26/11/2024

Hãy lắng nghe giáo viên nói!

Tại sao trước khi muốn thực hiện đề án trang bị máy tính bảng cho học sinh tiểu học, các nhà lãnh đạo giáo dục không thử khảo sát suy nghĩ và phản ứng của đội ngũ giáo viên. Họ có đồng tình không, tại sao?

Hãy lắng nghe giáo viên nói!

Là một giáo viên có hơn 15 năm giảng dạy tại TP.HCM, tôi hoàn toàn tâm đắc và đồng ý với những ý kiến của TS Huỳnh Thế Du về câu chuyện máy tính bảng.

Đơn vị tư vấn giới thiệu sách giáo khoa điện tử và máy tính bảng với hiệu trưởng các trường tiểu học và trưởng phòng giáo dục các quận ở TP.HCM chiều 18-8 – Ảnh: Như Hùng 

Có những điều mà chúng ta phải công nhận trong xã hội văn minh và hiện đại này là: nếu chúng ta muốn làm một điều gì đó mới mẻ với một đối tượng nào đó thì nên lắng nghe đối tượng đó. Cụ thể ở đây, TP.HCM có biết bao nhiêu giáo viên đang giảng dạy cấp tiểu học.

Tại sao trước khi muốn thực hiện đề án trang bị máy tính bảng cho học sinh tiểu học, các nhà lãnh đạo giáo dục không thử khảo sát suy nghĩ và phản ứng của đội ngũ giáo viên. Họ có đồng tình không, tại sao?

Chúng tôi là những giáo viên đang mỗi ngày đứng trước hàng chục, hàng trăm học sinh tiểu học, cảm thấy luôn lo lắng và hồi hộp cho những đổi mới liên tục của ngành giáo dục ở từng năm học.

Nhiều khi chúng tôi ngồi lại bên nhau, nói với nhau về những trăn trở lo toan cho công việc mà chúng tôi đang đảm nhiệm và những ước muốn tốt đẹp nhất mang lại hứng thú thật sự cho học sinh chúng tôi.

Thế nhưng (bao giờ cũng vậy) kết thúc những cuộc trò chuyện đó là những nỗi buồn triền miên và luôn đè nặng trên vai những nhà giáo chân chính yêu nghề như chúng tôi.

Cả tháng nay đã có rất nhiều bài viết của phóng viên báo chí, của những giáo sư, những nhà giáo đầu ngành, của những bạn đọc là cha mẹ học sinh phản ứng về đề án máy tính bảng.

Vì họ quá lo lắng cho thế hệ trẻ là những mầm non tương lai của đất nước nên họ muốn nói lên tiếng nói của mình, với mong ước tất cả con em chúng ta được hưởng những lợi ích tốt nhất, phù hợp nhất.

Ở đây tôi không dám nói rằng máy tính bảng có hại có lợi như thế nào đối với học sinh lớp 1, 2, 3 mà dưới góc nhìn của một giáo viên, tôi chỉ thấy rằng máy tính bảng hoàn toàn xa xỉ và không phù hợp với tình hình chung của cả thành phố và đời sống của toàn thể học sinh tiểu học.

Giáo viên chúng tôi chưa có đời sống khấm khá và học sinh của chúng tôi còn nhiều lắm những mảnh đời cơ cực.

Tôi chỉ mong ước các nhà lãnh đạo giáo dục lắng nghe chúng tôi và trao tặng học sinh của chúng tôi những niềm vui đúng nghĩa trong mỗi ngày đến trường.

BÍCH NHÀN (giáo viên tiểu học tại TP.HCM)