình Thuận (32 tuổi, Q.Thủ Đức) – mới có khoảng thời gian yên bình. Thuận nghiện ma túy năm 2001, được đưa vào trường cai. Nhưng vừa ra khỏi trường, Thuận lại bị bạn bè lôi kéo. Thời gian trong trường, Thuận nhiễm HIV nên sức khỏe ngày càng sa sút. Thấy gia cảnh khó khăn, lúc ấy phường đã sớm đưa Thuận vào chương trình cai nghiện thay thế bằng thuốc methadone. Năm năm đã trôi qua, từ đó đến nay Thuận không còn dính vào ma túy, có thể đi làm phụ thêm tiền cho cha mẹ già.

Bác sĩ Nguyễn Văn Hội – trưởng cơ sở điều trị methadone quận 6, nơi đang điều trị cho hơn 300 người nghiện bằng methadone – đánh giá rằng điều trị methadone mang lại hiệu quả rõ rệt, nhiều người nghiện sau khi vào chương trình đã có công ăn việc làm, có thể phụ giúp gia đình. Nhưng chỉ cần ngừng thuốc là người bệnh tái nghiện. Tùy mức độ lệ thuộc vào ma túy, có người chỉ cần ngừng một ngày là tái nghiện, có người 5-6 ngày vẫn chịu đựng được.

“Methadone không phải chiếc đũa thần. Nghiện ma túy được xem là một căn bệnh tổn thương về não bộ nên chỉ cần va chạm nhẹ là người bệnh cũng cảm thấy tổn thương. Chỉ cần về nhà cãi nhau với người nhà, bị người nhà tỏ thái độ coi thường là họ có thể nghiện lại” – ông Hội chia sẻ.

Xã hội hóa điều trị: phải chờ

Hiện nay TP.HCM có tám cơ sở điều trị methadone tại trung tâm y tế dự phòng các quận 4, 6, 8, Bình Thạnh, Thủ Đức, Gò Vấp, Tân Bình và tại Trung tâm tư vấn và cai nghiện ma túy trực thuộc Sở Lao động – thương binh và xã hội, đang điều trị tổng cộng gần 1.600 bệnh nhân. Tuy nhiên theo bà Tiêu Thị Thu Vân – chánh văn phòng Ủy ban phòng chống AIDS TP, thực tế lượng người điều trị methadone theo chương trình viện trợ của các tổ chức quốc tế đã đầy. Hồ sơ xin vào chương trình methadone tại các quận huyện phải chờ đến khi có người ra khỏi chương trình mới được xét vào lấp chỗ trống nên rất hạn chế. Người nghiện không thể trông chờ.

Tiêu chuẩn để được xét chọn tham gia chương trình methadone cũng không đơn giản. Ông Lê Văn Quý, giám đốc Trung tâm tư vấn và cai nghiện ma túy, cho biết trung tâm có chỉ tiêu tiếp nhận 200 người điều trị bằng methadone nhưng sau tám đợt xét mới tiếp nhận được 39 trường hợp. “Để bệnh nhân đang cai nghiện tự nguyện, bệnh nhân đã qua cai nghiện có nhu cầu sử dụng methadone hiểu rõ, chúng tôi tư vấn, giải thích rất kỹ. Hằng ngày, số hồ sơ xin tham gia vẫn rất nhiều nhưng không phải ai cũng được chấp nhận. Người nghiện có men gan quá cao, bị thiếu máu, không thành thật trong khai báo tình trạng nghiện, người có hộ khẩu ở các tỉnh, chúng tôi đều chưa thể xét chọn” – ông Quý nói.

 

 

Tiền thuốc khoảng 10.000 đồng/ngày

Cuối tháng 6-2014, UBND TP.HCM đã có văn bản chỉ đạo việc mở rộng và xã hội hóa chương trình điều trị nghiện thay thế bằng methadone để thực hiện điều trị cho khoảng 8.000 người vào cuối năm 2015 do Chính phủ và Bộ Y tế giao. TP sẽ mở các cơ sở điều trị methadone tại bệnh viện của các quận huyện hiện chưa có cơ sở điều trị methadone, tận dụng cơ sở vật chất hiện có của ngành y tế ở các địa phương và thực hiện thí điểm mở các điểm phát thuốc methadone tại trạm y tế các phường thuộc các quận hiện đã có cơ sở điều trị methadone.

Chỉ đạo là vậy nhưng theo bà Tiêu Thị Thu Vân, việc mở rộng chỉ thực hiện được khi TP tiến hành đấu thầu xong nguồn thuốc để chủ động được lượng thuốc phục vụ cho chương trình. Dự kiến cuối năm 2014 đầu 2015, việc mở rộng mới được triển khai. Đến năm 2015, các tổ chức quốc tế sẽ ngừng viện trợ methadone. Do đó chương trình methadone cũng bắt đầu thu phí tiền thuốc và chi phí khám bệnh theo chương trình xã hội hóa. Dự kiến chi phí tiền thuốc khoảng 10.000 đồng/ngày, tiền khám bệnh sẽ thu theo giá khám do UBND TP quy định.

 

MAI HƯƠNG – VŨ THỦY