26/11/2024

Giản lược thủ tục đưa người đi cai nghiện

Đó là đề xuất của bà Trương Thị Mai, chủ nhiệm Uỷ ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, tại hội thảo “Đại biểu dân cử với chính sách pháp luật về phòng chống HIV/AIDS, ma tuý, mại dâm”.

 

Giản lược thủ tục đưa người đi cai nghiện

Đó là đề xuất của bà Trương Thị Mai, chủ nhiệm U ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, tại hội thảo “Đại biểu dân cử với chính sách pháp luật về phòng chống HIV/AIDS, ma tuý, mại dâm”.
Bà Trương Thị Mai – Ảnh: Vũ Thuỷ

 

 

Hội thảo được tổ chức tại TP.HCM ngày 29-8.

Tại hội thảo, nhiều đại biểu cho rằng việc triển khai áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc từ đầu năm 2014 đến nay không thực hiện được là do trình tự lập hồ sơ quá phức tạp, phải qua nhiều cơ quan hành chính.

 

Năm trước tôi được theo đoàn của Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nghiên cứu mô hình tòa án ma túy ở nước ngoài. Việt Nam hoàn toàn có thể nghiên cứu để áp dụng hình thức tòa án dạng này.

Hiện chúng tôi đang đề xuất thủ tục giản lược đối với hai vấn đề: tranh chấp lao động và đưa người đi cai nghiện

Bà Trương Thị Mai (chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội)

 

Cụ thể, từ công an cấp xã, công an cấp huyện chuyển qua phòng tư pháp, phòng lao động – thương binh & xã hội rồi mới chuyển qua toà án.

Nếu thực hiện đúng quy trình, thời gian từ cơ quan lập hồ sơ đề nghị sang đến tòa án ra quyết định nhanh nhất cũng mất hơn một tháng. Trường hợp không thực hiện đồng bộ có thể kéo dài ba tháng, thậm chí còn lâu hơn.

Khi hết thời hiệu xử lý vi phạm hành chính thì không thể đưa người vào cai nghiện bắt buộc được. Ngoài ra, việc thông báo cho gia đình hoặc người đại diện hợp pháp của người nghiện đọc và ghi chép hồ sơ trong vòng năm ngày là khó khả thi, người nghiện dễ bỏ trốn trước khi toà xét xử.

“Để đưa người đi cai nghiện, mình cứ đòi phải đi theo một trình tự rất cứng nhắc. Tôi cảm thấy với điều kiện thực tiễn và bộ máy của chúng ta hiện nay, chuyện đáp ứng đủ quy trình, thời gian như trong luật là một thách thức rất lớn” – bà Trương Thị Mai bày tỏ quan điểm.

Bà Mai cho rằng nên nghiên cứu lại theo hướng không cần phải qua các quy trình vòng vo, dựa trên tình trạng cụ thể người có thẩm quyền có thể ra quyết định đưa người nghiện đi cai ngay.

“Như thế sẽ mềm dẻo, đảm bảo ứng xử linh hoạt trong từng trường hợp cụ thể” – bà Mai nói. Theo bà Mai, quy định đưa người đi cai nghiện bằng quyết định tuyên tại toà là một tiến bộ rất lớn, nhưng để làm được việc này thì thực tiễn còn nhiều vướng mắc.

Bà giải thích: “Với việc cai nghiện ma tuý, người xét xử có thể đọc qua tất cả hồ sơ của người nghiện rồi tham khảo ý kiến của cán sự xã hội tại địa phương về tình trạng của người nghiện, hỏi thêm ý kiến của người nghiện. Trên cơ sở xem xét các khía cạnh, nếu thấy người đó vẫn còn tình trạng nghiện ma tuý nhưng đã có đi kiểm tra thường xuyên, đã tuân thủ các quy trình thì toà tiếp tục cho về cai tại cộng đồng.

Nếu người này không chấp hành quy trình, vẫn tiếp tục nghiện ma tuý thì quyết định cho người này đi cai nghiện tập trung. Việc này có thể làm rất nhanh, tinh giảm bớt các thủ tục vì đây là những vụ việc đơn giản, dễ thấy, dễ nhìn, dễ kết luận và có thể tuyên án ngay được”.

Bà Mai cũng cho biết sau đợt giám sát lần này, Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội sẽ tiếp tục tổ chức một phiên giải trình nữa vào tháng 10-2014 đối với Bộ Lao động – thương binh & xã hội cùng các cơ quan liên quan như Bộ Công an, Bộ Y tế, TAND tối cao để làm rõ vấn đề xử lý vi phạm hành chính với người nghiện ma tuý đủ 18 tuổi trở lên.

MAI HƯƠNG – VŨ THU

 

 

Thông tin từ Cục Phòng chống tệ nạn xã hội (thuộc Bộ Lao động – thương binh và xã hội) cho thấy tính đến giữa năm 2014 cả nước có gần 183.000 người nghiện có hồ sơ quản lý, tăng hơn 1.400 người so với năm 2013 (trong đó 45 địa phương có người nghiện tăng).

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Xuân Lập – cục trưởng Cục Phòng chống tệ nạn xã hội – số người nghiện thực tế có thể cao hơn con số quản lý được từ 30-35%.

Nếu các tỉnh, TP tiếp tục không đưa được người nghiện vào cai nghiện bắt buộc thì đến cuối năm nay, số người cai nghiện tại các trung tâm cai nghiện bắt buộc chỉ còn khoảng 18.000 người, giảm gần 50% so với cùng kỳ năm 2013 (bằng 32% tổng công suất của các trung tâm).