27/11/2024

Việt Nam lẽ ra phải có mức thu nhập trên 7.000 USD/người

Nếu VN thực sự quyết liệt cải cách để nâng cao chỉ số về năng lực cạnh tranh, thu nhập đầu người sẽ cao hơn hiện nay rất nhiều. Nhận định đó được các chuyên gia đưa ra tại hội thảo về chỉ số xếp hạng môi trường kinh doanh của VN do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) phối hợp với Tổ chức USAID (Mỹ) tổ chức hôm qua ở Hà Nội.

 

Việt Nam lẽ ra phải có mức thu nhập trên 7.000 USD/người

Nếu VN thực sự quyết liệt cải cách để nâng cao chỉ số về năng lực cạnh tranh, thu nhập đầu người sẽ cao hơn hiện nay rất nhiều.

 

Việt Nam lẽ ra phải có mức thu nhập trên 7.000 USD/người
 Mất quá nhiều thời gian làm thủ tục thuế là một trong những hạn chế làm giảm năng lực cạnh tranh quốc gia của VN – Ảnh: Ngọc Thắng

 

Nhận định đó được các chuyên gia đưa ra tại hội thảo về chỉ số xếp hạng môi trường kinh doanh của VN do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) phối hợp với Tổ chức USAID (Mỹ) tổ chức hôm qua ở Hà Nội.

Ông Olin McGill, chuyên gia của USAID đã tỏ ý ngạc nhiên khi theo tính toán của Ngân hàng Thế giới (WB), thu nhập bình quân đầu người ở VN chỉ là 1.400 USD/năm. Bởi  theo ông, ở vị trí xếp hạng môi trường cạnh tranh 99/189 nền kinh tế, bình quân thu nhập ở VN lẽ ra phải ở mức trên 7.000 USD/người.

Nhiều chỉ số rất kém

Cụ thể, theo ông Olin McGill, trong xếp hạng môi trường cạnh tranh 189 nước năm 2014 (do WB công bố), các nước trong nhóm xếp hạng  từ 1 đến 30 có thu nhập bình quân đầu người (chỉ số GNI) là 35.155 USD, nhóm từ 31 – 60 có GNI là 20.642 USD, nhóm nước xếp hạng từ 91 – 120 có GNI là 7.545 USD. “VN xếp hạng thứ 99, như vậy, mức chênh lệnh thu nhập bình quân thực tế theo tính toán của WB với mức thu nhập phổ biến của các nước trong bảng xếp hạng này lên tới 6.145 USD”, ông Olin McGill nói.

 

 
 

VN xếp hạng thứ 99, như vậy, mức chênh lệnh thu nhập bình quân thực tế theo tính toán của WB với mức thu nhập phổ biến của các nước trong bảng xếp hạng này lên tới 6.145 USD

 

 
Ông Olin Mcgillchuyên gia của USAID
 

 

Các chuyên gia của USAID, CIEM… nhận định dù đứng ở vị trí 99 nhưng nhiều chỉ số cạnh tranh của VN không thực sự tốt và nó kéo lùi mức thu nhập bình quân đầu người của VN.

Theo TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM, vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết (NQ) số 19/NQ-CP (ngày 18.3.2014) về những nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Tuy nhiên, “ở một số bộ, ngành, các chương trình hành động để cải thiện môi trường kinh doanh rất chung chung. NQ 19 đưa ra 19 chỉ tiêu và các phương pháp cụ thể nhưng một số bộ không nhắm vào phương pháp và chỉ tiêu nào cả. Tôi chỉ thấy Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch – Đầu tư có vài chỉ tiêu về khởi sự kinh doanh, bảo vệ lợi ích nhà đầu tư là tương đối đúng theo NQ này, còn các bộ khác thì không”, ông Cung nói.

Chuyên gia Olin  McGill chỉ ra một số chỉ số quan trọng của VN có thứ hạng rất kém như chỉ số tiếp cận nguồn điện (156/189), chỉ số bảo vệ nhà đầu tư (157/189), chỉ số thành lập doanh nghiệp (143/189), chỉ số nộp thuế (149/189)… nên dù có một số chỉ số tạm ổn như giao dịch thương mại qua biên giới (65/189), đăng ký quyền sở hữu tài sản (51/189)…­ nhưng thứ hạng môi trường kinh doanh của VN vẫn bị kéo xuống khá sâu.

“Về nộp thuế thì quá kinh khủng. Mất hơn 800 giờ nộp thuế/năm với doanh nghiệp là vấn đề rất nghiêm trọng. Ngay ở những nước gọi là kém về vấn đề này, thường cũng chỉ mất 300 giờ/năm thôi. Thời gian làm thủ tục cho bảo hiểm xã hội (BHXH) mất 335 giờ/năm… Nếu vi tính hóa quy trình nộp thuế, BHXH, tôi cho rằng, có những khoản, mục sẽ giảm từ 12 lần còn 1 lần; thủ tục đi làm thuế thu nhập doanh nghiệp cũng có thể giảm từ 5 lần xuống 1”, ông McGill nói.

Hay ở chỉ số tiếp cận nguồn điện, theo ông McGill, VN có quá nhiều thủ tục như xin giấy phép đào đường, xin phép cơ quan quản lý phòng cháy chữa cháy, đơn vị duyệt trạm biến thế phụ… Đó là những thủ tục không cần thiết ở hầu hết các nước khác. Vì khi xin giấy phép xây dựng thì cơ quan cấp phép sẽ có trách nhiệm lo các thủ tục. “Trong 5 thủ tục của chỉ số tiếp cận nguồn điện theo tôi có thể bỏ đi 3. Thời gian làm thủ tục này từ 115 ngày có thể giảm xuống còn 40 ngày, nhờ đó thứ hạng của VN về chỉ số này đang từ 146/189 có thể lên được 43/189”, ông McGill phân tích.

Cải cách không khó nếu quyết tâm

Đó là nhận định của ông Olin McGill. Theo ông, nhờ sự kiên trì, quyết liệt cải cách, Malaysia, Gruzia đã có những thay đổi ngoạn mục trên bảng xếp hạng cạnh tranh (Malaysia từ thứ hạng 28 năm 2006 đã lên thứ hạng 6/189, Gruzia từ vị trí 112 năm 2006 đã lên hạng 8/189) đạt mức tăng trưởng kinh tế rõ rệt trong những năm qua.

Theo TS Nguyễn Đình Cung, nhiều hạn chế nền kinh tế đã không được nhìn nhận đúng nguyên nhân là do quản lý yếu kém mà lại được giải thích quanh co bằng các lý do khác không xác đáng cũng là nguyên nhân làm chậm cải cách. Đại diện Tổng cục Hải quan thì nêu một khó khăn là thu nhập của cán bộ ngành hải quan còn thấp dù đã nâng lên 2 lần. Vấn đề này được ông Olin McGill đồng tình. “Để cải cách, ở nhiều nước, ví dụ như Malaysia, New Zealand, Canada… họ có chính sách cải thiện thu nhập, lương bổng của cán bộ, công chức đồng thời có chính sách, quy trình rõ ràng để phát hiện những cán bộ, công chức không trung thực để phạt, sa thải ra khỏi bộ máy”, ông Olin McGill nói.

Sắp tới, CIEM sẽ tiến hành thêm nhiều hội thảo, tọa đàm khác sâu hơn về từng chủ đề: nộp thuế, tiếp cận điện… để tổng hợp các ý kiến, đề xuất, trình cơ quan có thẩm quyền để ban hành các chính sách, quyết định cụ thể, xử lý từng vấn đề để cải thiện môi trường kinh doanh.

Mạnh Quân